Tác giả: TS. Nguyễn Đính
PCT Hội KHKT Thủy lợi Thừa Thiên Huế
Những chặng đường lịch sử của ngành Thủy lợi Việt Nam
Cách đây 77 năm vào ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Tuyên cáo thành lập Bộ Giao thông Công chính có chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác thuỷ lợi cùng với giao thông và bưu điện, đó chính là tiền thân của Bộ Thủy lợi và của ngành Thủy lợi Việt Nam.
Tháng 9/1955, Quốc hội khoá I đã Quyết định tách Bộ Giao thông Công chính thành 2 Bộ: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc; và đến ngày 29/4/1958, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa I ra Nghị quyết tách Bộ Thủy lợi và Kiến trúc thành hai Bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc. Từ đây Thuỷ lợi là một ngành kinh tế kỹ thuật độc lập có nhiệm vụ thống nhất quản lý trên toàn lãnh thổ các công việc liên quan đến nguồn tài nguyên nước, khai thác mặt lợi và chế ngự mặt hại, bao gồm cả thủy nông, thủy điện, cấp thoát nước cho công nghiệp và thành phố.
Tháng 10/1995, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi. Ngày 01/11/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 73-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ NN&PTNT: “Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn”. Đến năm 2007, Bộ Thủy sản cũng đã hợp nhất vào Bộ NN&PTNT. Để tôn vinh và giáo dục truyền thống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1135/QĐ-TTg ngày 21/8/2008 lấy ngày 28/8 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành thủy lợi Việt Nam”.
Thủy lợi Thừa Thiên Huế trưởng thành theo năm tháng
Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất. Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Trong thời kỳ 1976 – 1989, nhiều công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư: Quảng Bình có công trình Vực Tròn, Quảng Trị có công trình đập Trấm (đại thủy nông Nam Thạch Hãn, còn ở Thừa Thiên có công trình thuỷ lợi Nam sông Hương, đập Thảo Long và một loạt công trình hồ, đập vừa và nhỏ, như: Ba Cửa, Châu Sơn, Phú Bài 2, Mỹ Xuyên, Trằm Nãi, Thiềm Lúa, Đồng Bào, Thọ Sơn, Khe Nước… cùng hàng chục km kênh mương, trạm bơm, cống, đập.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế tái lập. Tỉnh thành lập Sở Thủy lợi để thực hiện công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt bão. Đến giữa năm 1996, hợp nhất các Sở: Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kể từ đó, ngành Thủy lợi trở thành một bộ phận hữu cơ trong khối ngành NN&PTNT. (Năm 2007, sáp nhập thêm Sở Thủy sản).
Từ đó đến nay, công tác thủy lợi của tỉnh được Đảng và nhà nước quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn, quan trọng, như: cải tạo nâng cấp đập Cửa Lác (2000-2003), xây dựng mới cống đập Thảo Long (2001-2006), cống Quan (2019-2020); các hồ đập lớn: Bình Điền (2005-2009), Hương Điền (2005-2010), A Lưới (2007-2012), Tả Trạch (2005-2015), nâng cấp hồ Khe Ngang (2009-2012), hồ Thủy Yên (2010-2017), sửa chữa nâng cấp nhiều hồ đập vừa và nhỏ khác. Trong đó, 2 công trình đập, hồ chứa Tả Trạch và Hương Điền thuộc danh mục “Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt”.
Hồ Đập Thủy Yên huyện Phú Lộc- Công trình thủy lợi cấp nước cho khu đô thị Chân Mây – Lăng Cô
Hồ Tả Trạch- công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế
Hạ lưu đập Tả Trạch
Tính đến nay, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích gần 800 triệu m3; cùng các hồ đập thủy điện, đã nâng tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh lên hơn 2,0 tỷ m3, góp phần giảm lũ trung bình từ 1,0 – 1,2 m cho vùng hạ du, đảm bảo tưới chủ động cho hơn 36.000 ha đất canh tác.
Đã xây dựng được gần 90km kè sông, 7km kè chống xói lở bờ biển, 200km đê điều chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, ngăn mặn, bảo vệ bờ sông, bờ biển và các công trình hạ tầng, đất đai, nhà cửa, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Về cấp nước, tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ gia đình toàn tỉnh sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế (QCVN 01-1: 2018/BYT) đạt 94%, trong đó: khu vực thành thị đạt 98% và vùng nông thôn đạt 90%. Phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ nâng dần tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đảm bảo các quy định đạt 100%.
Phát huy vai trò của Hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành
Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ngành thủy lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Hội Khoa học Kỹ thuật thủy lợi vào ngày 11/8/2003. Đến năm 2018, Hội đã kiện toàn Ban Chấp hành và thường trực Hội để duy trì sinh hoạt, tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, Hội đã quan tâm xây dựng củng cố tổ chức, động viên toàn thể các hội viên, cán bộ ngành thủy lợi đoàn kết, ra sức thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà ngành, cấp trên giao. Đến nay, tổng số hội viên trên 100 người. Hầu hết hội viên đều đoàn kết gắn bó, hăng hái xây dựng hội, góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan đơn vị. Những hoạt động của Hội đã được Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đánh giá cao và được UBND tỉnh tặng Bằng khen thành tích xuất sắc năm 2019. Có nhiều bài viết về Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai được đăng giới thiệu trên Bản tin Khoa học và Kỹ thuật của Liên hiệp Hội tỉnh có chỉ số xuất bản ISSN trong các năm 2020-2022.
Xác định con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, trong nhiều năm qua, công tác kiện toàn bộ máy ngành thủy lợi được các cấp hết sức quan tâm. Lực lượng ngành thủy lợi hiện nay như sau: Cấp tỉnh có Chi cục Thủy lợi và Phòng Quản lý Xây dựng công trình thuộc Sở NN&PTNT, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; cấp huyện có cán bộ chuyên trách ở Phòng NN&PTNT/Kinh tế; cấp xã có cán bộ phụ trách thủy lợi, PCTT&TKCN. Ngoài ra có lực lượng cán bộ chuyên ngành thủy lợi ở các Ban QLĐTXDTL 5 (Bộ NN&PTNT), Ban Quản lý ĐTXDCT NN&PTNT tỉnh, các Ban QLDA khu vực. Các đơn vị sản xuất trực tiếp: Công ty TNHHNN 1TV QLKT CTTL tỉnh, Công ty Cổ phần TVXDTL, Công ty Cổ phần XDTL; các doanh nghiệp tư vấn, xây dựng thủy lợi,…
Với đội ngũ ngày càng lớn mạnh, có trình độ chuyên môn vững vàng, tập thể gắn kết, cán bộ, công nhân viên, phát huy truyền thống Thủy lợi Việt Nam, các hội viên Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phấn đấu, góp phần vào sự nghiệp chung của ngành Thủy lợi và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhà./.