Tác giả: Thuỷ Tiên dịch
(Y học và phẫu thuật trước năm 1800)
3. Y học cổ truyền và phẫu thuật ở châu Á
Ấn Độ
Y học Ấn Độ có một lịch sử lâu dài. Các khái niệm sớm nhất được nêu ra trong kinh Vệ đà, đặc biệt là trong các đoạn của bộ kinh Atharvaveda, có thể có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Theo một nhà văn sau này, hệ thống y học Ayurveda đã được truyền lại cho một vị thần Dhanvantari nào đó từ thần Brahma, và Dhanvantari được phong là thần y học. Sau này, danh thế của vị thần này ngày càng giảm sút, cho đến khi được ghi nhận là vị vua trần gian qua đời do rắn cắn.
Thời kỳ y học Vệ đà kéo dài đến khoảng năm 800 TCN. Kinh Vệ đà rất phong phú về các thực hành ma thuật để điều trị bệnh tật cũng như bùa chú để trục xuất ma quỷ được xem là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Một số loại bệnh phổ biến được đề cập như là sốt (takman), ho, tiêu chảy, phù nề, áp xe, co giật, khối u và bệnh ngoài da (bao gồm cả bệnh phong). Có rất nhiều các loại thảo mộc được nói đến để chữa bệnh.
Từ năm 800 TCN cho đến khoảng năm 1000 SCN là thời kỳ hoàng kim của y học Ấn Độ do sự ra đời các chuyên luận y học được gọi là Charaka-samhita và Sushruta-samhita, lần lượt do Charaka là một bác sĩ và Sushruta là một bác sĩ phẫu thuật viết ra. Các ước tính cho rằng, Charaka-samhita với hình dạng như hiện tại đã có niên đại từ thế kỷ 1 CN, mặc dù trước đó cũng đã có những phiên bản khác. Sushruta-samhita có lẽ bắt nguồn từ những thế kỷ TCN và vẫn giữ nguyên hình dạng hiện tại vào thế kỷ thứ 7 SCN. Các chuyên luận ít quan trọng hơn được cho là của Vagbhata. Tất cả các bài viết về y học Ấn Độ sau này đều dựa trên những tác phẩm này.
Sushruta – Father of Surgery
Image from: https://www.itoozhiayurveda.in/vedic-wisdom-the-contributions-of-charaka-sushruta-in-ayurveda/
Vì tôn giáo của người theo đạo Hindu cấm cắt xác chết nên kiến thức về giải phẫu học của họ bị hạn chế. Theo Sushruta-samhita, thi thể nên đặt vào giỏ rồi dìm xuống sông trong bảy ngày. Khi đó các bộ phận có thể dễ dàng tách ra mà không cần cắt. Kết quả của những phương pháp thô sơ này là trọng tâm trong giải phẫu học của Ấn Độ giáo, trước hết là xương và sau đó là cơ, dây chằng và khớp. Riêng các dây thần kinh, mạch máu và các cơ quan nội tạng thì chưa được biết rõ.
Người Ấn Độ tin rằng cơ thể con người chứa ba chất cơ bản tương ứng với ba lực lượng vũ trụ thiêng liêng, và chúng được gọi là tinh thần (khí), đờm và mật (tương tự như cách người Hy Lạp xem xét về các chất dịch trong cơ thể).Sức khỏe phụ thuộc vào sự cân bằng thông thường của ba chất cơ bản này. Bảy thành phần chính của cơ thể—máu, thịt, chất béo, xương, tủy, nhũ chấp và tinh dịch—được tạo ra do tác động của các chất cơ bản. Tinh dịch được cho là được tạo ra từ tất cả các bộ phận của cơ thể chứ không phải từ bất kỳ bộ phận hay cơ quan riêng lẻ nào.
Cả Charaka và Sushruta đều khẳng định sự tồn tại của một số lượng lớn các loại bệnh (Sushruta nêu ra con số cụ thể 1.120). Những phân loại thô sơ về các loại bệnh cũng được đưa ra. Trong tất cả các văn bản, có nhiều loại “sốt” được mô tả và được cho là quan trọng. Bệnh dịch hạch trắng (bệnh suy nhược, đặc biệt là bệnh lao phổi) là bệnh phổ biến và các bác sĩ Ấn Độ giáo biết được các triệu chứng của các trường hợp có khả năng tử vong. Bệnh đậu mùa cũng là một bệnh phổ biến, và có thể việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã được tiến hành.
