Tác giả: PGS.TS Trần Đình Bình
Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế
I. BĐKH VÀ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu và tác động bất lợi của nó sẽ ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Nhiệt độ Trái đất và mực nước biển tăng cùng các sự kiện thời tiết tiêu cực làm bùng phát các bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết…, làm tăng sức lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Tác động này đặc biệt lớn ở các nước nghèo và thành phần dân cư dễ bị tổn thương nhất do hệ thống y tế kém phát triển, thiếu thuốc men và nhân viên y tế [1]…Theo ước tính hàng năm có tới 150.000 người ở các nước thu nhập thấp tử vong do tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực Đông Nam Á chiếm 30% số người nghèo trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng trên. Trong số 14 triệu người chết hàng năm ở khu vực này có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm. Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh lây nhiễm tại khu vực này [1,2].
1.1. Khái niệm về biến đổi khí hậu
1.1.1. Khái niệm:
Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Nói rõ hơn thì biến đổi khí hậu là những biến đổi xấu ở các môi trường sinh học hoặc vật lý tự nhiên mang đến những ảnh hưởng có hại với những sinh vật trên trái đất với những tác động cụ thể và trực tiếp tới thời tiết, tất cả những biểu hiện của thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn đều do những biển đổi xấu của khí hậu [1]. Do đó tình trạng khí hậu cũng phát triển theo chiều hướng cực đoan hơn đồng thời mang đến những biểu hiện xấu mà toàn thế giới đang phải đối mặt như lũ lụt, thiên tai, sóng thần hay nắng nóng và khô hạn….và từ những tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu mà nguy cơ bùng phát các dịch bệnh cũng là tác hại mà con người phải đối mặt, thay đổi mô hình bệnh tật, các bệnh chủ yếu là truyền nhiễm thành dịch hay liên quan đến đường hô hấp.
1.1.2. Các biểu hiện của sự biến đổi khí hậu trái đất và nguyên nhân:
Sự nóng lên toàn cầu, bao gồm sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung. Đồng thời đó là sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất. Điều này tác động vào sức đề kháng và chịu đựng của con người hay quần thể sinh vật với những tấn công của tác nhân ngoại lai. Sự nóng lên toàn cầu làm tan băng ở các cực trái đất gây dâng cao mực nước biển dẫn tới sự ngập úng của các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển. Điều này làm biến đổi nhiều hệ sinh thái và định cư khác nhau của các loài sinh vật, có thể làm biến mất một số loài nhưng cũng có thể xuất hiện những loài mới [1,2]. Kèm theo đó sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe doạ sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người. Ngoài ra, sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác và sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Cụ thể là các hoạt động của con người như chặt phá và khai thác rừng bừa bãi, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không có kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là chất thải (rắn và lỏng, chất thải công nghiệp, y tế, chất thải nhựa sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, tàn lưu thuốc bảo vệ thực vật, làm dụng thuốc và hoá dược…), phá huỷ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm môi trường do các nguồn chất thải: chất thải công nghiệp, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt càng làm cho tình trạng suy thoái môi trường thêm trầm trọng [1,2].
1.1.3. Tác động của biến đổi khí hậu với đời sống và sức khỏe cộng đồng:
Khí hậu biến đổi có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng ở mọi quốc gia, đặc biệt là những người nghèo sinh sống ở những vùng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu gây ra (sóng thần vùng ven biển, các bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới…). Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, A/H5N1 nhanh hơn [2,3]. Sự phá hủy tầng ozon dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất, là nguyên nhân gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt…Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến mối liên hệ có thể giữa biến đổi khí hậu và các bệnh virus mới nổi quan trọng hiện nay ở Việt Nam và một số vùng trên thế giới.
Sự nóng lên toàn cầu cả khí quyển và trái đát nói chung đều có thể thay đổi tập quán sinh sống, định cư, di cư của nhiều loài động vật, côn trùng ở các vùng khí hậu khác nhau, đặc biệt là ở vùng cực Nam và Bắc bán cầu, thấy rõ nhất là các loại gia cầm, các loài chim…Nếu như trước đây, chúng thường di cư vào mùa đông, bay từ phương bắc về phương Nam, có thể sẽ mang theo nhiều mầm bệnh mà chúng có thì ngày nay hoặc chúng không di cư, di cư gần hoặc di cư vào nhiều thời điểm bất kỳ, mang theo mầm bệnh vào những thời gian khác nhau.
