Hỗ trợ cộng đồng A Lưới xây dựng và vận hành 10 mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản

Tác giả: Trần Thị Thanh Tâm

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã tiến hành bàn giao 300.000.000đ nguồn quỹ cho 10 nhóm mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản tại thuộc 5 xã ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

10 nhóm sinh kế cộng đồng được trang bị các kiến thức và kỹ năng liên quan đến quan trắc chất lượng nguồn nước.

Sinh kế cộng đồng bền vững gắn với quản trị tài nguyên nước

Thông qua dự án, 10 nhóm mô hình sinh kế ở 5 xã là xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Kim, Sơn Thủy và Quảng Nhâm – A Lưới đã được hình thành từ tháng 10/2022. 10 nhóm với 100 thành viên (khoảng 2/3 số thành viên là nữ) đã trải qua rất nhiều các khóa tập huấn liên quan đến quản trị và quản lý tài nguyên nước, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản bền vững, các kỹ năng quan trắc môi trường nước, tham gia các chuyến tham quan, học tập các mô hình liên quan ở thành phố Cần Thơ – ĐBSCL và tỉnh Đak Lak – Tây Nguyên thuộc hệ thống sông 3S. Qua các hoạt động triển khai, các nhóm dần định hình những kiến thức liên quan đến quản trị tài nguyên nước gắn liền với hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững, sử dụng nguồn tài nguyên địa phương để phát triển sinh kế. Yếu tố phát triển sinh kế được gắn liền chặt chẽ với quản trị và quản lý tài nguyên nước tại các địa phương trên địa bàn huyện là một điểm chính được nhấn mạnh trong suốt quá trình triển khai dự án.

Nhóm sinh kế thôn Đụt 2 – Hồng Kim đang chuẩn bị ao nuôi và tiến hành thả cá trong tháng 8/2023.

Sự cần thiết của các mô hình sinh kế cộng đồng tại A Lưới…

A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách thành phố Huế hơn 70 km, với diện tích hơn 122.000 ha – lớn nhất tỉnh. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi khiến đời sống người dân ở A Lưới tương đối khó khăn, đặc biệt là phụ nữ. Nhiều hộ gia đình sống phụ thuộc vào các công việc làm thuê như vác keo, bóc vỏ keo và phụ hồ. Người dân thiếu đất và nước để sản xuất nông nghiệp. Lưu vực sông A Sáp là một trong những nhánh sông thuộc hệ thống sông 3S có chỉ số đa dạng sinh thái cao với mức độ độc đáo lớn. Nhìn chung, tài nguyên thủy sản ở lưu vực sông A Sáp khá đa dạng. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở vùng thượng lưu không chỉ đem lại nguồn dinh dưỡng và thu nhập bền vững cho người dân ở đây mà còn góp phần vào bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học cho toàn bộ lưu vực sông. Tuy nhiên, cộng đồng ven sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn liên quan đến quản lý và sử dụng tài nguyên nước, phát triển sinh kế dựa vào tài nguyên nước. Một vài mô hình chăn nuôi phổ biến, số ít mô hình nuôi thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao là điều kiện để dự án hình thành và hướng đến các mục tiêu phát triển sinh kế bền vững gắng với bảo vệ và quản trị tài nguyên nước.

Mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện ở A Lưới hiện mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi.

Quá trình học hỏi, nâng cao nhận thức các thành viên đã tự xây dựng cho mình những kiến thức cơ bản về nuôi trồng thủy sản dựa trên điều kiện và nguồn lực hiện có. Theo đó 7 hình thức nuôi trồng thủy sản được hình thành tại 10 nhóm, cụ thể: Nhóm sinh kế thôn A Đâng và Tu Vây – xã Hồng Thái lựa chọn mô hình nuôi cá trắm cỏ xen cá rô phi theo hình thức nuôi cá lồng trong khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới, quy mô 2 lồng nuôi; Nhóm Căn Tôm – xã Hồng Thượng nuôi cá trắm, cá chép, rô phi và cá mè trong ao tại khe Pa Pé; Nhóm A Đen – xã Hồng Thượng với mô hình nuôi ếch trong bể, thời gian nuôi từ từ 3-4 tháng; Nhóm Căn Te – xã Hồng Thượng nuôi cá trắm, mè, diêu hồng trong lồng ở khu vực lòng hồ thủy điện, quy mô 2 lồng nuôi; HTX thôn Vinh Lợi lựa chọn mô hình nuôi cá trắm, cá mè hoa, cá chép, cá rô phi tại ao nuôi trên địa bàn xã với diện tích 10.000m2; Nhóm Pất Đuh – xã Quảng Nhâm lựa chọn mô hình nuôi cá trắm, cá chép, cá mè, cá rô phi trong lồng tại ao của thôn, quy mô 2 lồng nuôi; Nhóm Kleng A Bung – xã Quảng Nhâm với mô hình nuôi cá trắm, cá rô phi, mè hoa, mè trắng và cá chép ở khu vực ao nước chảy tại thôn; Nhóm Đụt 2 – xã Hồng Kim tiến hành nuôi cá trắm, cá mè, rô phi trong ao, diện tích ao 1.000m2; Nhóm A Tia 2 – xã Hồng Kim lựa chọn mô hình nuôi ếch với 2 lồng nuôi, kết hợp nuôi các loại cá trắm, rô phi ở ao tại thôn.

Tổng hợp thông tin về chi phí liên quan của 10 mô hình sinh kế tại A Lưới.

…và sự đồng tình của người tham gia mô hình sinh kế

Bên cạnh nguồn quỹ hỗ trợ cố định của dự án, dựa trên tổng chi phí cho mô hình sinh kế đã lập, 10 thành viên tham gia nhóm sinh kế chủ động và sẵn sàng đối ứng để thực hiện mô hình sinh kế của nhóm. Các nhóm sẽ tiến hành hoạt động theo quy chế mà nhóm đã hình thành và thực hiện mô hình sinh kế sau khi đã nhận được nguồn quỹ hỗ trợ. Quy chế hoạt động nhóm được quy định cụ thể và rõ ràng cho từng thành viên với chức vụ và vị trí đảm nhận. Nguồn lợi thu được sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư, nhân rộng mô hình, hỗ trợ các hộ gia đình khác tại địa phương cùng phát triển sinh kế, 10% – 30% lợi nhuận thu được sẽ sử dụng cho hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Ngoài việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xây dựng và hỗ trợ mô hình sinh kế, CSRD còn chú trọng và tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực về truyền thông, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ nguồn thủy sản từ các mô hình sinh kế của cộng đồng, đảm bảo những hướng đi bền vững cho cộng đồng trong việc hình thành và phát triển sinh kế, gắn với quản trị tài nguyên nước trong thời gian tới.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email