Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3: Lộ bê tông trộn đất và gỗ mục

Như đã đưa tin, công trình thủy điện Đak Rông 3 trên sông Đak Rông (Quảng Trị) đã bị vỡ đập chỉ sau 15 ngày nghiệm thu, phát điện.

Khảo sát tại hiện trường của phóng viên Lao Động trong 2 ngày 13 và 14/10 cho thấy những dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo trước con nước “rất hỗn” của dòng sông Đak Rông.  Một phần của đập thủy điện bị cuốn trôi, nhưng chủ đầu tư vẫn nói “vỡ phần đang thi công dở dang”.

Sắt nhỏ + đất trong bêtông…

Theo chủ đầu tư là Cty CP Thủy Điện Trường Sơn (trụ sở tại TP.Đồng Hới – Quảng Bình) thì sự cố vỡ đập dâng thủy điện Đak Rông 3 xảy ra lúc 7h sáng 7/10 “do mưa lớn trên thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn”; vị trí vỡ ở thượng lưu vai trái đập dâng với chiều dài đập bị cuốn trôi là 20m, chiều cao 6m.

Tại hiện trường, những khối bê tông khổng lồ vỡ ra từ thân đập bị trôi xuống hạ lưu nơi xa nhất chừng vài trăm mét. Bên ngoài những khối bê tông này lòi ra lưa thưa những que sắt, loại lớn nhất có phi 16, những que sắt này không có dấu bị kéo đứt, gãy mà đa số vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy, sắt được kết cấu cho từng khối bêtông riêng rẽ, chúng không được hàn hoặc tổ chức kết cấu cho toàn bộ thân đập.

Tại những nơi bêtông bị bể ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi…, một số nơi có thể dùng tay bẻ bêtông vẫn rời ra từng cục. Ngay dưới chân thân đập, nơi chỉ chịu áp lực nước xối từ trên cao xuống, bê tông cũng bị xói trôi nhiều đoạn, lòi ra những que sắt nhỏ.

Còn ngay tại vị trí đáy đập, nơi phần nổi của đập vừa bị cuốn trôi hôm 7.10, cũng chỉ thấy lòi lên những que sắt loại nhỏ. Một người thợ xây dựng, chuyên nhận làm nhà ở cho cư dân ở địa phương nói: “Tôi không phải kỹ sư, nhưng nhìn vào kết cấu sắt trong các khối bêtông và nơi đáy đập, tôi nghĩ sắt như vậy vừa ít, vừa quá nhỏ, không đủ để giữ hàng trăm tấn bê tông thế này”.

Phải kiểm định chất lượng thân đập

Rất may là sự cố chỉ mới xảy ra trên chiều dài 20m của toàn bộ con đập dài 200m (có chiều cao từ 22 – 24m), lưu lượng nước tại thời điểm vỡ đập đã là 4.000m3/giây. Vấn đề đặt ra là, tại thời điểm xảy ra trôi đập, lượng mưa ở thượng nguồn sông Đak Rông vẫn còn nhỏ (dưới 150mm). Trả lời PV Lao Động chiều 13.10, ông Nguyễn Thanh Hải – TGĐ Cty CP thủy điện Trường Sơn -nói: “vị trí vỡ đập tại nơi đang thi công dở dang”. Nếu điều này là sự thật, thì hội đồng nghiệm thu thuộc Tập đoàn Điện lực VN đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi quyết định cấp phép hòa lưới điện quốc gia một công trình “đang thi công dở dang”.

Vấn đề đặt ra lúc này chưa phải là việc phải khẩn trương đưa nhà máy vận hành hoạt động trở lại như báo cáo của chủ đầu tư. Từ sự đổ nát của 20m đập thủy điện Đak Rông 3 và sự cố ở một số công trình thủy điện khác trong khu vực, đang dấy lên sự lo ngại rất có cơ sở rằng chất lượng các công trình thủy điện “rất có vấn đề” từ khảo sát, thiết kế, thẩm định cho đến thi công.

Phải tiến hành lấy mẫu giám định từ những khối bê tông vừa trôi ra từ thân đập để làm cơ sở kiểm định, giám định chất lượng toàn bộ thân đập. “Mùa mưa lũ, nước trên sông Đak Rông còn dữ dằn gấp cả chục lần như hôm 7/10, nước về như hôm đó mà đã vỡ đập rồi thì mai mốt “mưa thiệt” đập ni chịu chi nổi” – lời cảnh báo của một già làng ở xã Tà Long – nơi có đập thủy điện Đak Rông 3, cần được đưa vào hồ sơ thẩm định lại của dự án thủy điện này.

Thủy điện Đak Rông 3 có tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng. Thiết kế: Cty CP tư vấn xây dựng điện Thái Bình Dương (TPHCM). Thi công: Cty CP Tân Hoàn Cầu (Quảng Bình). Giám sát: Cty CP tư vấn điện Quảng Bình.

Theo Lâm Chí Công

Lao động

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email