Tăng huyết áp (THA) vẫn không ngừng gia tăng tại trên thế giới và tại nước ta kéo theo những hậu quả và biến chứng nặng nề. Nhiều khuyến cáo đã ra đời chỉ trong một thời gian ngắn là 2 năm gần đây 2013- 2014 như của ESC/ESH, CHEP, NICE và của ASH/ISH, JNC8.
. Khuyến cáo của Phân Hội THA Việt nam/Hội Tim mạch Việt nam ra đời từ năm 2006 và từ đó đến nay đã có những cập nhật từng phần theo từng Hội nghị Tim mạch Quốc gia Việt nam như 2008, 2010, 2012 và đến nay trước những thay đổi lớn lao cũng như những ý kiến có phần chưa thống nhất giữa các nước, các tổ chức khuyến cáo nên Phân Hội THA Việt nam/Hội Tim mạch Việt nam năm 2014 đã đồng thuận cập nhật trên cơ sở các khuyến cáo của Việt nam và các Hội THA trên thế giới cũng như khu vực, trong đó cơ bản là từ khuyến cáo THA của Châu Âu 2013. Điều đáng quan tâm là các khuyến cáo đều nhấn mạnh vai trò đo HA ngoài phòng khám. Các phương pháp đo huyết áp ngoài phòng khám:
1. Theo dõi HA tại nhà / tự đo HA.
Nên dùng máy đo đã chuẩn hoá và đo đúng quy trình. Không dùng loại đo ở cổ tay vì không chính xác. Tiện lợi của việc theo dõi HA tại nhà là ghi được các số đo HA khi thức trong nhiều ngày, giảm được hiệu ứng THA áo choàng trắng. Điều quan trọng của đo HA tại nhà là giúp bệnh nhân biết con số HA của mình khi điều trị. Con số HA đo tại nhà thường thấp hơn tại phòng khám, cho nên phải giảm bớt ngưỡng và mục tiêu HA (ví dụ 10/5 mm Hg) để điều trị khi đo HA tại nhà. Điều bất tiện của đo HA tại nhà là báo cáo sai lệch nên không giám sát được việc thay đổi thuốc. Hiện chưa có thoả ước nào về số lần đo cũng như thời điểm đo HA và ngưỡng HA nào là bất thường nhưng bệnh nhân có HA tại nhà < 130/85 mm Hg có thể xem như bình thường. Tự đo HA tại nhà không thể cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị HA trong 24 giờ tuy nhiên có thể cung cấp trị số HA trong những ngày khác nhau và gần với hoàn cảnh sống bình thường hơn. Các trị số trung bình thu được vài ngày cũng mang lại một số thông tin, ưu điểm như đo HA 24 giờ, đó là tránh được hiệu quả áo choàng trắng và có thể giúp dự báo nhất định sự hiện diện và tiến triển của tổn thương cơ quan đích so với đo HA tại phòng khám. Do vậy, đo HA tại nhà vào các khoảng thời gian thích hợp trước và suốt quá trình điều trị cũng có thể được khuyến khích bởi vì đây là phương pháp tương đối cũ và có thể cải thiện sự gắn kết bệnh nhân và điều trị. Ngày nay đo HA tại nhà được khuyến khích giúp chẩn đoán xác định THA áo choàng trắng hoặc THA thật sự dựa vào đo lặp lại sáng chiêu và trung bình sau 5-7 ngày đầu có HATT và HATTr ≥ 135/85mmHg chẩn đoán THA.
2. Đo HA liên tục 24 giờ (ABPM)
Huyết áp liên tục 24 giờ cung cấp thông tin nhiều hơn HA đo tại nhà hoặc phòng khám; ví dụ, HA 24 giờ gồm cả HA trung bình ban ngày (thường từ 7-22 giờ) và giá trị ban đêm và mức dao động HA. Các nghiên cứu cho thấy đo HA 24 giờ: (1) liên quan với tổn thương cơ quan đích do THA gần hơn trị số HA phòng khám; (2) dự báo nguy cơ tim mạch toàn dân ở đối tượng THA cao hơn dự báo của trị số HA phòng khám mang lại; (3) đo chính xác hơn HA phòng khám đặc biệt để đánh giá hiệu quả hạ HA qua điều trị, do không có hiện tượng áo choàng trắng và các yếu tố nhiễu tác động ngày càng nhiều sau mỗi lần đo.
Tăng HA có mối tương quan liên tục và có mức độ với tăng nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ. Tuy nhiên, các nguy cơ khác như tuổi, hút thuốc lá và cholesterol cũng dẫn đến tăng mạnh nguy cơ BTM với bất cứ mức THA nào. Do đó, nguy cơ tuyệt đối BTM ở bệnh nhân THA giao động mạnh, khoảng trên 20 lần, tuỳ thuộc vào tuổi, giới, mức HA và sự hiện diện các yếu tố nguy cơ khác.
Do tổn thương cơ quan đích đóng vai trò quan trọng trong dự báo nguy cơ tim mạch toàn thể của bệnh nhân THA việc thăm khám phải được tiến hành cẩn thận. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu không sử dụng siêu âm tim mạch để đánh giá phì đại thất trái trái và dày thành ĐM cảnh hoặc mảng xơ vữa sẽ gây nên 50% bệnh nhân THA bị phân loại sai lầm khi xếp họ vào nhóm yếu tố nguy cơ thấp hoặc trung bình, trong khi có thương tổn tim mạch phát hiện được qua siêu âm họ sẽ xếp vào nhóm nguy cơ cao hơn. Do đó siêu âm tim và doppler mạch được khuyến khích sử dụng đặc biệt trên những bệnh nhân mà tổn thương cơ quan đích không được phát hiện bằng xét nghiệm thường quy bao gồm điện tim. Mặt khác, tìm albumin niệu vi thể cũng được khuyến khích vì bằng chứng cho thấy đó là một dấu chứng nhạy cảm cho tổn thương cơ quan đích, không chỉ ở bệnh nhân ĐTĐ mà còn trên bệnh nhân THA.
Một số khuyến cáo hiện không còn dùng bảng phần tầng nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân THA mà thay vào đó tính thang điểm nguy cơ tim mạch chung để dự phòng nhưng đối với THA quyết định điều trị ở bệnh nhân THA không chỉ đơn thuần dựa vào mức HA qua đo huyết áp, mà còn xem có sự hiện diện những yếu tố nguy cơ tim mạch khác đi kèm, thương tổn cơ quan đích, và các tình trạng lâm sàng liên quan cùng với độ THA nên cân có sự phân tầng nguy cơ tim mạch theo mức nguy cơ tim mạch toàn thể thấp cao, trung bình, cao và rất cao để có tiên lượng và hướng điều trị thay đổi lối sống và can thiệp thuốc ngay. Bên cạnh có thể tính các thang điểm nguy cơ tim mạch như SCORE, Framingham hay của WHO trong dự phòng bệnh tim mạch chung.
Kết luận: Sự thay đổi quan niệm xử dụng phương pháp đo huyết áp nay đã được khuyến cáo áp dụn là cuộc cách mạng thật sự trong tim mạch. Trong bối cảnh đó nghành y tế Việt nam sẽ có những thay đổi thích hợp để hòa nhập y học thế giới./.
GS.TS. HUỲNH VĂN MINH
Chủ tịch Hội Tim mạch học Thừa Thiên Huế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khuyến cáo chẩn đoán và xử trí THA Hội Tim Mạch học Việt nam 2008.
2. Khuyến cáo xử trí THA của Hội THA Anh quốc (BSH), NICE 2013.
3. Khuyến cáo xử trí THA của Hội THA châu Âu (ESC/ESH) 2013.
4. Khuyến cáo thực hành lâm sàng xử trí THA trong cộng đồng của Hội THA Hoa Kỳ/ Hội THA Quốc Tế (AHS/ISH) 2014.
5. Khuyến cáo dựa trên bằng chứng về điều trị THA ở người lớn 2014 của những thành viên được chọn trong Ủy ban Liên Quốc gia (Hoa Kỳ) lần thứ 8 .
6. Khuyến cáo chẩn đoán và xử trí THA của Hội THA Canada (CHEP) 2014.
7. Khuyến cáo của Hội THA Korean 2014.
8. Khuyến cáo của Hội THA Malaysia 2012.
9. Khuyến cáo của Hội Tim mạch Đài loan 2010.