Sự nóng lên của trái đất cũng có thể làm thay đổi một số tập tính hay sinh thái của các loài hay các quần thể động vật, đặc biệt là các động vật hoang dã, làm cho chúng có thể trở nên hung dữ hơn, tiếp cận gần hơn với vật nuôi và con người mà có thể truyền một số bệnh cho người…70% các bệnh mới nổi hiện nay là do từ động vật lây sang người [2,3].
Biến đổi khí hậu cũng có thể làm thay đổi sinh thái của các loài vectơ truyền bệnh, tăng sinh nhiều hơn, phân bố rộng hơn…lây nhiều hơn như muỗi Aedes aegypty trong sốt xuất huyết Dengue, Culex tritaeniorhynchus trong viêm não Nhật Bản…[4]. Biến đổi khí hậu cũng có thể tác động lên các vi sinh vật, đặc biệt là virus làm thay đổi các cấu trúc di truyền hay đột biến để hình thành nên các biến chủng, các thứ typ có độc lực mạnh hơn, dễ lây lan hơn…Ví dụ như cúm A H1N1, H5N1, H7N9, Coronavirus [5]
Biến đổi khí hậu cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, sự biến đổi về thời tiết của địa phương bất thường do bão, lũ, lụt, khô hạn, nhiễm mặn…làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước từ đó trở thành nguồn gốc phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm do ô nhiễm môi trường. Ví dụ bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…[3]
Ở Việt Nam, trong những năm qua sự biểu hiện của biến đổi khí hậu khá rõ ràng, tình hình thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài (2010, 2014, 2017), rét kéo dài (2011, 2015, 2019), tình hình mưa bão cũng có những bất thường với tần suất xuất hiện bão gia tăng và gia tăng cả về cường độ dẫn tới ngập lụt trên diện rộng (lũ lụt năm 1999, năm 2010, 2018, 2019 ở các tỉnh phía Bắc và mới đây nhất là mưa lũ thường ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng và thuỷ sản, đánh bắt…) đồng thời khô hạn và hạn mặn thường xuyên, kéo dài trên nhiều khu vực của cả nước.
Tác động của biến đổi khí hậu ở đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân, mô hình bệnh tật có những thay đổi lớn: tỷ lệ mắc ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường …gia tăng và đặc biệt là các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại: như tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, sốt xuất huyết…, đồng thời xuất hiện các dịch bệnh mới như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, mới đây nhất là Viêm phổi cấp do 2019-nCoV hay SARS-CoV-2 gây COVID-19. Nguy cơ rất lớn có thể xuất hiện nhiều bệnh dịch mới khác trong những năm tới.
II. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP VỀ Y TẾ NHẰM NHẰM PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH, Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
2.1. Chiến lược chung của ngành y tế để thích ứng linh hoạt với BĐKH
BĐKH ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và tính dễ bị tổn hại do BĐKH gây ra xuất hiện dịch bệnh (đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người già, trẻ em và phụ nữ) như sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, để đối phó và thích ứng với BĐKH toàn cầu gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ngành y tế cần thực hiện chiến lược chung như sau:
– Truyền thông giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức cho người dân về ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe và nguy cơ phát sinh, phát triển các bệnh mới, triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan.
– Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn. Nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã để đối phó với bệnh tật và dịch bệnh ngay tại cơ sở, ngay tại cộng đồng. Xây dựng, thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực các đội vệ sinh phòng dịch ở xã. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức vệ sinh phòng dịch, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
– Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường: xử lý rác thải không xả rác bừa bãi; bảo vệ rừng và các hệ sinh thái tự nhiên; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học đúng cách v.v. Xây dựng các bể tự hoại tại mỗi hộ gia đình theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo không xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra môi trường. Xây dựng những quy chế xử lý rác thải, nước thải, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường như phối hợp liên ngành, nhiều đoàn thể chính trị xã hội, với cơ quan Tài nguyên và Môi trường làm chủ đạo, xây dựng quy ước bảo vệ môi trường cho khu dân cư; thành lập mô hình các tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xã hội hóa về thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các các địa bàn.
