59 đề tài được trao giải Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ năm 2016

Ban tổ chức sẽ tổ chức tôn vinh và trao giải thưởng cho 59 đề tài Sáng tạo Khoa học công nghệ xuất sắc năm 2016 tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII, năm 2016 được tổ chức truyền hình trực tiếp tại hội trường Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế vào ngày 24 tháng 12 năm 2016.

 

Năm 2016, thực hiện Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 14/3/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2016 (Giải thưởng), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các thành viên trong Ban tổ chức đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: phát động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động trực tiếp,… và đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, chất lượng, số lượng các công trình được nâng lên và thành phần tham gia được mở rộng.

Năm 2016, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII đã nhận được 68 công trình tiêu biểu của hơn 140 nhà khoa học tham gia trên 07 lĩnh vực dự thi, đặc biệt có 32 đề tài dự thi trong lĩnh vực Sinh, Y học phục vụ sản xuất và đời sống. Một số đơn vị tham gia với số lượng lớn đề tài có thể kể đến đó là: Bệnh viện Trung ương Huế (14 đề tài), Trường Đại học Khoa học (11 đề tài), Trường Đại học Nông lâm (09 đề tài), đặc biệt, đơn vị Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước TT.Huế – Huewaco đã có nhiều đề tài tham gia chất lượng, có tính ứng dụng rộng rãi. Sau gần một năm triến khai với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh và sự phối hợp tích cực của các thành viên Ban tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2016 đã thành công tốt đẹp, có 59 công trình xuất sắc được trao giải trong dip này. Trong đó, có 09 giải nhất, 15 giải nhì, 18 giải ba, 17 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức Giải thưởng đã chọn được 33/59 công trình xuất sắc tham gia Giải thưởng toàn quốc 2016.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức 2 năm một lần, thực sự phát huy hiệu quả phục vụ phát triển quả kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Một số công trình tiêu biểu của Giải thưởng năm 2016, đó là:

1. Công trình “Xây dựng ứng dụng quản lý thẻ điểm cân bằng (eBSC) phục vụ triển khai mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp” của nhóm tác giả TS. Dương Tuấn Anh, ThS. Lê Thanh Cát, KS. Nguyễn Sỹ Quốc Hoàng – VNPT Thừa Thiên Huế. Đây là ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng mô hình quản lý thẻ điểm cân bằng, giúp doanh nghiệp chuyển các chiến lược thành mục tiêu và thước đo cụ thể thông qua việc thiết lập một hệ thống đo lường thành quả hoạt động của doanh nghiệp dựa trên bốn khía cạnh tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển.

2. Công trình “Ứng dụng công nghệ cáp treo dây võng treo ống qua sông, vượt nhịp lớn trong cấp nước” của nhóm tác giả Trương Công Nam, Trần Văn Thọ, Hoàng Đình Tiến – Công ty TNHH NN MTV Xây Dựng và Cấp Nước Thừa Thiên Huế. Đây là sáng kiến kỹ thuật có giá trị, góp phần giúp HueWACO không những đáp ứng tốt nhu cầu phát triển cấp nước rất nhanh chóng của Công ty về vùng sâu, vùng xa, miền núi trong điều kiện thiếu vốn đầu tư, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường. Với sáng kiến này công ty đã mở ra một phương pháp mới để thi công các công trình băng qua sông, suối và địa hình hiểm trở mang lại những giá trị kinh tế nhất định. Đồng thời công trình cũng có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, giúp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi tiếp cận được nguồn nước sạch, an toàn và ngon. Từ đó xây dựng hệ thống cấp nước bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu vực, góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

3. Công trình “Nghiên cứu tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn” của PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân, PGS.TS. Phùng Thăng Long, GS.TS. Nguyễn Hoàng Lộc, PGS.TS. Đinh Duy Kháng, TS. Phạm Hồng Sơn, TS. Lê Văn Phước, ThS. Lê Đức Thạo – Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế. Đây là công trình nghiên cứu tạo ra KIT chẩn đoán nhanh và vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli đầu tiên tại Việt nam. Nhóm tác giả đã ứng dụng kỹ thuật gene cloning và sắc ký miễn dịch để nghiên cứu, sản xuất kháng nguyên bám dính tái tổ hợp, kháng thể đặc hiệu, kháng nguyên cộng hợp với hạt vàng nano và KIT phát hiện nhanh kháng nguyên bám dính tái tổ hợp. Công trình nghiên cứu có tính khoa học và ứng dụng cao, mở ra khả năng mới có tính khả thi cao trong việc ứng dụng công nghệ cao sản xuất ra các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần năng cao hiệu quả sản xuất.

4. Công trình “Ứng dụng tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị chậm liền xương và khớp giả” của TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu, BSCKII. Phạm Đăng Nhật, PGS.TS. Nguyễn Văn Hỷ, ThS.BS. Nguyễn Ngọc Khiêm, ThS.BS. Lê Qúy Ngọc Bảo, ThS. Nguyễn Phan Huy, BSCKI. Nguyễn Phước Huyền Nữ Tố Trinh – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Huế. Kết quả các nghiên cứu ứng dụng của đề tài cho thấy sự hiệu quả bước đầu của ứng dụng tế bào gốc tuỷ xương tự thân trong điều trị các gãy xương khó liền xương như chậm liền xương hay khớp giả. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về ứng dụng tế bào gốc tuỷ xương có cô đặc. Nghiên cứu mới này không những giúp làm tăng tỷ lệ liền xương mà còn mở ra triển vọng tạo ra quy trình điều trị phối hợp thay thế xương bị thiếu và khuyết trong khớp giả hoặc khuyết hổng xương. Quy trình này cho phép không cần phải lấy một lượng xương lớn xương ghép tự thân, do đó giúp làm giảm 1 phẫu thuật lấy xương ghép và giảm nhiều biến chứng tại chổ. Và đặc biệt có ý nghĩa trong những trường hợp không thể lấy đủ xương tự thân trên bệnh nhân.

5. Công trình nghiên cứu “Hệ thống công trình phòng thủ các tỉnh miền Trung dười triều Nguyễn (1802-1885)” của PGS.TS. Đỗ Bang, TS. Đỗ Quỳnh Nga – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là công tình đầu tiên nghiên cứu phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn về vùng biển và miền núi bằng các nguồn tư liệu văn bản kết hợp với tư liệu khảo sát thực địa của nhiều tỉnh miền Trung. Qua đó, thấy được tầm nhìn của các vua Nguyễn, về ưu thế của miền Trung trong chiến lược quân sự cũng như hạn chế của thời đại và phương thức ứng phó của triều Nguyễn. Đây là bài học lịch sử có giá trị đã được vận dụng và còn bổ ích cho mai sau.

 

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email