Quảng Điền là huyện vùng thấp trũng, đại bộ phận người dân sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến lĩnh vực nông nghiệp, đời sống của người dân vùng thấp trũng Quảng Điền gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2012 được sự quan tâm hỗ trợ của đại sự quán Phần Lan, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp với UBND huyện Quảng Điền triển khai dự án “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế”(FLC12-02) tại xã Quảng Phước. Qua 1 năm triển khai thực hiện dự án đã mạng lại những kết quả đáng ghi nhận.
Nằm ở vùng thấp trũng, huyện Quảng Điền luôn phải đối mặt với sự biến đổi khắc nghiệt của thiên tai như: nắng nóng kéo dài về mùa khô, lũ lụt nhiều về mùa mưa. Biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tháng 10 năm 2012, huyện Quảng Điền đã triển khai dự án “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế tại xã Quảng Phước”. Qua 1 năm hoạt động, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về BĐKH, thi tìm hiểu về BĐKH và xây dựng các chuyên mục, chuyên đề phát thanh trên sóng đài huyện và đài PTTH tỉnh. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ cho 50 hộ gia đình tại xã Quảng Phước sử dụng năng lượng tái tạo bằng xây dụng hầm khí Biogas. Được biết, Quảng Phước là địa phương có thế mạnh chăn nuôi gia súc, hiện nay toàn xã có 3.700 hộ dân chăn nuôi lợn, mỗi hộ bình quân từ 5 đến 10 con. Chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình phát triển khá mạnh. Điều này đã đặt địa phương trước nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí. Chính quyền địa phương có những giải pháp để điều chỉnh nhưng hiệu quả mang lại không cao. Mấy năm trở lại đây, được sự hỗ trợ từ các dự án, người dân bắt đầu tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào phát triển chăn nuôi. Việc ứng dụng công nghệ ủ phân bằng hầm khí biogas lấy khí gas dùng trong đun nấu và thắp sáng đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển chăn nuôi tại Quảng Phước. Trong đó, đóng góp lớn nhất phải kể đến dự án FLC 12-02 “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế”. Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của dự án FLC mang lại trên địa bàn xã, ông Lê Đức Ưa – Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết “ Trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra là vấn đề nhức nhối của địa phương, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn không mang lại tính khả thi. Năm 2012 được sự quan tâm của dự án FLC, hỗ trợ kinh phí gần 400 triệu đồng cho 50 hộ dân làm hầm khí biogas, từ khi có hầm khí biogas môi trường trong chăn nuôi đã được cải thiện rõ rệt. Đây là tin hiệu rất mừng cho xã Quảng Phước giải bài toán ô nhiễm môi trường, mong muốn của chúng tôi là cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của dự án để tiếp tục cải thiện môi trường trong chăn nuôi. Góp phần hạn chế sự biến đổi của khí hậu”.
Một trong những người chăn nuôi lợn có quy mô lớn trên địa bàn, ông Phan Chương, người dân ở thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước cho biết: Trước đây, do chưa có hệ thống hầm khí biogas, phân chuồng thải ra ngoài tự nhiên nên đã gây nên sự ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong thôn cũng tương tư như vậy. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là của dự án FLC người dân chúng tôi đã tiến hành xây dựng hầm khí biogas. Sau khi xây hầm, lượng phân ấy được dồn vào hầm biogas làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Theo tính toán, trung bình mỗi năm một gia đình có 4 khẩu tiêu thụ khoảng 3 bình gas, với mức giá 400 ngàn đồng/bình, chưa kể phải sử dụng củi đun để nấu nước và thức ăn cho lợn. Như thế, trung bình mỗi gia đình phải chi phí khoảng gần 2 triệu đồng/năm cho nhiên liệu sử dụng trong sinh hoạt. Trong khi đó, mỗi gia đình chỉ cần nuôi thường xuyên 2 con lợn nái và khoảng 5 đến 6 con lợn thịt là có thể đủ nguồn cung cấp gas và thắp sáng cho gia đình.
Ngoài việc giúp người dân sử dụng năng lượng tái tạo. Dự án FLC còn tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông về biến đổi khí hậu, hướng dẫn giúp đỡ xã Quảng Phước thành lập 3 đội ứng cứu khẩn cấp khi có thiên tai bão lụt. Đánh giá những tác động của dự án FLC mang lại ông Trần Giải – PCT Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết. “ Dự án FLC được triển khai tại Quảng Điền từ tháng 10 năm 2012 và sẽ kết thúc vào tháng 9 năm 2014. Qua hơn 1 năm thực, những hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, giúp cho họ có những hành vi và kỹ năng cần thiết để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án cũng giúp cho Ủy ban nhân dân xã Quảng Phước có kỹ năng lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Dự án đã nhận được sự hợp tác tích cực của chính quyền, đoàn thể địa phương và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.Trên cơ sở kết quả này, chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động của năm thứ hai, đồng thời chuẩn bị khảo sát để viết đề xuất trình đại sứ quán Phần Lan viện trợ cho giai đoạn tiếp theo.
Đối với một xã vùng thấp trũng như Quảng Phước nói riêng huyện Quảng Điền nói chung, dự án FLC 12-02 đã mang lại hiệu quả kép, nó không chỉ giúp người dân có nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, cải thiện sinh kế, giảm thiểu tình trạng ổ nhiễm môi trường do chăn nuôi, mà nó còn giúp người dân vùng trũng Quảng Điền nâng cao nhận thức và năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu .
Công Cường
ĐINH VĂN CHUNG