Các bác sĩ Ấn Độ thường sử dụng tất cả năm giác quan trong quá trình chẩn đoán. Dùng thính giác để phân biệt bản chất của hơi thở, sự thay đổi trong giọng nói và âm thanh lạo xạo do các đầu xương bị gãy cọ xát vào nhau. Họ dường như có khả năng khám lâm sàng tốt, và các bài diễn thuyết về dự đoán bệnh tình chứa đựng những tham khảo sắc bén đến các triệu chứng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, niềm tin ma thuật vẫn tồn tại cho đến cuối thời kỳ cổ điển; do đó, tiên lượng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngẫu nhiên như sự sạch sẽ của người được cử đến gặp bác sĩ, loại phương tiện vận chuyển của anh ta hoặc các kiểu người mà bác sĩ gặp trong chuyến đi thăm khám bệnh nhân.
Điều trị bằng chế độ ăn uống rất quan trọng và đi trước bất kỳ phương pháp thuốc men nào. Chất béo được sử dụng nhiều cả bên trong lẫn bên ngoài. Các phương pháp điều trị tích cực quan trọng nhất được nói đến là “năm quy trình”: sử dụng thuốc gây nôn, thuốc xổ, thụt nước, thụt dầu và bột hắt hơi.
Dược liệu của Ấn Độ rất phong phú và bao gồm chủ yếu là các loại thuốc thực vật, tất cả đều có nguồn gốc từ thực vật bản địa. Có 500 cây thuốc được biết viết trong Charaka và 760 loại trong Sushruta. Nhưng các phương thuốc từ động vật (chẳng hạn như sữa của các loại động vật, xương, sỏi mật) và khoáng chất (lưu huỳnh, asen, chì, đồng sunfat, vàng) cũng được sử dụng. Các lương y đã sưu tầm và tự mình bào chế các loại thuốc từ thực vật. Bạch đậu khấu và quế là một trong số cây thuốc cuối cùng xuất hiện trong dược điển phương Tây.
Do niềm tin tôn giáo nghiêm ngặt của người theo đạo Hindu, các biện pháp vệ sinh rất quan trọng trong điều trị. Họ quy định một ngày hai bữa ăn, có các chỉ dẫn về bản chất của chế độ ăn kiêng, lượng nước uống trước và sau bữa ăn, và việc sử dụng các loại gia vị. Việc tắm rửa và chăm sóc da được quy định cẩn thận, cũng như làm sạch răng bằng cành cây từ những cây có tên, xức dầu lên cơ thể và sử dụng nước rửa mắt.
Trong phẫu thuật, y học Hindu cổ đại đã đạt đến đỉnh cao. Các ca phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật người Hindu bao gồm cắt bỏ khối u, rạch và dẫn lưu áp xe, chọc thủng để giải phóng chất lỏng trong bụng, lấy dị vật, sửa chữa lỗ rò hậu môn, nẹp gãy xương, cắt cụt chi, mổ lấy thai và khâu vết thương.
Một loạt các dụng cụ phẫu thuật đã được sử dụng. Theo Sushruta, bác sĩ phẫu thuật nên được trang bị 20 dụng cụ sắc bén, và thêm 101 dụng cụ cùn kèm theo nhiều mô tả khác nhau. Các dụng cụ phần lớn được làm bằng thép. Rượu dường như đã được sử dụng như một chất gây tê trong các cuộc phẫu thuật, rồi dùng dầu nóng và hắc ín để cầm máu.
Đặc biệt là trong hai loại phẫu thuật thì người theo đạo Hindu rất giỏi. Sỏi bàng quang (tích bàng quang) cũng là căn bệnh phổ biến ở Ấn Độ thời cổ đại, và các bác sĩ phẫu thuật thường loại bỏ sỏi bằng phương pháp tán sỏi bên. Ngoài ra còn có phẫu thuật thẩm mỹ. Cắt cụt mũi là một trong những hình phạt cho tội ngoại tình, và việc sửa mũi được tiến hành bằng cách cắt mô có kích thước và hình dạng theo yêu cầu từ má hoặc trán của bệnh nhân rồi đắp vào gốc mũi. Các kết quả dường như khá khả quan, phẫu thuật thời hiện đại chắc chắn bắt nguồn gián tiếp từ đây. Các bác sĩ phẫu thuật người Hindu cũng phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng cách đánh mộng mắt hoặc thay thế thủy tinh thể để cải thiện thị lực.