– Giám sát và kiểm tra thường xuyên việc tổ chức hoạt động của các cơ sở y tế, cộng đồng dân cư về ô nhiễm nước, quản lý và xử lý chất thải. Chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp can thiệp y tế khi cần thiết và ở những nơi có điều kiện chưa tốt. Xây dựng kế hoạch và Chương trình nhằm kiểm soát và giám sát sức khỏe cộng đồng ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại các khu vực biên giới, hải đảo, duyên hải…Đề phòng sự lây nhiễm và truyền bệnh tật từ bên ngoài, kiểm dịch chặt chẽ các bệnh dịch có thể phát sinh.
Tóm tắt chiến lược và ba nhóm giải pháp chính để chống BĐKH và giảm nhẹ tác động của BĐKH với sức khoẻ của cộng đồng
Sơ đồ 1. Chiến lược và giải pháp ứng phó BĐKH của ngành y tế
2.2. Các nhóm giải pháp cụ thể của ngành y tế
Trên cơ sở đề xuất chiến lược chung của ngành y tế, tôi mạnh dạn đề xuất thực hiện sớm, hiệu quả 3 nhóm giải pháp cụ thể sau:
2.2.1. Thích ứng với sự BĐKH trong đào tạo, đầu tư phát triển y tế:
BĐKH đã và đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội và sức khoả của người dân. Việc quan trọng đầu tiên của ngành y tế là nghiên cứu một cách có hệ thống mô hình bệnh tật, tình trạng sức khỏe chung của cả nước, từng địa phương và từng khu vực để có kế hoạch ứng phó phù hợp trong toàn quốc và tại từng địa phương. Mô hình bệnh tật và tình trạng sức khoẻ cộng đồng sẽ quyết định các chiến lược đào tạo, xây dựng và phát triển ngành y tế, tránh những bất cập và khó khăn khi cần đáp ứng với một loại dịch bệnh cụ thể tại địa phương, trên toàn quốc hay toàn cầu.
Khắc phục tình trạng BĐKH là một quá trình gian nan, kéo dài và đòi hỏi sự tham gia của toàn cầu cũng như toàn thể cộng đồng. Vì vậy trước mắt chúng ta cần tìm những giải pháp thích ứng với thực trạng biến đổi khí hậu, trong đó lĩnh vực nào cũng quan trọng như tài nguyên, môi trường, nông lâm ngư nghiệp…trên nhiều nhóm giải pháp như bảo vệ rừng, phòng chống hiệu quả thiên tai, nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản, các loại cây giống, con giống…tuy nhiên lĩnh vực y tế đòi hỏi phải thích ứng nhanh, xử lý sớm và hiệu quả những vấn đề thực tế của biến đổi khí hậu như bệnh mới nổi, mô hình bệnh tật, bệnh dịch…Triển khai nhanh các nghiên cứu về mô hình bệnh tật, nghiên cứu sâu về các tác nhân gây bệnh, các biện pháp dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin, huyết thanh, thuốc…và nâng cao sức đề kháng của cá thể và cộng đồng.
Một ví dụ điển hình là COVID-19, do thiếu nhiều thông tin về tác nhân, nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm cũng như các biện pháp đối phó hiệu quả mà đã thành một đại dịch nghiêm trọng trên thế giới trong suốt hơn 2 năm qua. Trong tương lai, nhiều dịch bệnh mới có thể phát sinh tản phát, hoặc đại dịch, nếu thiếu chuẩn bị để thích ứng thì sẽ rất khó khăn trong quá trình đối phó. Nhiều nghiên cứu cơ bản về mô hình bệnh tật, tác nhân gây bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn…đã được đề xuất nhưng rất hiếm được chấp thuận để triển khai. Các đơn đặt hàng các nghiên cứu hầu như chỉ có tác dụng đối phó, giải quyết một số vấn đề trước mắt mà thật sự thiếu căn cơ, thiếu chiều sâu để đảm bảo cho sự thích ứng với mô hình bệnh tật hiện nay.
Đại dịch COVID-19 đi qua, mới thấy y tế cơ sở, y học dự phòng còn nhiều việc phải giải quyết, đây là nơi cần thích ứng đầu tiên trong đào tạo, chuẩn bị và xây dựng mạng lưới y tế (nói nhiều, nhiều văn bản nhưng không đi vào thực chất).
