Sáng nay (28/6), Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức trao chứng nhận “Thành phố xanh quốc gia” cho Huế, khi thành phố này vượt qua vòng loại, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam vào vòng chung kết, cùng với 17/126 thành phố của 17/20 quốc gia trên thế giới để trở thành “Kinh đô xanh toàn cầu”. Nhân sự kiện này, chúng tôi có buổi phỏng vấn nhanh với Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành. Ông Thành cho biết:
Danh hiệu này thuộc về người dân Huế, những người yêu Huế, đang từng ngày làm cho Huế tốt hơn, đẹp hơn!
Thành phố đã làm gì để đạt danh hiệu này, thưa ông?
Tự thân Huế đã có những yếu tố cần thiết, đáp ứng các tiêu chí mà thành phố xanh cần có. Đó là diện tích cây xanh, mặt nước, không gian, con người, nước thải… Hầu như, tiêu chí nào Huế cũng đạt và vượt chỉ tiêu theo hướng tích cực.
Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để đạt các tiêu chí. Nói thế không có nghĩa là không có các chương trình, chiến dịch cụ thể, nhưng như đã nêu, Huế luôn sẵn có những yếu tố cần thiết để trở thành “Thành phố xanh quốc gia”.
Liệu có liên hệ giữa danh hiệu này với danh hiệu “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” mà Huế vinh dự được trao trước đó?
Chắc chắn rồi! Ở các bộ tiêu chí để trở thành “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, gồm: nước, không khí, đất…, Huế đều gần như đạt điểm tuyệt đối, nhất là nước, không khí đều đạt thang điểm 100/100. Riêng bộ tiêu chí về đất, có một số chỉ tiêu chưa đạt thang điểm tuyệt đối, như xử lý chất thải rắn, thải sinh hoạt…
Với danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia”, quan trọng vẫn là những chương trình, hành động, cam kết của lãnh đạo TP. Huế đối với tương lai của thành phố, song nền tảng vẫn là hướng tới sự phát triển xanh, thân thiện với môi trường.
Những cam kết mà ông vừa nêu là gì?
Chúng tôi cam kết sẽ tập trung vào 7 mục tiêu, chương trình hành động cho sự phát triển chung của thành phố trong thời gian tới. Đó là, tăng cường xanh hóa đô thị, bằng việc tăng diện tích cây xanh bao phủ. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh/người ở Huế thuộc vào top cao nhất Việt Nam, song chúng tôi phấn đấu sẽ nâng từ 12m2 xanh/người hiện nay lên 15m2 xanh/người trong vòng vài năm tới.
TP. Huế cũng ưu tiên bảo vệ mặt nước tự nhiên, bao gồm sông hồ, không lấp hồ, ao, sông suối, kể cả ao hồ tự đào… Sắp tới, còn tính toán thêm phương án phát triển du lịch trên sông, hồ để làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn phát triển.
Còn xử lý rác, nước thải thì thế nào khi tiêu chí này, Huế chưa được đánh giá cao, thưa ông?
TP. Huế đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt dự án Cải thiện môi trường nước. Khi hoàn thành, sẽ giải quyết khá triệt để tình trạng ngập úng cục bộ.
Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Do đó, cùng với đầu tư hệ thống Nhà máy xử lý nước mưa, nước thải ở phường An Đông, sắp tới còn di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi thành phố để tạo môi trường sống trong lành cho người dân và du khách.
Ông có thể nói rõ hơn về dự án này?
10 khu nhà tiền chế đã được xây dựng gần hoàn thành ở Cụm công nghiệp Hương Sơ. Sắp tới, chúng tôi sẽ di dời một số cơ sở gây ô nhiễm, kể cả ô nhiễm tiếng ồn, như các xưởng cưa, hàn, vật liệu phế thải, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đến khu nhà tiền chế và chỉ đạo các cơ quan liên quan không cấp phép mới đối với những hộ kinh doanh ở các lĩnh vực liên quan trong khu vực thành phố, đông dân cư.
Những lĩnh vực, dự án nào được ưu tiên kêu gọi, đầu tư phát triển?
Như tôi đã nói, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Huế là du lịch, dịch vụ. Do đó, các mục tiêu, dự án đầu tư sắp tới không ngoài thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này phát triển. Tuy nhiên, không phải sự đầu tư nào cũng được chúng tôi khuyến khích, mà luôn có sự lựa chọn, trên cơ sở đảm bảo cho Huế phát triển mà không làm mất đi những giá trị, bản sắc vốn có. Một trong những mô hình du lịch mà Huế hướng đến là tour tham quan nhà vườn, homestay, sông, hồ bằng thuyền, phương tiện công cộng hoặc xe đạp, xe điện thay vì xe máy, ô tô như hiện nay, để giảm thiểu tác hại đến môi trường.
TP. Huế cũng khuyến khích việc đầu tư sử dụng hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường, như sử dụng năng lượng mặt trời, hầm khí sinh học biogas, hệ thống đèn led trong chiếu sáng công cộng…
Với những cam kết vừa nêu, cộng với các tiêu chí sẵn có, Huế có thể tự tin trở thành “Kinh đô xanh toàn cầu” không, thưa ông?
Điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chúng ta tự hào với danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia”, với những điều Huế đang có. Song, nhiều thành phố khác trên thế giới có nhiều tiêu chí, cam kết tốt hơn, như tiêu chí, cam kết sử dụng hoàn toàn các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện, phương tiện công cộng thay vì các phương tiện cá nhân, xe máy, xe ô tô. Chúng tôi cũng muốn cam kết thực hiện tiêu chí này, song đây là điều gần như không thể, không chỉ riêng với Huế. Do đó, những cam kết chúng tôi đưa ra, đều có cơ sở thực hiện. Và mong muốn của lãnh đạo TP. Huế là thực hiện tốt những cam kết vừa nêu đã là thành công!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Tâm Huệ (baothuathienhue.vn/)