Nguồn gốc của Y học phương Tây (700 TCN – 1500 CN)

Tác giả: Thủy Tiên dịch

(Y học và phẫu thuật trước năm 1800)

  1. Hy Lạp thời kỳ đầu

Quá trình chữa bệnh bằng ma thuật sang khoa học là một quá trình dần dần kéo dài hàng thế kỷ, và chắc chắn rằng Hy Lạp cổ đại đã thừa hưởng rất nhiều từ Babylon và Ai Cập, thậm chí từ Ấn Độ và Trung Quốc. Những độc giả thời nay của thiên sử thi Iliad và Odyssey do nhà thơ Homer sáng tác có thể bị hoang mang bởi sự phân biệt hẹp hòi giữa các vị thần và con người trong những nhân vật, và giữa sự thật lịch sử và sự thơ mộng trong câu chuyện. Hai nhân vật được cho là con trai của vị thần y trong thần thoại Hy Lạp Asclepius là hai bác sĩ phẫu thuật quân đội Podaleirius và Machaon. Vị thần y Asclepius có thể bắt nguồn từ một con người thực sự có tên là Asclepius đã sống vào khoảng 1200 TCN và được cho là đã thực hiện nhiều phép màu để chữa lành bệnh.

Tác phẩm điêu khắc Asclepius và Hygieia, Bảo tàng Khảo cổ học Piraeus, Hy Lạp, 350 BC, jstor

Asclepius được thờ cúng tại hàng trăm ngôi đền khắp Hy Lạp, nhiều di tích vẫn có thể tìm thấy tại Epidaurus, Cos, Athens và nhiều nơi khác. Đến những nơi an dưỡng này, hoặc bệnh viện, những người bệnh thực hiện các nghi lễ chữa lành được gọi là ước mơ thần thánh, hay ngủ trong đền. Họ nằm ngủ trong ký túc xá, hoặc abaton – một khu vực linh thiêng, và trong giấc mơ, Asclepius hay một trong các tín đồ của ông đến hỏi han và đưa ra lời khuyên cho họ. Đến sáng, họ được cho là đã được điều trị khỏi bệnh. Tại khu vực lịch sử Epidaurus có nhiều bia đá ghi lại những ca chữa lành, dù không thấy đề cập đến những trường hợp thất bại hoặc tử vong.

Chế độ ăn uống, tắm rửa, và tập thể dục đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, và có vẻ như những ngôi đền này là hình mẫu cho các khu an dưỡng hiện đại. Được đặt tại một điểm yên bình, với các khu vườn và đài phun nước, mỗi ngôi đền đều có nhà hát để giải trí và sân thi đấu để tổ chức các cuộc thi đấu thể thao. Việc thờ cúng qua nghi lễ ước mơ thần thánh kéo dài đến thời kỳ Kitô giáo. Tại Hy Lạp, một số hòn đảo Aegean, Sardinia và Sicily, người bệnh vẫn được đưa tới một số nhà thờ cụ thể và ngủ tại đó với hy vọng được chữa lành.

Tuy nhiên, chính là công việc của những triết gia thời kỳ đầu, chứ không phải của những vị linh mục của Asclepius, đã thúc đẩy người Hy Lạp từ chối sự hướng dẫn của thế lực siêu nhiên và thôi thúc họ tự tìm hiểu nguyên nhân và lý do cho những cách thức kỳ lạ của tự nhiên. Nhà triết học thế kỷ thứ 6 Pythagoras, người đã phát hiện ra sự quan trọng của những con số, cũng đã nghiên cứu về vật lý âm thanh và quan điểm của ông đã ảnh hưởng đến tư duy y học trong thời đại của ông. Vào thế kỷ 5 TCN, Empedocles đã đưa ra quan điểm rằng vũ trụ được cấu tạo bởi bốn nguyên tố – lửa, không khí, đất và nước – và quan niệm này đã dẫn đến học thuyết về bốn chất dịch cơ thể: máu, đờm, mật vàng và đen độc. Việc duy trì sức khỏe phụ thuộc vào sự hài hòa của bốn chất dịch này trong cơ thể.