2.2.2. Giảm thiểu và xử lý tốt chất thải, đặc biệt là chất thải y tế:
Có chiến lược và các giải pháp cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện để giảm thiểu chất thải (cả chất thải rắn và lỏng)…Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ra đời từ năm 2015 và được triển khai từ ngày 01 tháng 4 năm 2016 [14], ngoài ra trước đó còn có Thông tư số Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại [13] và hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 20/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 Hướng dẫn thu gom, quản lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế [15] đã phần nào giải quyết khá tốt chất thải rắn, chất thải lỏng, nhất là chất thải y tế đã được cải thiện. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách thực tế là giữa yêu cầu và thực hiện còn một khoảng cách khá xa vì những lý do cụ thể sau:
– Việc tuyên truyền, giáo dục tác hại trước mắt và lâu dài của chất thải chưa được chú trọng, nhiều người dân, nhiều cơ sở y tế vẫn chưa coi trọng việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải từ chất thải sinh hoạt đến chất thải y tế nguy hại. Chưa xây dựng được mô hình thực chất giảm thiểu chất thải và nhất là quản lý, xử lý chất thải.
– Việc giám sát và chế tài xử phạt còn rất sơ sài, vì vậy người dân, một số cơ sở y tế vẫn còn vi phạm. Đặc biệt đã xã hội hoá khá rộng rãi việc thu gom, quản lý và xử lý chất thải nhưng chưa được đầu tư, giám sát, kiểm tra đúng mức.
2.2.3. Dự báo và dự phòng hiệu quả các bệnh mới nổi và tái nổi
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi (emerging infectious diseases – EIDs) là bệnh truyển nhiễm mới xuất hiện trong một quần thể hoặc đã từng tồn tại nhưng có tỷ lệ mắc tăng nhanh hoặc lan rộng sang các vùng địa dư mới và đe dọa tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi này gây ra bởi sự đột biến hoặc biến đổi các tác nhân hiện tại (như cúm A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9, A/H5N6…), hoặc do một tác nhân lây truyền từ động vật sang người (Virus Nipah) có thể là một bệnh đang lưu hành địa phương lại lan rộng ra khu vực mới hoặc cộng đồng khác (Dengue virus), hay là một bệnh do tác nhân mới xuất hiện (Coronavirus)…[5].
Nhiều nhóm nguyên nhân có thể đã gây ra sự bùng phát một số bệnh truyền nhiễm mới nổi, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nhấn mạnh đến các loại tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh mới nổi và tái nổi thật sự có khả năng liên quan biến đổi khí hậu ở nước ta và một số vùng trên thế giới. Thật sự là những nhóm tác nhân cần tập trung nghiên cứu cơ bản, dài hạn, căn cơ để có thể chủ động ứng phó với dịch bệnh.
2.2.3.1. Cúm A: H1N1, H5N1, H5N6, H7N9
Có nhiều tác nhân virus khác nhau như virus cúm, virus á cúm, virus hợp bào hô hấp, virus adeno … đều có thể gây ra hội chứng giống cúm. Nhưng chỉ có virus cúm mới là thủ phạm gây ra bệnh cúm thật sự. Virus cúm là thành viên của họ Orthomyxoviridae. Các virus này là những tác nhân gây bệnh cúm ở người và động vật. Các virus gây bệnh cho người được phân biệt thành 3 type A, B và C [3].
Bệnh cúm lây trực tiếp qua đường hô hấp, thường gây dịch lớn, nhất là type A. Dịch cúm thường xảy ra vào mùa đông xuân. Sau khi nhiễm bệnh cúm sẽ có miễn dịch đặc hiệu type kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm. Các thứ týp H và N khác nhau của các virus cúm có thể gây bệnh cho người và nhiều động vật khác nhau. Một số thứ týp thường gây bệnh ở người như H3N2, H1N1… Riêng thứ týp H5N1 của virus cúm A là loại gây bệnh ở gia cầm nhưng hiện nay đã vượt qua rào cản giới hạn thụ thể đặc hiệu loài để gây nhiễm ở động vật có vú và cả người. Từ năm 1997 đến nay, dịch cúm A (H5N1) xảy ra liên tiếp ở nhiều nước châu Á đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đến năm 2013 là thứ týp H5N6 và hiện nay là H7N9…. Sự thay đổi các thứ týp xảy ra không theo một quy luật nào như trước đây 10-12 năm mà có thể xảy ra liên tục, đồng thời như hiện nay, cùng lúc nhiều thứ týp cùng gây bệnh tại nhiều khu vực, trên nhiều nhóm đối tượng và có thể cả trên các loại gia cầm.
