Các hoạt động kinh tế, xây dựng công trình rất đa dạng với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống của con người sinh sống ở nơi đây. Nhưng, do sự nhận thức không đầy đủ về quy luật vận động của dòng chảy hoặc do lợi ích cục bộ, vô tình đã làm tăng mức độ xói lở của sông. Mặc dù các hoạt động này không phải là những yếu tố chủ đạo, song trong một vài trường hợp chúng đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình xói lở xảy ra, thậm chí xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Tác động của các yếu tố hoạt động kinh tế – xã hội đối với sự biến dạng lòng dẫn sông Hương gây xói lở bờ sông gồm việc xây dựng các công trình trên hai bên bờ sông.
Bên cạnh các đóng góp tích cực, việc xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông kể cả các công trình dân dụng công nghiệp và các hoạt động kinh tế – công trình ở mức độ khác nhau cũng ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đối với quá trình xói lở trên nhiều đoạn bờ của sông Hương. Tuy tác động của việc xây dựng hệ thống kênh mương và đập ngăn mặn trên sông Hương đến quá trình xói lở lòng dẫn sông Hương không lớn lắm, song cũng cần được quan tâm. Đặc trưng của các công trình này thường có dạng tuyến kéo dài và đóng vai trò như con đê ngăn nước, có tác dụng thu hẹp tiết diện dòng chảy, hạn chế khả năng thoát lũ, gây nên sự tăng cao mực nước lũ với cường suất lớn, tăng lưu tốc dòng chảy và đẩy nhanh tốc độ xâm thực ngang của lòng sông, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xói lở đồng thời kéo dài thời gian ngập lụt ở vùng hạ lưu. Chẳng hạn, việc xây dựng đập Đá nhằm ngăn mặn nước sông Hương đổ vào sông Như Ý đã làm cho lòng sông sát chân đập bị bồi lắng nghiêm trọng và tạo nên bãi sình lầy ở phía bắc Đập Đá rất ô nhiễm. Đập La Ỷ được xây dựng năm 1986 với cao trình là 0.6 mét so với mực nước biển, nhằm ngăn mặn và chống lũ cho một số xã huyện Phú Vang đã làm cho sông Hương vào mùa lũ không phân lưu được dòng chảy, mực nước lũ dâng cao và kéo dài thời gian ngập lụt, tạo điều kiện cho quá trình xói lở xảy ra ở thôn Địa Linh. Ngoài ra, đập Thảo Long được xây dựng vào năm 1982 để ngăn chặn sự xâm nhập mặn trực tiếp từ biển Thuận An vào sông Hương, đã hỗ trợ tích cực cho quá trình tích tụ vật liệu vụn ở phần trên đập chênh cao hơn bên dưới đập 1,0 – 1,5 m. Việc sử dụng các trạm bơm nước vào mùa khô cũng làm cho tốc độ và lưu lượng dòng chảy vào mùa khô càng cạn kiệt và tạo sự thuận lợi cho sự xâm nhập mặn vào nội địa sâu hơn.
Cùng với ảnh hưởng của các đập, trạm bơm nước, hệ thống đường sá và kênh mương thủy lợi, nhất là tuyến đường sắt Bắc – Nam và quốc lộ 1A chạy gần vuông góc với dòng chảy sông là những đường tràn cản lũ, tạo nên sự chênh lệch mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu, do không đủ cống hoặc kích thước cống không đủ lớn để thoát nước. Sự chênh lệch mực nước có khi lên tới 0,5 – 1 m, gây xói lở cục bộ và giảm khả năng thoát nước. Đó là điều kiện thuận lợi cho lũ quét cả mặt đường để thoát ra biển. Ngoài ra, hệ thống giao thông kênh mương cũng có tác dụng gây cản lũ không ít, khi bị vỡ thường kéo theo sự vỡ dây chuyền, làm cho sự ngập lụt ở vùng hạ lưu càng thêm trầm trọng. Hơn nữa, trên đoạn sông chảy qua thành phố Huế còn có 5 công trình cầu phục vụ giao thông quan trọng là cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, Bạch Hổ, Tuần và cầu Chợ Dinh. Các trụ cầu có đường kính khá lớn (3-7 m) không những làm giảm khả năng thoát lũ, mà còn làm biến đổi vận tốc và hướng dòng chảy của sông gây bồi – xói cục bộ ở ngay vùng kế cận. Mặc dù ảnh hưởng của các công trình này về cơ bản là không đáng kể, song các trận lụt lớn ở Thừa Thiên Huế, nhiều nơi vẫn bị ngập sâu 2 – 4 m, một phần là do sự tồn tại các công trình thủy lợi và giao thông nói trên. Ngoài ra, sự phát triển các cụm dân cư và việc xây cất nhà cửa, làng mạc, các công trình xây dựng dày đặc ở ven sông và giữa bãi bồi sông Hương đều là nhân tố tăng cường và làm phức tạp hóa thêm quá trình bồi xói của sông. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, nên dọc 2 bờ sông cũng như ở các bãi bồi (cồn Giả Viên, cồn Hến) đều có dân tụ cư và nhiều công trình lớn như: An Bình (Hương Hồ), Trùng Thượng (Thủy Biều), Địa Linh (Hương Vinh), Tiên Nộn (Phú Mậu). Hoạt động kinh tế của số dân cư này khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, canh tác trên các bãi bồi ven sông.
Việc định cư, canh tác hai bên bờ đã làm hạn chế phần nào khả năng thoát lũ khi mực nước sông dâng cao, tạo nên vật cản đối với dòng chảy, đồng thời làm đổi hướng dòng chảy thẳng của lũ khi tràn bờ và gây biến động phức tạp quá trình xói lở của sông. Đối với sông Hương, cho đến nay ảnh hưởng của loại hình này tuy không nghiêm trọng so với những sông khác ở miền Trung, song cũng cần được quan tâm xem xét để có giải pháp qui hoạch khu dân cư thích hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng.
Bùi Thắng