Trung Quốc
Nền y học của Trung Quốc đã có từ rất lâu đời và không chịu bất kỳ ảnh hưởng bên ngoài nào. Theo truyền thống, Hoàng đế là một trong những người sáng lập huyền thoại của nền văn minh Trung Quốc, đã ban hành một quy điển về nội khoa được gọi là Hoàng Đế Nội Kinh vào thế kỷ thứ 3 TCN; có một số bằng chứng cho thấy hiện trạng của nó có thể không được tạo ra trước thế kỷ thứ 3 TCN.
Hầu hết các tài liệu y học Trung Quốc đều bắt nguồn từ cuốn Hoàng Đế Nội Kinh này, và đây vẫn được xem là một kho tàng quý giá. Các tác phẩm nổi tiếng khác là Mạch Kinh, được viết vào khoảng năm 300 SCN, và Ngự Toản Y Tông Kim Giám, là một bản tóm tắt y học Trung Quốc được xuất bản vào năm 1742 gồm các bài viết về y học dưới triều đại nhà Hán (202 TCN–220 SCN). Y học châu Âu bắt đầu có chỗ đứng ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 19, nhưng hệ thống y học truyền thống vẫn được áp dụng rộng rãi.
Về cơ bản nền y học cổ truyền Trung Quốc dựa trên lý thuyết vũ trụ nhị nguyên của âm dương (Lưỡng nghi). Dương mang tính nam, năng động, ánh sáng và tượng trưng cho các tầng trời. Âm mang tính nữ, thụ động, bóng tối và tượng trưng cho trái đất. Cơ thể con người, giống như vật chất nói chung, được tạo thành từ năm yếu tố (ngũ hành): kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Những yếu tố này diễn giải thành các nhóm gồm năm thành tố khác, chẳng hạn như năm hành tinh, năm điều kiện của bầu khí quyển, năm màu sắc và năm sắc thái. Sự biểu hiện các vấn đề như sức khỏe, tính cách kể cả các dạng thể như chính trị và cá thể nào đó đều được diễn giải là chịu sự chi phối bởi âm hoặc dương (thái cực sinh lưỡng nghi) vào thời điểm nhất định, và mục đích lớn nhất của y học cổ đại Trung Quốc là kiểm soát tính cân bằng âm – dương trong cơ thể.
An ancient representation of yin-yang.
Image from: amcollege.edu/blog/yin-and-yang-in-traditional-chinese-medicine
Giáo lý của các đạo giáo cấm xâm phạm cơ thể người chết; do đó, ngành giải phẫu truyền thống không dựa trên nền tảng khoa học chắc chắn nào. Một trong những nhân vật quan trọng nhất về giải phẫu học trong thời kỳ này là Wang Qingren (Vương Thanh Nhậm), đã học hỏi được kiến thức về lĩnh vực này từ việc kiểm tra những đứa trẻ bị chó cắn chết trong một trận dịch hạch vào năm 1798 SCN. Giải phẫu truyền thống của Trung Quốc dựa trên hệ thống vũ trụ, hệ thống này thừa nhận sự hiện diện của các cấu trúc giả thuyết như 12 kinh mạch và tam tiêu. Cơ thể gồm có ngũ tạng (tim, phổi, gan, lá lách, thận) tích trữ mà không đào thải, và ngũ phủ (như dạ dày, ruột, túi mật và bàng quang) có chức năng đào thải mà không tích trữ. Mỗi cơ quan kết nối với một trong các hành tinh, màu sắc, tông màu, mùi và vị. Họ cho rằng con người có 365 xương và 365 khớp trong cơ thể.
Theo sinh lý học của y học cổ truyền Trung Quốc, các mạch máu chứa máu và khí, tỷ lệ thay đổi theo tỷ lệ của âm và dương. Hai nguyên lý vũ trụ này luân chuyển trong 12 kinh mạch và kiểm soát các mạch máu và làm cho mạch đập. Trong Hoàng Đế Nội Kinh ghi rằng “Dòng máu liên tục chảy theo một vòng tròn và không bao giờ dừng lại. Nó có thể được ví như một vòng tròn không có điểm đầu cũng như điểm cuối”. Dựa trên bằng chứng không chắc chắn này, người ta đã khẳng định rằng người Trung Quốc đã biết được sự tuần hoàn máu trước khi Harvey phát hiện ra. Bệnh học truyền thống của Trung Quốc cũng phụ thuộc vào lý thuyết âm dương; tạo nên sự phân loại rất công phu về bệnh tật, hầu hết các loại được liệt kê trong đó đều không có cơ sở khoa học.