Ổ chứa tự nhiên của virus cúm là các loài chim hoang dại, gia cầm. Sự biến đổi khí hậu làm thay đổi tập quán di trú, di cư mà các loài chim mang mầm bệnh có thể mang đến gần người. Biến đổi khí hậu cũng có thể là nguy cơ gây cho virus tăng nhanh quá trình biến đổi cấu trúc di truyền qua hoán vị hay đột biến nên tăng nguy cơ gây bệnh, gây dịch của tác nhân này.
2.2.3.2. Coronavirus: SARS, MERS, SARS-CoV-2 (COVID-19)
Coronavirus là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Ngoài chủng coronavirus 2019-nCoV mới phát hiện này, đã có nhiều chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người [6,7,8,9,10].
Tháng 2 năm 2003 bệnh viêm phổi do virus nặng (SARS) xuất phát từ Quảng Đông, Trung quốc rồi nhanh chóng lan ra các nước kế cận gồm Việt Nam, Hồng công, Singapour, Thái lan Canada.. đến 24-25 tháng 3/2003 các nhà khoa học của Mỹ và Đức công bố xác định được virus gây bệnh là một virus thuộc Coronavirus và gọi tên là virus corona gây bệnh SARS (SARS-CoV). Vụ dịch lên đến đỉnh vào tháng 5 và chấm dứt vào đầu tháng 7/2003. Tổng số có 29 quốc gia bị ảnh hưởng với số người bị bệnh là 8422 với số người chết là 902 [3].
Virus corona gây SARS và các corona người lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp từ các giọt chất tiết, ngoài ra còn có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp, các dụng cụ khí dung, nội soi phế quản. Người bệnh virus thải ra trong phân kéo dài nhiều tuần lễ, có thể là nguồn lây bệnh qua đường phân miệng.
Người ta tìm thấy các corona rất giống với SARS-CoV của người ở đường hô hấp một số loài chồn, do vậy virus corona gây SARS có thể là một virus động vật truyền cho người.
Coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS: Middle East Respiratory Syndrome) coronavirus (MERS-CoV) được ghi nhận lần đầu tại Ả Rập Saudi vào tháng 9 năm 2012, nhưng theo báo cáo vào tháng 4 năm 2012 đã có người bị MERS tại Jordan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 5/2015 đã có hơn một nghìn trường hợp nhiễm MERS-CoV được ghi nhận, số tử vong lên đến hơn 40%. Cho đến nay, chưa có trường hợp MERS nào được ghi nhận tại Việt Nam [3,12]. Người ta tìm thấy MERS-CoV của người ở đường hô hấp một số loài dơi và lạc đà, do vậy virus corona gây MERS có thể là một virus từ ổ chứa động vật truyền cho người. Trong số các bệnh nhân được báo cáo nhiễm MERS-CoV, nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà và uống sữa lạc đà tươi.
Hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh. Phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân bị bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng lây nhiễm cho người xung quanh, nhân viên y tế và người tiếp xúc với bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang, áo quần bảo vệ đúng quy định, xử lý tốt chất thải người bệnh. Quy định của quốc tế hiện nay bệnh MERS cần phải thông báo dịch và kiểm dịch quốc tế.
Dịch bệnh COVID-2019 do SARS-CoV-2 được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 và gây vụ dịch viêm phổi cấp rất lớn hiện nay tại Trung Quốc và khắp thế giới, tháng 3/2020 Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố COVID-19 là đại dịch trên toàn cầu. Cho đến nay số người mắc COVID-19 đã lên đến hơn 500 triệu người và số tử vong đã vượt quá 7 triệu, cả thế giới đang nỗ lực để khống chế COVID-19 [6,7,8,9,10].
Đây là chủng Coronavirus mới chưa được xác định trước đó. SARS-CoV-2 cũng giống như MERS và SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, Coronavirus là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người năm 2002 được cho là bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người từ 2012 lại bắt nguồn từ lạc đà. Đã có chứng cứ cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài tê tê [3].
