Xu hướng quốc tế trong kiến trúc Huế đương đại sẽ là tất yếu!?

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển vượt bật của khoa học kỹ thuật, các giới hạn của của cuộc sống gần như đều đạt được. Các nền văn minh và văn hóa có cơ hội giao lưu, tiệm cận lẫn nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đứng trước những mặt tốt đẹp, đáng trân trọng mà các thành tựu khoa học mang lại, là nguy cơ hội nhập một cách thiếu định hướng, khiến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và văn hóa đối diện với sự lãng quyên quá khứ, cái người ta thường gọi là “bản sắc văn hóa”, mà kiến trúc không phải là điều ngoại lệ. Huế là một đô thị cổ kính có bề dày lịch sử truyển thống lâu đời. Tuy nhiên kiến trúc là một lĩnh vực “nhạy cảm”, khi đứng trước những cơ hội giao lưu và phát triển, khiến đây là môi trường và thực thể mang tính tiên phong trong xu hướng quốc tế hóa.

Xu hướng quốc tế trong kiến trúc Huế đương đại

Có một triết gia nổi tiếng từng phát biểu rằng: “Không có con đường nào cả, mà nó chỉ xuất hiện khi con người đi trên đó và tạo thành đường”. Thật vậy! Mọi hoạt động trong cuộc sống cũng như là con đường. Và sự phát triển là tất yếu để cuộc sống tươi đẹp hơn. Chúng ta thử tưởng tượng rằng, chúng ta đang sống trong những “căn nhà” của người nguyên thủy, cuộc sống chỉ săn bắt, hái lượm…và đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài, khi đó chung ta sẽ thấy rằng giá trị cuộc sống hiện tại với tất cả các thành tựu về văn hóa, xã hội, khoa học, mỹ thuật… đã đạt được là tốt và khác biệt thế nào!?. Khoa học công nghệ đã là một phần của cuộc sống hiện tại, nó thay đổi diện mạo xã hội và mọi thứ hằng ngày, và nó vẫn còn phát triển đến khi nào trái đất ngừng quay.

Sự thay đổi diện mạo Đô thị Huế đương đại

Kiến trúc là một lĩnh vực mà nó xuất hiện đồng thời với lịch sử của loài người, chỉ khác biệt ở điểm, nó chỉ duy nhất phục vụ che mưa, che nắng, hay còn là một chủ thể làm tôn thêm hình ảnh văn minh của loài người. Trong thời đại ngày nay, với mọi thứ có thể thay đổi hàng ngày, các phát minh khoa học có thể diễn ra từng phút, vì thế không có lý do gì khiến kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc đứng yên một điểm, mà nó phải cùng thế giới xung quanh đi đến các giới hạn vô cùng.

Phải nói rằng, từ khi khoa học phát minh ra vật liệu bê tông , thép, kính, đó cũng chính là thời điểm đánh dấu sự thay đổi vượt bậc về kiến trúc. Các giới hạn mà kiến trúc đạt được trước đó gần như đã dần thay thế bởi những yếu tố mới. Bản chất thiết kế kiến trúc là kiến tạo không gian, và không gian lại gần như phụ thuộc bởi cấu trúc hình thành nên nó. Chúng ta còn nhớ rằng, vì sao lịch sử kiến trúc loài người lại phải nhắc đến các trường phái Roman và Gothich…!? Hai trường phái này không dừng ở điểm, nó phục vụ cho tôn giáo, mà nó còn tiến xa hơn bởi tính cấu trúc không gian và nội thất, và đó chính là chất liệu chủ đạo đầu tiên tạo nên diện mạo bên ngoài và phần hồn nội thất bên trong của công trình. Trong guồng quay chung của xu hướng kiến trúc quốc tế, Kiến trúc Huế và đô thị Huế đương đại, gần như là chắc chắn có một lối đi mới về kiến trúc, các công trình không còn bị giới hạn bởi những hạn định trước đây (bản sắc truyền thống) mà thay vào đó là những tư duy kiến trúc gắn liền với khoa học công nghệ mới. Các công trình trở nên to lớn hơn, cao hơn, phá vỡ mọi giới hạn mà dường như trước đó là không tưởng.