Trong chẩn đoán bệnh, các câu hỏi chi tiết được đặt ra về tiền sử bệnh tật liên quan những thứ như vị giác, khứu giác và giấc mơ của bệnh nhân. Và dựa vào chất lượng của giọng nói, màu sắc khuôn mặt và lưỡi để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất đó là kiểm tra mạch. Vương Thúc Hoà, người biên soạn cuốn Mạch Kinh, sống ở thế kỷ thứ 3 TCN, đã viết vô số ghi chép trong tác phẩm của mình. Mạch được kiểm tra ở một số nơi, vào những thời điểm khác nhau và với các mức độ áp suất khác nhau. Việc kiểm tra có thể mất đến ba giờ. Thường thì chỉ tiến hành kiểm tra rồi dựa vào đó để chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Từ đó không chỉ xác định được cơ quan nào có vấn đề, mà còn có thể báo trước thời gian tử vong hoặc hồi phục.
Dược liệu của Trung Quốc vẫn luôn rất phong phú và bao gồm các phương pháp chữa bệnh từ thực vật, động vật (bao gồm cả con người) và khoáng chất. Có những loại thảo mộc nổi tiếng từ thời cổ đại, nhưng chỉ có khoảng 1.000 loại được Lý Thời Trân biên soạn trong Bản thảo cương mục vào thế kỷ 16 SCN. Tác phẩm này gồm 52 tập, được chỉnh sửa và tái bản thường xuyên, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các loại thuốc có công dụng chủ yếu là giúp cân bằng âm dương và còn liên quan đến ngũ tạng, ngũ hành, ngũ sắc. Do đó, việc kê đơn rất phức tạp.
Trong số các loại thuốc được y học phương Tây sử dụng từ Trung Quốc là đại hoàng, sắt (chữa bệnh thiếu máu), dầu thầu dầu, cao lanh, cây ô đầu, long não và Cannabis sativa (cây gai dầu Ấn Độ). Dầu Đại phong tử đã được người Trung Quốc sử dụng cho bệnh phong ít nhất là từ thế kỷ 14, và đến khoảng thế kỷ 19 thì các bác sĩ phương Tây mới sử dụng để chữa bệnh này. Ma hoàng còn gọi là Thảo ma hoàng (Ephedra vulgaris) đã được sử dụng ở Trung Quốc trong ít nhất 4.000 năm và việc phân lập ephedrine alkaloid từ cây này đã cải thiện đáng kể việc điều trị của phương Tây cho bệnh hen suyễn và các tình trạng tương tự.
Phương thuốc nổi tiếng và đắt tiền nhất của Trung Quốc là nhân sâm. Phân tích của phương Tây đã chỉ ra rằng nó có tác dụng lợi tiểu và các đặc tính khác nhưng vẫn còn hoài nghi giá trị của nó. Reserpine, đại biểu cho dược tính của loại cây Ba gạc Trung Quốc (Rauvolfia verticcillata), cũng đã được phân lập và đã được sử dụng hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao) và một số tình trạng cảm xúc và tâm thần.
Thủy liệu pháp có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc, vì tắm nước lạnh đã được sử dụng để trị sốt từ những năm 180 TCN. Việc tiêm chủng bệnh đậu mùa đã được thực hiện ở Trung Quốc từ thời cổ đại và đến châu Âu vào khoảng năm 1720. Một phương pháp điều trị khác là hơ ngải cứu, bao gồm việc tạo ra một hình nón nhỏ, ẩm (moxa) dùng lá ngải cứu hoặc cây ngải tây (thuộc Chi Artemisia thuộc họ Asteraceae) tán thành bột, đặt lên da, hơ lửa rồi giã nát đắp vào vết phồng rộp sẵn. Các chất khác cũng được sử dụng cho moxa. Nhiều chất trong số chất này đôi khi được sử dụng cùng một lúc. Việc hơ ngải cứu thường được kết hợp với châm cứu.
Châm cứu bao gồm việc đưa kim kim loại nóng hoặc lạnh vào da và các mô bên dưới. Lý thuyết cho rằng kim ảnh hưởng đến sự phân bố của âm dương trong các kinh lạc và tam tiêu của cơ thể. Vị trí châm cứu được chọn để tác động đến một hoặc nhiều cơ quan cụ thể. Việc thực hành châm cứu có từ trước năm 2500 TCN và mang tính chất riêng có của người Trung Quốc. Kể từ thời gian đó thì không thấy có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, dù đã có nhiều chuyên luận nổi tiếng về chủ đề này.
