Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc; trong đó, sửa đổi lối làm việc theo phong cách Bác là vấn đề cơ bản, cấp thiết. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung, nổi bật đó là: tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong khoa học.
Tác phong cách quần chúng là nội dung quan trọng hàng đầu của phong cách làm việc của Bác, Bác luôn chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và quan tâm thật lòng đến mọi mặt đời sống của quần chúng, của nhân dân; tin dân, tôn trọng dân, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân; tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm; giáo dục, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng,… Người kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Phong cách làm việc tập thể và dân chủ, gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Bác luôn trân trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc, đẳng cấp, với những bài viết trước khi công bố Bác thường chuyển cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý; thậm chí Người còn trao đổi với các đồng chí phục vụ những bài báo ngắn để sửa chữa những chỗ viết còn khó hiểu trước khi đăng.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh còn là phong cách làm việc khoa học. Tính khoa học trong công việc là quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy; làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp. Bác đã giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Người thẳng thắn phê phán những cán bộ vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực”. Người chỉ rõ, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”. Một việc chính có thể có nhiều cách thực hiện. Với ý nghĩa đó, Hồ Chủ tịch yêu cầu cán bộ: chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nói quyết tâm phải hai, ba mươi, tức là Người yêu cầu cán bộ sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm việc không thiết thực… Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”.
Bác khuyên cán bộ, trong bất kỳ công việc gì cũng phải hiểu năng lực của cấp dưới mà bố trí, sử dụng người cho đúng, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Khi giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng đầy đủ, phải dự báo được những tình huống có thể xảy ra cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới. Lênin cũng đã từng chỉ ra rằng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như là không có lãnh đạo. Hồ Chí Minh cũng hơn một lần phê bình tình trạng “cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.
Phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, rồi phổ biến những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ và cho dân chúng hiểu. Mỗi cán bộ phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Hồ Chí Minh phê phán lối làm việc “không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn…, để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy”18. Người khuyên: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”19.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nét nổi bật trong phong cách làm việc của Người là nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm cho mọi người học tập và làm theo. Người khuyên cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải “miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”. Người phê phán những cán bộ “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền hàng trăm năm cũng vô ích”. Đó là những cán bộ hỏng. Còn với những cán bộ chỉ biết nói suông: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”, những người như thế tuy là thật thà, trung thành nhưng không có năng lực. Hồ Chí Minh nói rõ là không thể dùng những người đó vào công việc thực tế.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động.
Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý, đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ. Đối với tổ chức đảng, Người chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Với cương vị, trọng trách của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như việc hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới phong cách làm việc theo tư tưởng và tấm gương về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm là vấn đề cấp thiết.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng về phong cách làm việc khoa học cho toàn Ðảng, toàn dân ta học tập và noi theo.
Trí Huế