  1. Hippocrates

Tư duy y học đã đạt đến giai đoạn này và đã phần nào bỏ đi các quan niệm dựa trên ma thuật và tôn giáo từ khoảng năm 460 TCN, năm mà Hippocrates được sinh ra. Mặc dù ông được gọi là cha đẻ của y học, nhưng có rất ít thông tin về cuộc đời của ông, và thực tế có thể nhiều người mang tên này, hoặc Hippocrates có thể chỉ là tác giả của một số hay thậm chí không phải là tác giả trong số những cuốn sách tạo nên Bộ sưu tập Hippocrates (Corpus Hippocraticum). Những nhà văn cổ cho rằng Hippocrates đã dạy và thực hành y học ở Cos, hòn đảo mà nơi ông ra đời, và ở các địa điểm khác tại Hy Lạp trong đó có Athens, và cho rằng ông qua đời khi đã lớn tuổi.

Dù Hippocrates có là một người hay nhiều người, những tác phẩm được cho là của ông đánh dấu một giai đoạn trong y học phương Tây, khi mà bệnh tật được xem như là một hiện tượng tự nhiên chứ không phải siêu nhiên, và các bác sĩ được khuyến khích tìm kiếm nguyên nhân vật lý của bệnh tật. Một số tác phẩm, đặc biệt là Aphorismi (tập hợp các ngạn ngữ) của Hippocrates, đã được sử dụng làm sách giáo trình cho đến thế kỷ 19. Ngạn ngữ đầu tiên và nổi tiếng nhất là ‘Cuộc đời thì ngắn ngủi, Nghệ thuật thì trường tồn, Cơ hội đến đột ngột, Kinh nghiệm lại không đáng tin cậy, và Đánh giá thật khó khăn’ (thường được viết gọn thành câu ngạn ngữ Latin ‘Ars longa, vita brevis’ – ‘Nghệ thuật thì trường tồn còn cuộc đời thì ngắn ngủi). Tiếp nối là những bình luận ngắn về các bệnh và triệu chứng, phần nhiều trong số đó vẫn còn có giá trị.

Hippocrates

Nguồn: DeAgostini/Getty Images

Thời gian này nhiệt kế và ống nghe tim vẫn chưa được biết đến, thậm chí Hippocrates cũng không sử dụng bất kỳ công cụ hỗ trợ chẩn đoán nào ngoài việc quan sát và suy luận hợp lý của chính ông. Ông có khả năng phi thường trong việc dự đoán quá trình diễn biến của một căn bệnh, và ông chú trọng hơn đến kết quả dự kiến hoặc tiên lượng của một căn bệnh hơn là việc xác định hay chẩn đoán nó. Ông không cho rằng bệnh tật là sự trừng phạt từ các vị thần. Khi viết về chứng động kinh, lúc đó được gọi là ‘căn bệnh thần thánh’, ông nói, “Chứng bệnh này không thần thánh hơn các căn bệnh khác, mà nó có nguyên nhân tự nhiên, và nguồn gốc được cho là thần thánh đó là do sự thiếu hiểu biết của con người. Mọi căn bệnh đều có bản chất riêng và xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài.”

Hippocrates đã chú ý đến tác động của thực phẩm, nghề nghiệp, và đặc biệt là khí hậu trong việc gây ra bệnh tật, và một trong những cuốn sách thú vị nhất của ông có tựa đề là De aëre, aquis et locis (Không khí, Nước và Địa điểm), ngày nay có thể được xem như một bài luận về sinh thái học của con người. Theo lối suy nghĩ này, Hippocrates đã nói rằng “bản chất của chúng ta chính là bác sĩ của những căn bệnh của chúng ta” và đã ủng hộ việc thúc đẩy xu hướng chữa bệnh tự nhiên này. Ông đặc biệt nhấn mạnh về chế độ ăn uống và việc hạn chế sử dụng các loại thuốc. Ông biết cách mô tả rõ ràng và ngắn gọn các loại bệnh và ghi lại cả những thất bại cũng như những thành công; ông nhìn nhận bệnh tật với ánh mắt của nhà tự nhiên học và quan sát, nghiên cứu và hiểu bệnh tật trong bối cảnh tự nhiên và môi trường mà bệnh nhân đang sống.

