Câu lạc bộ sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế (CLB) là tổ chức tự nguyện quy tụ các hội viên có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghệ. Ngoài việc tạo lập môi trường làm việc chung để các bạn trẻ phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong công tác, học lập, động và lao động sản xuất, CLB còn là nơi phát hiện, ươm mầm, kết nối đầu tư phát triển những sản phẩm khoa học, công nghệ có chất lượng triển khai ứng dụng vào đời sống xã hội.
Câu lạc bộ góp ý hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo
Từ khi thành lập, CLB đã tập hợp, đoàn kết thanh thiếu niên, các nhà sáng chế trẻ triển khai hiệu quả một số hoạt động, nổi bậc như các hoạt động: Triển lãm thành tựu khoa học kỹ thuật của các nhà sáng chế trẻ; trại hè khoa học; giao lưu giữa tuổi trẻ với nhà khoa học, nhà sáng chế trẻ; hỗ trợ, đầu tư cho các nhóm hội viên nghiên cứu đề tài “Robot tuần tra vỉa hè” , “Thiết bị tích hợp đa chức năng hỗ trợ người làm mộc và thủ công”, “Cano phục khảo sát trên sông, hồ”, “Máy cho gà ăn tự động”,…; đề xuất, triển khai dự án “Ủ bèo Lục Bình để làm phân bón sản xuất rau sạch an toàn” tại xã Điền Hòa (Phong Điền); đề xuất dự án cấp Bộ “Xây dựng vườn ươm Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế”,…trong quá trình thực hiện các hoạt động này, đã hình thành các mối liên kết, thảo luận, trao đổi kiến thức, ý tưởng của các hội viên, nhà sáng chế, thông quá đó tổ chức các nhóm làm việc, hình thành các đề tài, dự án có tính tổ chức, ứng dụng thực tiễn cao.
Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động của CLB còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Điều kiện cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, sáng tạo của hội viên, nhà sáng chế trẻ chưa có; Kinh phí để câu lạc bộ hoạt động còn hạn hẹp, chưa có nguồn kinh phí chính thống, chủ yếu là do thành viên câu lạc bộ đóng góp và vận động hỗ trợ trên cơ sở hoạt động cụ thể; các hoạt động diễn ra còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra; Việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh CLB chưa được đẩy mạnh nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; Ban Chủ nhiệm CLB đều là những người làm việc kiêm nhiệm nên chưa có điều kiện dành nhiều thời gian cho các hoạt động của CLB.
Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động trong thời gian tới, CLB chú trọng và đẩy mạnh một số giải giáp sau đây:
Một là, tái tổ chức lại cơ cấu của Ban chủ nhiệm CLB, bổ sung thêm nhân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên trong ban để tiếp tục chỉ đạo, điều hành hoat động của CLB đi vào nề nếp. Khuyến khích các em học sinh, sinh viên tham gia vào Câu lạc bộ để có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tham gia nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm khoa học, công nghệ.
Hai là, kêu gọi, vận động hỗ trợ cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, sáng tạo của CLB. Chúng ta đều biết rằng, “Sáng tạo” là đặc trưng quan trọng trong hoạt động sống của tuổi trẻ, nhưng muốn có các hoạt động lao động sáng tạo cần có những điều kiện khách quan nhất định, trước hết là những điều kiện vật chất cần thiết như văn phòng, nhà xưởng, phòng thí nghiệm,… cho sự sáng tạo, điều kiện vật chất càng thuận lợi thì khả năng sáng tạo của con người càng cao. Bởi vậy, muốn có được một phong trào lao động sáng tạo mạnh mẽ thì việc quan tâm đầu tư, xây dựng những cơ sở vật chất cho các hoạt động là không thể thiếu được.
Ba là, Kết nghĩa, giao lưu với các CLB trên địa bàn tỉnh có cùng chuyên môn, định kỳ tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tạo cơ hội để các thành viên Câu lạc bộ sử dụng khả năng sáng tạo tiềm ẩn của mình để hình thành các ý tưởng và định hướng nghiên cứu, tạo ra sản phẩm khoa học kỹ thuật, công nghệ có chất lượng và khả năng ứng dụng cao. Thông qua các hoạt động này, làm cầu nối tạo tiền đề hoạt động về sau của Câu lạc bộ.
Bốn là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của CLB tới đông đảo bạn trẻ đam mê khoa học để họ biết đến và tham gia vào Câu lạc bộ. Bổ sung, kết nạp hội viên mới, đồng thời thanh loại những hội viên không hoạt động không tích cực trong CLB.
Năm là, Nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động của CLB, đặc biệt chú trọng việc triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo của hội viên, nhà sáng chế trẻ vào thực tiễn đời sống, sản xuất. Tạo nhiều chương trình, hoạt động mới, lạ, đầy trực quan nhằm kích thích, khơi dây khả năng sáng tạo của mỗi hội viên, tạo môi trường tốt cho hội viên có điều kiện nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ.
Sáu là, Phát huy hơn nữa các hoạt động hỗ trợ quỹ cho Câu lạc bộ nghiên cứu, sáng tạo. Ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ quỹ, thì đề nghị UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật quan tâm và hỗ trợ một phần kinh phí để Câu lạc bộ có thể thường xuyên hoạt động; hỗ trợ triển khai công trình nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn; tổ chức các loại hình hoạt động nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong hội viên, thanh thiếu niên, nhi đồng.
Có thể nói, hoạt động của Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ là hoạt động có tính đặc thù, có mối tương trợ, hỗ trợ cao với hoạt động học tập, lao động và sản xuất, do đó rất cần các cấp, các ngành dành cho sự hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng, nhằm động viên và phát triển phong trào nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp của tuổi trẻ một cách thực chất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Minh Phong