Rõ ràng, các Coronavirus đều có nguồn gốc từ động vật, lây sang người có thể do nhiều nguyên nhân như sử dụng thực phẩm, lây qua tiếp xúc hay hô hấp do tiếp cận với chúng (hay bằng cách nào đó). Sự tiếp cận với ổ chứa mầm bệnh từ động vật ngoài tập quán sử dụng thực phẩm còn có thể do biến đổi khí hậu mà sự tiếp cận với ổ chứa động vật hoang dã gần hơn, nhanh hơn [3].
2.2.3.3. Nipahvirus
Virus Nipah (NiV) là một tác nhân gây bệnh mới nổi, được coi là lây truyền từ động vật sang người ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Virus Nipah thường được truyền qua tiếp xúc với nước bọt hoặc phân từ dơi ăn quả Pteropus hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật chủ trung gian, chẳng hạn như lợn. Nhiễm NiV gây ra viêm não với triệu chứng sốt cao, kéo dài và có thể kềm theo triệu chứng bệnh lý ở đường hô hấp. Tỷ lệ tử vong cao và nếu đuwọc cứu sống thì bệnh nhân có thể kèm theo nhiều di chứng nặng nề về thần kinh trung ương [3,11].
Nhiễm NiV thường biểu hiện dưới dạng viêm não do sốt hoặc viêm phổi, và có thể khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Suy hô hấp là một dấu hiệu điển hình trong khoảng 20% các trường hợp trong vụ dịch Malaysia, Singapore và 70% các trường hợp ở Bangladesh, Ấn Độ. Các trường hợp nghiêm trọng bao gồm viêm não kèm theo buồn ngủ và mất phương hướng, có thể nhanh chóng tiến triển đến co giật và hôn mê trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp dao động từ 40% (được thấy trong vụ dịch ở Malaysia) đến 75% (được thấy trong vụ dịch Bangladesh) tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tuổi bệnh nhân. Tiến triển thành viêm não cho thấy tiên lượng xấu, tử vong trong vòng 6 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.
Vật chủ của virus Nipah là loài dơi ăn quả Pteropus thuộc họ Pterepadidae, loài dơi Pteropus sống ở khắp châu Á và Đông Phi, chúng virus NiV trong nước bọt, nước tiểu, tinh dịch và chất bài tiết của chúng, nhưng không triệu chứng. Chúng thường ăn hoa quả, hay gặp nhất là chà là, các loại trái cây và bài tiết nước bọt, nước tiểu mang virus Nipah vào đó, người có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc phân của Pteropus, đặc biệt là qua thực phẩm bị ô nhiễm [11].
2.2.3.4. Hantavirus
Hantavirus gây nhiễm trùng ở chuột mà không có biểu hiện bệnh rõ ràng, chuột bị nhiễm virus chậm tăng cân, nhưng không ảnh hưởng gì đến khả năng sống và sinh sản của chúng. Khi nhiễm trùng ở chuột, virus được thải ra trong chất tiết như nước tiểu, phân, nước bọt.
Người không phải là túc chủ tự nhiên của Hantavirus, người bị nhiễm virus này qua đường hô hấp do hít không khí có mang các hạt bụi chứa virus được thải ra từ chuột bị nhiễm trùng, ngoài ra nhiễm trùng do chuột cắn khi tiếp xúc trực tiếp như bẫy chuột, hay nuôi chuột trong phòng thí nghiệm. Bệnh nhiễm trùng Hantavirus gặp khắp nơi trên thế giới, bệnh được báo cáo xảy ra ở nhiều nước thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Ở châu Á bệnh xảy ra ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam [3].
Hantavirrus gây nhiễm trùng ở người từ không triệu chứng, nhiễm trùng nhẹ đến các thể lâm sàng nặng, hai thể lâm sàng nặng hay gặp là sốt xuất huyết kèm theo hội chứng suy thận và nhiễm trùng Hantavirus kèm hội chứng hô hấp. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trong một số báo cáo 10%-50% tuỳ theo thể bệnh hho hấp hay suy thận.
