Trạng thái đề tài:
Lĩnh vực: Y dược
Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật
Năm: 2024
Ngày nộp đề tài: 13/12/2024
Thông tin nhóm tác giả
Tên tác giả / nhóm tác giả: ThS Hoàng Ngọc Thành, CN Trần Thị Minh Ngọc, PSG.TS Nguyễn Thanh Thảo
Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh - Đại học Y dược - Đại Học Huế
Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 06 Ngô Quyền, Thành Phố Huế
Tính mới của giải pháp
Chúng tôi ứng dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân nhằm cải thiện các nhược điểm còn tồn tại của các kỹ thuật trước đây trong việc tầm soát và theo dõi tiến triển bệnh lý ung thư. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Kỹ thuật cộng hưởng từ sử dụng các cuộn chênh từ kết hợp sóng RF để tạo hình ảnh nên không gây liều nhiễm xạ cho bệnh nhân như cắt lớp vi tính hay PET/PET-CT/PET-MRI. Do đó đây là kỹ thuật được ưu tiên lựa chọn hằng đầu ở đối tượng là phụ nữ đang mang thai, trẻ em và bệnh nhân trẻ tuổi trong độ tuổi sinh sản để giảm tối đa nguy cơ nhiễm xạ cho bệnh nhân theo nguyên tắc ALARA. Đặc biệt đối với đối tượng tầm soát sức khỏe, bệnh nhân ung thư đang điều trị cần theo dõi tiến triển sẽ phải thực hiện lặp lại rất nhiều lần.
- Thứ hai: Sự ra đời của các cuộn thu nhận tín hiệu (coil) đa kênh và sự chuyển động liên tục của bàn để thu nhận hình ảnh đã giúp kỹ thuật cộng hưởng từ có thể thu nhận toàn cơ thể. Bên cạnh đó với sự phát triển của khoa học công nghệ, những cải tiến kỹ thuật với sự đồng nhất từ trường cao và hệ thống chênh từ mạnh tạo điều kiện nâng cao chất lượng kỹ thuật cộng hưởng từ toàn thân.
- Thứ ba: Cộng hưởng từ là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, cho hình ảnh cắt lớp với độ chi tiết và độ phân giải mô mềm cao hơn so với x quang, siêu âm, cắt lớp vi tính hay PET. Khi chụp cộng hưởng từ chúng ta sử dụng nhiều chuỗi xung khác nhau trên nhiều mặt phẳng khác nhau để đánh giá tổn thương. Trong protocol chụp cộng hưởng từ toàn thân tầm soát, chúng ta kết hợp giữa các chuỗi xung đánh giá hình thái như T1w, T2w có/không có xóa mỡ kèm theo, cùng với chuỗi xung khuếch tán DWI để vừa phát hiện, đánh giá hình thái tổn thương vừa phát hiện các tổn thương di căn xa. Ngoài ra để tiết kiệm thời gian, chúng ta có thể sử dụng các chuỗi xung có thời gian thu hình nhanh. Ví dụ như đối với xung T2w, ta có thể sử dụng chuỗi xung T2w HASTE (Half Acquisition Turbo Spin Echo) thay thế cho T2w TSE vì xung Gradient Echo (GRE) có thời gian thu hình nhanh hơn TSE. Đối với chuỗi xung DWI, nhờ công nghệ ngày càng phát triển nên chất lượng hình ảnh DWI ngày càng cải thiện và thời gian ngày càng tối ưu, phù hợp với chụp cộng hưởng từ toàn thân. Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển vượt bậc của các kỹ thuật thu nhận và xử lý hình ảnh như kỹ thuật thu hình song song (Paralel Imaging), kỹ thuật phân giải cao (High resolution technique) với các điểm ảnh đẳng hướng (isotropic voxels),.. cho phép thực hiện quy trình chụp cộng hưởng từ toàn thân khoảng 40 phút, mở ra cơ hội để ứng dụng vào lâm sàng.
- Cuối cùng, cộng hưởng từ toàn thân trong tầm soát ung thư bệnh nhân có thể không cần phải sử dụng thuốc đối quang mà hiệu quả chẩn đoán vẫn tương đương, thậm chí cao hơn so với các kỹ thuật khác như cắt lớp vi tính toàn thân thường phải tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch hay PET-CT phải uống dược chất phóng xạ.
Tính sáng tạo
Cộng hưởng từ toàn thân là một kỹ thuật không xâm lấn, không gây nhiễm xạ, có thể không cần sử dụng thuốc đối quang. Protocol chụp cộng hưởng từ toàn thân cơ bản sử dụng các chuỗi xung đơn giản, dễ dàng thực hiện và được trang bị ở tất cả các máy cộng hưởng từ. Về trang thiết bị, chỉ cần máy cộng hưởng từ và một vài coil cơ bản như head-neck coil, spine coil, body coil hay flex coil là có thể thực hiện được kỹ thuật này.Tổng thời gian thực hiện khoảng 40-60 phút.
Chính vì vậy kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể được chỉ định rộng rãi cho tất cả các bệnh nhân không có chống chỉ định với cộng hưởng từ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân với các mục đích:
- Tầm soát ung thư, kiểm tra sức khỏe định kỳ (đặc biệt với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, phụ nữ mang thai, trẻ em,..)
- Theo dõi tiến triển ở bệnh nhân ung thư đang điều trị.
Hiệu quả kinh tế xã hội
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, không gây nhiễm xạ, an toàn và tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu là mang lại hiệu quả chẩn đoán cao trong tầm soát ung thư, theo dõi tiến triển và đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế.Hiện này, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân đã bước đầu triển khai thực hiện được trên một số bệnh nhân, đạt hiệu quả cao và dần đưa vào thường quy tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.