Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhằm từng bước thực hiện quy hoạch và xây dựng chính quyền điện tử, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Th.S Lê Vĩnh Chiến và các cộng sự tại Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đề tài: “Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Th.S Lê Vĩnh Chiến nhận giải tại Lễ Tổng kết Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp và trình diễn tập trung toàn bộ thông tin dịch vụ công từ cấp tỉnh đến cấp xã trên môi trường Internet tại địa chỉ: https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn. Mô hình này triển khai tập trung trên cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối liên thông đến cổng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan có cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ hành chính công trực tuyến hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông; tích hợp công nghê SMS, mã vạch; có khả năng triển khai, tích hợp, bổ sung, mở rộng các dịch vụ công có sẵn hoặc xây dựng mới. Nội dung chi tiết của các dịch vụ công sẽ được tích hợp với các phần mềm xử lý dịch vụ công và thủ tục hành chính; có khả năng hỗ trợ dịch vụ công ở tất cả các mức. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được sự phản hồi tích cực, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh trên cơ sở kế thừa các thành quả công nghệ thông tin một cách hiệu quả nhất.

Việc đưa các trung tâm hành chính công đi vào hoạt động, lấy cổng dịch vụ công làm địa chỉ giao dịch chính thống và duy nhất trên địa bàn tỉnh là một bước đột phá về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, hướng đến một nền hành chính công hiện đại, minh bạch, tạo sự thân thiện và đơn giản cho người dân và tổ chức mỗi khi đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính.

Những điểm sáng tạo về công năng và công nghệ: Cổng dịch vụ công được thiết kế, tích hợp đa dạng hệ thống. Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp công cụ cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua môi trường Internet thông qua hệ thống hồ sơ điện tử thay thế cho hồ sơ giấy thông thường được thực hiện trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, nhằm tạo tính công khai, minh bạch, cổng dịch vụ công còn cung cấp công cụ theo dõi tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử, giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình; đồng thời, tạo thành công cụ giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

Sản phẩm của đề tài này là kết quả của việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, cải tiến, bổ sung, biến một khung Portal nền tảng cho các hệ thống quản trị nội dung (Content Management System) như DNN thành một hệ thống ứng dụng phục vụ dịch vụ hành chính công tập trung toàn tỉnh hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, đáp ứng hỗ trợ các dịch vụ công đa ngành, đa cấp ở tất cả các mức. Hệ thống đã tích hợp sử dụng thẻ điện tử công dân, doanh nghiệp, giúp cho việc giao dịch các lần sau, từ lần thứ 2 trở đi, công dân, doanh nghiệp không cần mang theo các giấy tờ và cán bộ hành chính không cần nhập lại thông tin.

Hiệu quả kinh tế – xã hội: Xét về tổng thể, việc đầu tư ban đầu cho việc mua sắm, cài đặt, quản lý, vận hành, đến đàu tư cho phát triển lâu dài cho sản phẩm với chi phí thấp hơn so với các hệ thống tương tự, không tốn kém chi phí bản quyền do sử dụng mã nguồn mở, dễ dàng cài đặt, vận hành mà không đòi hỏi nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin. Triển khai và quản lý hệ thống ứng dụng tập trung trên quy mô toàn tỉnh, giảm thiếu các chi phí triển khai, quản lý, vận hành, bảo trì ở các đơn vị tham gia ứng dụng, kế thừa được các hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của tỉnh.. Sản phẩm đã tạo được sự thân thiện và dề dàng tiếp cận cho công dân, tổ chức trong các giao dịch hành chính, góp phần đạt hiệu quả trong cải cách hành chính. Sản phảm của đề tài có thể chuyển giao mở rộng và áp dụng cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đề tài này đã đạt giải Ba, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017.

Trần Giải

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email