Trên mô hình bằng đồng vào khoảng năm 860 SCN cho thấy có hàng trăm điểm châm cứu; đây là tiền thân của vô số mô hình và sơ đồ sau này. Kim châm cứu có chiều dài từ 3 đến 24 cm (khoảng 1 đến 9 inch). Kim được châm với một lực đáng kể và sau khi châm có thể xoay sang trái hoặc phải. Châm cứu thường kết hợp với hơ ngải cứu để chữa nhiều bệnh, kể cả gãy xương. Những người bệnh ở phương Tây cũng đã tìm đến những người thực hành châm cứu để giảm đau và các triệu chứng khác. Người ta suy đoán rằng việc điều trị bằng thuật châm cứu có thể kích hoạt não giải phóng các chất giống như morphine gọi là endorphin, có thể làm giảm đau cùng các cảm giác đi kèm khác.
Nhật Bản
Một số đặc điểm thú vị nhất của y học Nhật Bản là mức độ phát sinh và tốc độ trở nên phương Tây hóa và khoa học hóa nhanh chóng trong khi điểm khởi đầu chậm chạp. Vào thời kỳ đầu, bệnh tật được cho là do các vị thần đưa đến hoặc do ảnh hưởng của các linh hồn ma quỷ. Việc điều trị và phòng ngừa phần lớn dựa trên các thực hành tôn giáo, chẳng hạn như cầu nguyện, bùa chú và trừ tà; và sau đó dùng thuốc hoặc phương pháp trích máu tĩnh mạch.
Nền y học bắt đầu từ năm 608 SCN, khi các thầy thuốc trẻ của Nhật Bản được gửi đến Trung Quốc trong một thời gian dài để nghiên cứu, Y thuật Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến nền y học Nhật Bản. Năm 982, Tamba Yasuyori hoàn thành bộ Ishinhō gồm 30 tập, đây là tác phẩm y học lâu đời nhất của Nhật Bản vẫn còn tồn tại, viết về các bệnh và cách điều trị được phân loại chủ yếu dựa theo các cơ quan hoặc bộ phận bị ảnh hưởng. Bộ sách này hoàn toàn dựa trên các tác phẩm y học cũ của Trung Quốc, lấy khái niệm âm dương làm cơ sở cho lý thuyết về nguyên nhân của bệnh tật.
Năm 1570, một tác phẩm y học gồm 15 tập được xuất bản bởi Menase Dōsan, là tác giả của ít nhất năm tác phẩm khác. Cuốn quan trọng nhất trong số đó là Keitekishū (1574; sách hướng dẫn thực hành y học), phân loại và mô tả thành 51 nhóm bệnh hoặc đơn thuần là các triệu chứng; đặc biệt có viết về các bệnh của tuổi già. Một bác sĩ và giáo viên nổi tiếng khác của thời kỳ này, Nagata Tokuhun, là tác giả của những cuốn sách quan trọng – I-no-ben (1585) và Baika Mujinzo (1611), cho rằng mục đích chính của kỹ thuật y khoa là hỗ trợ sức mạnh tự nhiên và, do đó, việc kiên trì áp dụng các phương pháp điều trị rập khuôn là vô ích nếu không có sự hợp tác của bệnh nhân.
Y học châu Âu được đưa vào Nhật Bản vào thế kỷ 16 do các nhà truyền giáo Dòng Tên và vào thế kỷ 17 từ các bác sĩ người Hà Lan. Các bản dịch sách châu Âu về giải phẫu và nội khoa đã được dịch vào thế kỷ 18, và vào năm 1836, một tác phẩm về sinh lý học có ảnh hưởng của Nhật Bản đã xuất hiện. Năm 1857, một nhóm bác sĩ người Nhật do Hà Lan đào tạo đã thành lập một trường Y ở Edo (sau này là Tokyo), được coi là khởi đầu của khoa Y của Đại học Hoàng gia Tokyo.
Trong một phần ba cuối thế kỷ 18, đây là giai đoạn chính sách của chính phủ nhằm Tây hóa nền y học Nhật Bản, và đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc thành lập các trường y khoa và khuyến khích nghiên cứu. Tiếp theo đó là những đột phá y học quan trọng của người Nhật, trong đó có việc phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch năm 1894, phát hiện ra trực khuẩn lỵ năm 1897, phân lập adrenaline (epinephrine) ở dạng tinh thể năm 1901, và lần đầu tiên tạo ra ung thư thử nghiệm do hắc ín gây ra vào năm 1918.
(còn tiếp)
Bài trước: https://husta.vn/y-hoc-va-phau-thuat-truoc-nam-1800/
Bài kế tiếp: https://husta.vn/nguon-goc-cua-y-hoc-phuong-tay-700-tcn-1500-cn/
Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine