Di tích đấu trường voi hổ sẽ được tu bổ phục hồi

Trải qua gần 200 năm tồn tại, điện Voi ré, Hổ quyền – cụm di tích về đấu trường voi hổ duy nhất có ở Đông Nam Á, tọa lạc trên địa bàn thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Tây Nam, đã và đang bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên và con người, sắp được bảo tồn tu bổ và phục hồi.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói tại hội nghị báo cáo dự án đầu tư xây dựng công trình quy hoạch, bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị cụm di tích điện Voi ré, Hổ quyền do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức ngày 30/9/2008: Điện Voi ré và Hổ quyền là hai trọng điểm trong quần thể di tích Huế. Lâu nay, chúng ta có quan tâm bảo vệ, tu bổ nhưng chưa đúng mức nên các di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tồn tu bổ cụm di tích này là vấn đề quá cấp thiết, chứ không phải chỉ ở mức độ cần thiết nữa.

KTS Đỗ Thị Thanh Mai, chủ trì dự án cho biết: Toàn bộ 27 công trình trong cụm di tích đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thấp nhất có mức hư hỏng 40% là Am thờ điện Voi ré. Các hạng mục còn lại có mức độ hư hỏng từ 70% trở lên. Hữu miếu tượng, sân vườn điện Voi ré, toàn bộ các hạng mục của Hổ quyền đều có mức độ hư hỏng từ 80% đến 100%.

Ông Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế nhấn mạnh: ông hoàn toàn đồng ý với đánh giá có tính khách quan, đảm bảo tính chính xác về mức độ hư hỏng, tỷ lệ phần trăm hư hỏng của các hạng mục công trình di tích như KTS Mai nêu ra.

PGS TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Lịch sử Thừa Thiên Huế, ủy viên Hội đồng di sản Việt Nam khẳng định sự đồng tình của mình đối với mục tiêu dự án đã được nêu ra trong báo cáo thuyết minh dự án: Cần thiết phải đầu tư bảo tồn, tu bổ và phục hồi cụm di tích có giá trị lịch sử, lễ hội, văn hóa và kiến trúc sâu sắc – một đấu trường voi và hổ duy nhất có tại Đông Nam Á; Quy hoạch thích nghi xây dựng một khuôn viên văn hóa phục vụ cộng đồng, tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa của thành phố, phục vụ festival Huế. PGS Bang đã lưu ý chủ dự án cần quan tâm đến khía cạnh môi trường của dự án.

Vấn đề được nhiều người tham dự hội nghị quan tâm là cần tập trung các nguồn lực cho bảo tồn trước đã. Ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế nói: Đầu tư cho bảo tồn là chính, đầu tư cho vùng lân cận sau. Trong việc xây dựng khuôn viên văn hóa, chỉ nên chọn một số khu chức năng cần thiết, không nên đầu tư xây dựng làng nghề đúc, khu sinh vật cảnh,¦vì các hạng mục này thành phố Huế đã đầu tư xây dựng gần cụm di tích. Cần cân nhắc lại quy mô dự án, phân rõ các kỳ đầu tư. Khi mở rộng, cần chú ý ổn định cuộc sống người dân phải di dời chỗ ở. Phải đặt dự án trong quy hoạch của tỉnh, thành phố và xã Thủy Biều.

Ý kiến của KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế về định hướng và phương án tu bổ phục hồi và quy hoạch cụm di tích được các đại biểu tỏ thái độ đồng tình cao là: sẽ ưu tiên cho tu bổ và phục hồi di tích. Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan để làm tốt công tác đền bù, di dời, giải tỏa theo từng giai đoạn, phù hợp với phân kỳ đầu tư dự án. Công tác khảo cổ, khảo sát xác định phạm vi tổng thể cụm di tích, cấu trúc của công trình, xác lập các thông tin về hiện trạng toàn bộ công trình cũng như từng hạng mục, chủng loại vật liệu để lập hồ sơ thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ dự toán chi tiết bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích sẽ được tiến hành trước. Có 26 hạng mục được bảo tồn tu bổ và phục hồi. Dự kiến, dự án sau khi được phê duyệt sẽ được thực hiện từ đầu năm 2009 đến năm 2015. Trong các năm 2009 – 2012, sẽ tập trung bảo tồn tu bổ, tôn tạo, từ năm 2010 – 2015 tập trung xây dựng khuôn viên văn hóa di tích. Tổng dự toán kinh phí cho việc thực hiện dự án lên đến gần 90 tỉ đồng.

NVQ

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email