Lịch sử kiến trúc thế giới đã chứng kiến rất nhiều chủ nghĩa kiến trúc ra đời, các mâu thuẫn giữa các thời kỳ và các trường phái khác nhau, chính là tác nhân giúp cho sự thay đổi và hướng đến những chân lý mới. Trong phạm vi bài viết cho rằng kiến trúc phải phản ảnh được lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật…tại thời kỳ mà công trình được sinh ra. Để một triết lý khá đơn giản là: “Kiến trúc của thế giới hôm nay sẽ là lịch sử của kiến trúc ngày mai”. Và như vậy giá trị kiến trúc tại mỗi thời điểm là không thể thay thế và cũng không thể dùng tư tưởng của vật liệu, khoa học công nghệ hiện tại, quay trở lại xây dựng kiến trúc phong cách kiểu Roman, Gothich một cách ào ạt, ngoại trừ sử dụng ngôn ngữ của nó như một tuyên ngôn cho một vấn đề mang tính bức thiết riêng tư.

Phong cách kiến trúc thuộc địa trong kiến trúc Huế đương đại

Tuy nhiên sự thay đổi đến chóng mặt của khoa học công nghệ, các trào lưu, tư tưởng tiệm cận nhau giữa các quốc gia, triết lý cuộc sống dần thay thế bởi những yếu tố mới lạ, nhiều con người thích được đi du lịch ra thế giới bên ngoài, thích sử sụng các vật dụng thương hiệu gần như mặc đinh. Chúng ta có thể thấy thương hiệu Luiviton, Chanel hay là Vertu… có mặt ở khắp thế giới. Và kiến trúc đương đại Huế cũng không nằm ngoài quy luật đó, và gần như là tất yếu, kiến trúc phản ảnh một cách chân thực nhất các xu hướng của thời đại – “thế giới phẳng”. Nhiều nhà cao tầng hơn được xây dựng, nhiều công trình ra đời gần như chỉ đạt được tính thời đại mà khướt từ mọi giới hạn khác. Như vậy các giới hạn về kinh tế, thẩm mỹ, và cả xu hướng muốn đạt được vội vã, khiến nhiều mặt của cuộc sống dễ bị lãng quyên, mà cả thế giới đang nhắc đến, đó là tính “truyền thống”.

Truyền thống là một cụm từ gần như làm nhiều đối tượng e ngại, bởi nó có tính hạn định nhiều thứ mà trong đó có xuất hiện yếu tố lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên trong phạm vi kiến trúc, chúng ta có thể thấy rằng, kiến trúc sinh ra là phục vụ con người, và con ngươi là chủ thể. Con người có nhu cầu hướng đến cái đẹp, cái hiện đại của dáng vẽ bên ngoài. Tuy nhiên, cái bên ngoài chỉ là cái có được, cái sở hửu, chứ nó không phải là bản chất.

Xu hướng quốc tế trong kiến trúc Huế đương đại là điều tất yếu! Tuy nhiên cần hướng đến tính Hiện đại nhưng không vị lai (1), và đô thị Huế – Kiến trúc Huế cần tìm cho bản thân những kịch bản đô thị và kiến trúc phù hợp với tiến trình phát triển chung của xu thế xã hội nội tại và xu hướng quốc tế, nhưng bên cạnh đó vẫn không quên đi cái gọi là “bản sắc Huế”. Vì vậy, cần duy trì văn hóa trong kiến trúc hay tính truyền thống trong kiến trúc để tạo tính khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia kia, hay nhỏ hơn là của đối tượng sở hửu kiến trúc này khác đối tượng kia, và như thế nghệ thuật kiến trúc chính là một bình diện văn hóa và văn minh của loài người hướng đến, mà trong đó mỗi chúng ta hãy là những chủ thể có bản sắc hay có tính truyền thống trước tiên!.

(1): Chủ nghĩa vị lai (tiếng anh: Futurism) là một trào lưu văn học, nghệ thuật bắt đầu vào thế kỷ 20, trường phái này vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc.

ThS.KTS. Võ Tuấn Anh

Khoa Kiến trúc – Trường đại học Khoa học

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email