Theo nhiều nghiên cứu, tình trạng nhiễm khuẩn trong các bệnh viện đã và đang gây ra nhiều phiền phức cho bệnh viện và tốn kém cho người bệnh, gia đình và cho toàn xã hội. Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, tác nhân gây bệnh càng tăng, vì vậy để góp phần làm sạch bệnh viện, an toàn cho người bệnh trong điều trị, an toàn cho nhân viên y tế trong công tác, an toàn cho cộng đồng thì nguyên tắc đầu tiên là vệ sinh bàn tay. Rửa tay cũng là một trong 12 nội dung cơ bản của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Rửa tay là việc làm thông thường nhưng lại là giải pháp hàng đầu trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Rửa tay thường quy là một thuật ngữ chung để chỉ việc hoặc rửa tay bằng nước và xà phòng thường, rửa tay bằng nước và dung dịch khử khuẩn hoặc chà xát tay bằng một dung dịch chứa cồn (rửa tay không dùng nước).
Rửa tay thường quy nhằm loại bỏ các vi khuẩn vãng lai ở bàn tay, áp dụng cho mọi thành viên trong các cơ sở y tế (nhân viên y tế, sinh viên y, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân) khi thực hiện các hoạt động chăm sóc và điều trị nhằm ngăn ngừa lan truyền các tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế.
Mặc dù đã có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng rửa tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện nhưng sự tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế vẫn còn chưa cao. Sự tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế còn thấp vì nhiều lý do: trang bị cho việc rửa tay chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lý, số lượng bệnh nhân đông, tính chất công việc của từng khoa, chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc rửa tay của nhân viên, ý thức của nhân viên y tế…
Khảo sát 190 nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế tại các khoa có phẫu thuật trong đó có: điều dưỡng, kỹ thuật viên và hộ sinh. Đối chiếu với “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” được áp dụng cho các bệnh viện nhà nước và tư nhân. (Ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Tiêu chí C4.3: Triển khai chương trình và giám sát tuân thủ vệ sinh tay.
1. Về phương tiện rửa tay tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân liên quan đến tỷ lệ tuân thủ rửa tay thấp trong nhân viên bệnh viện, bao gồm kiến thức, thái độ của nhân viên bệnh viện với việc rửa tay trong kiểm soát nhiễm khuẩn và giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, trang bị các phương tiện rửa tay (lavabo, khăn, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn), sự giám sát, kiểm tra của cán bộ quản lý bệnh viện, thời gian làm việc và áp lực khám chữa bệnh…
Điều này nói lên việc bổ sung dung dịch sát khuẩn tay nhanh có thể thay thế trang bị thêm bồn rửa tay trong việc tuân thủ rửa tay của nhân viên bệnh viện. Thực tế tại Bệnh viện, theo nghiên cứu của chúng tôi, 90,5% nhân viên bệnh viện lựa chọn vệ sinh tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch khủ khuẩn, chỉ có 9,5% lựa chọn vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn. Sự khác biệt về sự lựa chọn phương pháp vệ sinh tay giữa các nhóm nhân viên khác nhau có ý nghĩa thống kê. Nhiều cơ hội hay thời điểm rửa tay mà nhân viên y tế không chú ý hay hiếm khi rửa tay như trước khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi đụng chạm vào vật dụng xung quanh người bệnh… Nhiều lý do được nêu ra khi nhân viên không tuân thủ rửa tay, trong đó phần lớn điều dưỡng và hộ lý đều cho biết không đủ thời gian rửa tay (91,7%), một số khác chưa tuân thủ rửa tay do thiếu phương tiện rửa tay (lavabo) (45,0%).
2. Các giải pháp đã tiến hành để tăng tỷ lệ tuân thủ rửa tay
Nhìn vào những nhóm yếu tố liên quan đến tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên bệnh viện, chúng ta có thể nhận thấy, nhiều yếu tố chúng ta có thể can thiệp nhanh, hiệu quả mà ít chi phí như tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của nhân viên bệnh viện với vai trò của tuân thủ rửa tay trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, cam kết nhân viên tuân thủ rửa tay, tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá sự tuân thủ rửa tay của nhân viên bệnh viện…Tuy nhiên có những yếu tố chúng ta cần phải có thời gian, có đầu tư kinh phí mới có thể can thiệp được như số lượng bồn rửa tay, các loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh…Trên thực tế của Bệnh viện Đại học Y Dược Huế năm 2017, chúng tôi sẽ lựa chọn các nhóm giải pháp ít chi phí, hiệu quả cao như tập huấn, cam kết và giám sát chặt chẽ, thường xuyên nhân viên bệnh viện về tuân thủ rửa tay.
Chúng tôi đã tiến hành đồng bộ các giải pháp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tờ rơi, cam kết…đồng thời bổ sung dung dịch sát khuẩn tay nhanh và giám sát tuân thủ rửa tay thường xuyên. Kết quả như đã cải thiện rõ rệt tỷ lệ tuân thủ rửa tay. Qua số lệu của các tác giả trong và ngoài nước, chúng ta có thể thấy tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên bệnh viện Đại học Y Dược Huế đã cải thiện rõ sau khi tiến hành các biện pháp đồng bộ như tập huấn, hướng dẫn, giám sát…
3. Kết quả
Thực hiện đồng bộ quá trình khảo sát phương tiện rửa tay, tập huấn, hướng dẫn, bổ sung phương tiện rửa tay, kiểm tra, giám sát tuân thủ rửa tay của nhân viên Bệnh viện Đại học Y Dược Huế năm 2017, chúng tôi có những kết luận sau:
3.1. Một số vấn đề liên quan đến tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên tại các khoa có phẫu thuật nói chung và nhân viên bệnh viện nói riêng đó là: thiếu các phương tiện rửa tay (chỉ có 59,6% các buồng bệnh, buồng thủ thuật, phòng hành chính có bồn rửa tay), trang bị chưa đầy đủ kiến thức về vai trò của rửa tay trong dự phòng NKBV, thiếu hoặc chưa kiểm tra giám sát, nhắc nhở nhân viên tuân thủ rửa tay…
3.2. Tiến hành can thiệp bằng các giải pháp phù hợp sau:
– Tăng cường mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, hội thi, cam kết rửa tay…cho NVYT các đơn vị trong toàn bệnh viện.
– Bổ sung đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại những đơn vị chưa có đầy đủ bồn rửa tay (Sản, Ngoại TK-Tiết niệu, Ung bướu).
– Đặc biệt là tăng cường mức độ giám sát rửa tay tại các đơn vị có nhắc nhở, có kiểm tra và ghi chép lại kết quả.
3.3. Kết quả tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ quy trình vệ sinh tay sau can thiệp đồng bộ các giải pháp
Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở các cơ hội rửa tay chung là 74,1%, cao nhất ở nhóm điều dưỡng (76,9%), sau đó là nữ hộ sinh (76,7%) và thấp nhất là nhóm kỹ thuật viên (46,4%). So sánh qua hai đợt khảo sát độc lập, khách quan, tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên ở lần khảo sát thứ hai đã tăng cao, sự khác biệt giữa hai đợt về tỷ lệ tuân thủ rửa tay là có ý nghĩa (p<0,05), đặc biệt đối tượng là kỹ thuật viên tăng tỷ lệ tuân thủ rửa tay là cao nhất.
Tăng tỷ lệ tuân thủ rửa tay ở nhân viên bệnh viện là trực tiếp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có phẫu thuật, đồng thời cũng làm gảm nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc người bệnh.
PGS.TS. Trần Đình Bình
Trường Đại học Y DƯợc Huế