Có lẽ di sản lớn nhất của Hippocrates là hiến chương về đạo đức y học được thể hiện trong lời thề Hippocrates, được áp dụng như một khuôn mẫu bởi các bác sĩ trong suốt hàng thế kỷ:

Tôi tuyên thệ với Apollo, thần chữa bệnh, Asclepius, Hygieia, và Panacea, và tôi minh chứng với tất cả các nam thần, các nữ thần, những người đã dạy tôi môn học này như là cha mẹ tôi; chia sẻ tài sản của tôi với thầy; và giúp đỡ những nhu cầu của người đó nếu cần; chăm sóc con cái thầy như là anh chị em tôi, và dạy họ môn học này, nếu họ muốn học, mà không đòi hỏi phí hoặc điều kiện; và bằng sự giảng dạy, bài giảng, và mọi phương thức hướng dẫn khác, tôi sẽ truyền đạt kiến thức về môn học này cho con trai của tôi, những người con của thầy tôi, và cho những người học trò mà tôi đã cam kết theo quy định của luật y học, và sẽ không truyền đạt cho người khác. Tôi sẽ tuân theo hệ thống chế độ đó, theo khả năng và phán đoán của tôi, tôi cân nhắc vì lợi ích của bệnh nhân và tránh bất cứ điều gì có hại và gây hại. Tôi sẽ không đưa thuốc chết người cho bất kỳ ai nếu được yêu cầu, cũng như không đề xuất bất kỳ lời khuyên nào như vậy; tương tự, tôi sẽ không đưa cho phụ nữ chiếc vòng nâng pessary nào để phá thai… Khi tôi bước vào bất kỳ ngôi nhà nào, tôi sẽ đi vào vì lợi ích của những người bệnh, và tôi sẽ kiêng nhịn mọi hành động có chủ đích gây hại và tham nhũng; và thêm nữa, kiêng nhịn không dính líu đến việc quyến rũ phụ nữ hoặc nam giới, người tự do và nô lệ. Dù có liên quan đến việc thực hiện nghề y học hay không, tôi sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến cuộc sống của bệnh nhân, nếu những thông tin đó không nên được tiết lộ ra ngoài, coi như tất cả những điều đó nên được giữ bí mật.”

Đây không hoàn toàn là một lời thề, mà đúng hơn là một quy tắc đạo đức hoặc lý tưởng, một lời kêu gọi cho hành vi đúng đắn. Dù tồn tại dưới nhiều hình thức hoặc phiên bản khác nhau, nó cũng đã hướng dẫn việc thực hành y học trên khắp thế giới trong hơn 2.000 năm.

  1. Thời kỳ Hellenistic (Hy Lạp kỳ sau) và Roman (La Mã)

Vào thế kỷ tiếp theo, tác phẩm của Aristotle, nhà sinh vật học vĩ đại đầu tiên, có giá trị vô giá đối với y học. Là học trò của Plato ở Athens và là gia sư của Alexander Đại đế, Aristotle đã nghiên cứu toàn bộ thế giới sinh vật. Ông đã đặt ra nền tảng của giải phẫu so sánh và phôi thai học, đồng thời quan điểm của ông đã ảnh hưởng đến tư duy khoa học trong 2.000 năm tiếp theo.

Sau thời Aristotle, trung tâm văn hóa Hy Lạp chuyển đến Alexandria, nơi có trường y nổi tiếng được thành lập vào khoảng năm 300 TCN. Tại ngôi trường này, hai giáo viên y khoa giỏi nhất là Herophilus với tác phẩm về giải phẫu là tác phẩm đầu tiên thuộc loại này, và Erasistratus được xem là người sáng lập ra sinh lý học. Erasistratus nhận thấy sự khác biệt giữa các dây thần kinh cảm giác và dây thần kinh vận động, nhưng ông nghĩ rằng các dây thần kinh là ống rỗng chứa chất lỏng và rằng không khí đi vào phổi và tim, và được mang đi khắp cơ thể qua các động mạch. Alexandria tiếp tục là trung tâm giảng dạy y học ngay cả sau khi Đế chế La Mã giành được quyền lực tối cao đối với thế giới Hy Lạp, và kiến thức y học chủ yếu vẫn mang đậm dấu ấn của người Hy Lạp.

 Kiệt tác của Raphael – “Trường học Athens”