Sự nóng lên toàn cầu, thiên tai, lũ lụt nhiều, đô thị hoá và ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân làm gia tăng số lượng chuột, nguy cơ tiếp cận của chuột với người nhiều hơn, sử dụng thực phẩm từ chuột…làm tăng nguy cơ mắc bệnh do Hantavirus.
Chưa có vacxin phòng bệnh, quan trọng là phòng bệnh chung bằng diệt chuột, hạn chế tiếp xúc với chuột, sử dụng thịt chuột, chăn nuôi chuột trong phòng thí nghiệm đúng quy định đảm đảo an toàn..
2.2.3.5. Virus Dengue (Virus gây bệnh sốt xuất huyết)
Ổ chứa virus Dengue chủ yếu là người, động vật linh trưởng (khỉ, vượn, hắc tinh tinh) và muỗi Aedes. Côn trùng tiết túc môi giới là các loài muỗi Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti, muỗi này thường đẻ trứng ở chổ nước trong và sạch. Muỗi Aedes có thể bị nhiễm virus khi đốt bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm virus huyết, virus vào nhân lên ở ống tiêu hóa trong cơ thể muỗi và cư trú ở tuyến nước bọt để lan truyền cho người và động vật. Tùy theo điều kiện nhiệt độ bên ngoài mà thời gian nung bệnh bên ngoài này dài ngắn khác nhau (thời gian nung bệnh bên ngoài là thời gian virus nhân lên trong cơ thể muỗi). Sau khi hút máu bệnh nhân, nếu nhiệt độ bên ngoài là 220C thì sau 9 ngày là có thể truyền bệnh [3].
Như vậy người và vài loại khỉ ở một vài vùng và muỗi hợp lại thành vòng nhiễm virus, nhờ đó mà virus Dengue tồn tại trong tự nhiên. Sự biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân làm gia tăng số lượng muỗi, thiên tai, lũ lụt nhiều, mùa nóng kéo dài, thời tiết ẩm ướt cũng là những yếu tố giúp muỗi có nhiều cơ hội tăng trưởng, làm tăng nguy cơ gây dịch bệnh.
Bệnh SXHD chiếm một vị trí quan trọng trong các bệnh nhiễm trùng gây dịch ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, dịch SXHD xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các vùng đông dân cư ở thành phố, đồng bằng và ven biển. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng phát triển mạnh vào những tháng mưa nhiều và nóng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng cảm thụ chủ yếu là trẻ em.
Vì chưa có vacxin phòng bệnh, các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào cộng đồng, tập trung diệt muỗi, loại bỏ cung quăng…Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2019 Số ca mắc sốt xuất huyết đã vượt 200.000. Đã có 50 người trong số đó tử vong và sốt xuất huyết đang gia tăng ở khắp nơi và là một trong những nhóm bệnh truyền nhiễm quan trọng phải đối phó hiện nay của ngành y tế.
2.2.3.6. Một số bệnh do các tác nhân vi khuẩn gây bệnh tái nổi:
Lao, dịch hạch, bạch hầu, tả, lỵ, thương hàn là những bệnh mà chúng ta đã kiểm soát rất tốt vào những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, BĐKH, nước biển dâng, hạn hán và lũ lụt kéo dài, thay đổi môi trường sống…có khả năng làm phát sinh những vụ dịch mới, hoặc lẻ tẻ, hoặc tản phát…nhưng cũng có thể phát sinh thành dịch lớn nếu thiếu khả năng dự báo và kiểm soát. Những nhóm tác nhân vi khuẩn này đã được nghiên cứu rất cơ bản, nhưng hiện nay vẫn còn nổi cộm là vấn đề kháng thuốc [3]. Nhiều chủng vi khuẩn đã trở nên đa kháng, siêu kháng và có thể lây truyền tính đề kháng cho những vi khuẩn khác làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Vì vậy, ngoài nhóm nghiên cứu về các biện pháp dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin, dự phòng không đặc hiệu bằng lối sống hợp vệ sinh thì cần tập trung tìm kiếm các loại kháng sinh thay thế, kháng sinh thực vật, thuốc y học cổ truyền…để góp phần điều trị hiệu quả khi mắc bệnh.