Nguồn: https://mymodernmet.com/school-of-athens-raphael/

 Asclepiades of Bithynia (sinh năm 124 TCN) khác với Hippocrates ở chỗ ông phủ nhận khả năng chữa lành của thiên nhiên và nhấn mạnh rằng bệnh tật cần được điều trị một cách an toàn, nhanh chóng và dễ chịu. Là người phản đối lý thuyết thể dịch, ông đã dựa vào lý thuyết nguyên tử của nhà triết học Hy Lạp thế kỷ thứ 5, Democritus, để ủng hộ học thuyết về strictum et laxum—giải thích trạng thái co lại hoặc giãn ra của các hạt rắn mà ông tin là tạo nên cơ thể. Để khôi phục lại sự hài hòa giữa các hạt và từ đó để giúp chữa bệnh, Asclepiades đã sử dụng các phương pháp chữa bệnh điển hình của Hy Lạp: xoa bóp, bôi thuốc dưới dạng bã, dùng thuốc bổ thường xuyên, hít thở không khí trong lành cùng chế độ ăn uống được điều chỉnh. Ông đặc biệt chú ý đến bệnh tâm thần, phân biệt rõ ràng ảo giác với ảo tưởng. Ông giải phóng những người điên khỏi việc bị giam cầm trong những ngục phòng tối tăm và kê đơn theo một chế độ điều trị nghề nghiệp, nhạc nhẹ, thuốc ngủ (đặc biệt là rượu), và các bài tập nhằm cải thiện sự tập trung và trí nhớ.

Asclepiades đã có nhiều đóng góp để giúp y học Hy Lạp được chấp nhận tại Rome. Aulus Cornelius Celsus, quý tộc La Mã đã viết tác phẩm “De medicina” vào khoảng năm 30 CN, ông đã cung cấp tài liệu cổ điển về y học Hy Lạp của thời đại, bao gồm cả mô tả về các ca phẫu thuật phức tạp. Cuốn sách của ông mặc dù bị xem nhẹ trong thời đại đó nhưng lại có được danh tiếng rộng rãi trong thời kỳ Phục Hưng.

Trong thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Cơ Đốc, các bác sĩ Hy Lạp kéo về Rome. Người nổi tiếng nhất trong số họ là Galen, ông bắt đầu hành nghề tại đây vào năm 161 CN. Ông công nhận mình nợ ơn Hippocrates và tuân theo phương pháp Hippocratic, chấp nhận tôn giáo về các nguyên tố thể chất. Ông tập trung vào giá trị của giải phẫu và thực chất ông đã sáng lập ra sinh lý thực nghiệm. Galen nhận biết rằng các động mạch chứa máu chứ không chỉ là không khí. Ông chỉ ra cách tim đẩy máu di chuyển theo kiểu lên và xuống, nhưng ông không biết rằng máu lưu thông thế nào. Việc mổ tử thi con người bị cấm, vì vậy ông buộc phải dựa vào việc nghiên cứu động vật, đặc biệt là loài khỉ. Là một người viết nhiều, ông tự tin và mạnh mẽ diễn đạt quan điểm của mình, và được xem là một người có thẩm quyền tuyệt đối trong lĩnh vực của ông mà không ai dám bất đồng trong nhiều thế kỷ.

Một vị bác sĩ có tầm ảnh hưởng khác trong thế kỷ 2 SCN là Soranus của Ephesus, một người viết uy quyền và chuyên sâu về các chủ đề sinh đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh và các bệnh phụ khoa. Là người phản đối việc phá thai, nên ông thiên hướng ủng hộ các phương pháp tránh thai. Ông cũng mô tả cách hỗ trợ một ca sinh khó bằng cách xoay thai trong tử cung (phương pháp podalic), đây là một kỹ thuật cứu sống mà sau này bị lãng quên rồi lại được sử dụng vào thế kỷ 16.

Y học La Mã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi truyền thống y học Hy Lạp

Nguồn: https://brewminate.com/medicine-in-ancient-rome-2/

Mặc dù đóng góp của La Mã trong việc thực hành y học so với Hy Lạp là không đáng kể, nhưng trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng, người La Mã đã nêu cho thế giới một tấm gương vĩ đại. Thành phố La Mã là nơi có hệ thống cung cấp nước vượt trội không nơi nào sánh bằng. Các phòng tập thể dục và những bể tắm công cộng đều được cung cấp nước, thậm chí còn có hệ thống vệ sinh sinh hoạt và xử lý chất thải hiệu quả. Quân đội có các sĩ quan y tế của riêng mình, các bác sĩ công cộng được bổ nhiệm để chăm sóc người nghèo, và các bệnh viện cũng được xây dựng nên; một bệnh viện La Mã khai quật gần Düsseldorf, Đức đã được tìm thấy với thiết kế vô cùng hiện đại.

(còn tiếp)

Bài trước: https://husta.vn/y-hoc-co-truyen-va-phau-thuat-o-chau-a/

Bài kế tiếp: https://husta.vn/kho-tang-hoc-thuat-y-duoc-cua-co-doc-giao-va-hoi-giao/

Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email