Nhiều tác nhân virus gây bệnh mới nổi như Nipahvirus, Coronavirus, Hantavirus hay những tác nhân gây bệnh cũ như Cúm A (H1N1, H5N1, H7N9, H5N6…), Sốt xuất huyết vẫn duy trì và lây lan tạo nên dịch bệnh trên phạm vi lớn cả ở Việt Nam và trên thế giới, một số vi khuẩn gây bệnh đã được dự phòng và điều trị hiệu quả trước dây nay có xu hướng tái trở lại rất có thể do nhiều yếu tố tác động của biến đổi khí hậu gây nên. Nhiều lí do của biến đổi khí hậu tác động lên hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nơi cư trú, di cư…mà trực tiếp hay gián tiếp gây ra những biến đổi về bệnh tật của con người. Đó cũng là lời cảnh báo cho sự tác động của biến đổi khí hậu đến bệnh tật của con người do những tác nhân gây bệnh mới hay những bệnh lây truyền từ động vật sang người mà trước đây chỉ là đơn lẻ.
Cần sớm có chiến lược thích ứng, đào tạo và chuẩn bị nguồn lực, dự phòng, những chế tài hiệu quả để ngăn chặn một cách thực chất quá trình BĐKH, giảm thiểu tác động của BĐKH trong lĩnh vực y tế trong chống ô nhiễm môi trường, phòng chống hiệu quả các bệnh dịch./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trương Quang Học, Nguyễn Đức Ngữ. Những điều cần biến về biến đổi khí hậu, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2009.
- Trương Quang Học. “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học của Việt Nam”, Kỷ yếu Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III, Hà Nội, 2010, tr.15-22.
- Lê Văn An (chủ biên) (2016). Giáo trình Vi sinh y học. Nhà xuất bản Đại học Huế.
- Nikolaos Spernovasilis, Sotirios Tsiodras and Garyphallia Poulakou (2022). Emerging and Re-Emerging Infectious Diseases: Humankind’s Companions and Competitors, Microorganisms 2022, 10, 98.
- Ogden, N.H.; Gachon, P. Climate change and infectious diseases: What can we expect? Can. Commun. Dis. Rep. 2019, 45, 76–80.
- Petala, M.; Kostoglou, M.; Karapantsios, T.; Dovas, C.I.; Lytras, T.; Paraskevis, D.; Roilides, E.; Koutsolioutsou-Benaki, A.; Panagiotakopoulos, G.; Sypsa, V.; et al. Relating SARS-CoV-2 shedding rate in wastewater to daily positive tests data: A consistent model based approach. Sci. Total Environ. 2022, 807, 150838.
- Galani, A.; Aalizadeh, R.; Kostakis, M.; Markou, A.; Alygizakis, N.; Lytras, T.; Adamopoulos, P.G.; Peccia, J.; Thompson, D.C.; Kontou, A.; et al. SARS-CoV-2 wastewater surveillance data can predict hospitalizations and ICU admissions. Sci. Total Environ. 2022, 804, 150151.
- Subali, A.D.; Wiyono, L.; Yusuf, M.; Zaky, M.F.A. The potential of volatile organic compounds-based breath analysis for COVID-19 screening: A systematic review & meta-analysis. Diagn. Microbiol. Infect. Dis. 2021, 102, 115589.
- Diallo, A.; Trøseid, M.; Simensen, V.C.; Boston, A.; Demotes, J.; Olsen, I.C.; Chung, F.; Paiva, J.A.; Hites, M.; Ader, F.; et al. Accelerating clinical trial implementation in the context of the COVID-19 pandemic: Challenges, lessons learned and recommendations from Discovery and the EU-SolidAct EU response group. Clin. Microbiol. Infect. 2022, 28, 1–5.
- Mallapaty, S.; Callaway, E.; Kozlov, M.; Ledford, H.; Pickrell, J.; Van Noorden, R. How COVID vaccines shaped 2021 in eight powerful charts. Nature 2021, 600, 580–583.
- Lo PrestiA, Cella E , Giovanetti M , et al. Origin and evolution of Nipah virus. J Med Virol 2016;88:380–8.
- World Health Organization. Coronavirus Disease (COVID-19). Available online: https://www.who.int/emergencies/diseases/ novel-coronavirus-2019
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (20215). Thông tư 36/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại.
- Bộ Y tế-Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 và về quản lý chất thải y tế.
- Bộ Y tế (2021). Thông tư số 20/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 Hướng dẫn thu gom, quản lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.