Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản nguyên liệu xi măng có tiềm năng khá lớn, là những loại khoáng sản lợi thế của tỉnh, cần được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng
Khoáng sản nguyên liệu xi măng, đá vôi là nguyên liệu chính để sản xuất xi măng. Trong phạm vi Thừa Thiên Huế đá vôi xi măng chỉ phát triển hạn chế thành một dải nhỏ từ Hòa Mỹ đến Phú Bài và vùng Ke Đe, Thượng Long, Nam Đông. Hiện đã phát hiện đá vôi ở Hoà Mỹ (Phong Mỹ), Hiền An (Phong Sơn), huyện Phong Điền; Văn Xá (Phong Vân) huyện Hương Trà, Thượng Long, huyện Nam Đông và Long Thọ (Thuỷ Biều) thành phố Huế.
Khác với đá vôi xi măng, đá sét xi măng ở Thừa Thiên Huế có tiềm năng rất lớn gồm các mỏ sét xi măng ở Thọ Sơn, Long Thọ, Đồng Lâm, Thượng Long, Phú Thứ và nhiều nơi khác có sét xi măng. Hầu hết chúng là sản phẩm phong hoá từ đá phiến sét, sét vôi.
Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng. Đá xây dựng chủ yếu có nguồn gốc granit, ít hơn là đá cát kết, quazit và đá vôi. Hiện đã biết một điểm mỏ cát kết Lưu Bảo, một điểm mỏ quazit Hương Phong và nhiều điểm mỏ ở các khối đá granit Khe Băng (Phong Sơn, Phong Điền), Bình Điền, Bến Tuần (Hương Trà), Núi Vôi (Hương Thuỷ), Hải Vân (khu vực đèo Hải Vân), các khối granit, gabro nhỏ ở Nam Đông.
Sét gạch ngói trên địa bàn Thừa Thiên Huế rất phổ biến. Hiện đã biết hơn 15 điểm mỏ quy mô khác nhau, phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Sét chủ yếu có nguồn gốc tái trầm tích, màu xám vàng, chất lượng đạt tiêu chuẩn làm sét gạch ngói, một số ít có thể sản xuất ngói màu, gạch ốp trang trí. Tiềm năng sét gạch ngói trên địa bàn Thừa Thiên Huế là rất lớn, nhưng hầu hết các diện tích chứa sét có quy mô lớn thường nằm trong các vùng trồng lúa quan trọng. Vì vậy, cần phát hiện và đánh giá các diện tích sét phong hoá, ít bị ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Cát, cuội, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phân bố nhiều nơi dọc theo các sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch, sông Truồi, sông A Sáp và các sông nhánh khác. Cát, sỏi phân bố ở hai dạng: dạng thứ nhất tạo thành các bãi bồi ven hai bờ của đoạn trung – hạ lưu của các sông; dạng thứ hai phân bố ở lòng (dưới mực nước sông). Theo tài liệu hiện có chỉ mới điều tra các điểm mỏ cát, cuội, sỏi phân bố ở bãi bồi của một số sông, còn cát, sỏi phân bố ở lòng sông chưa có số liệu điều tra, đánh giá.
Thừa Thiên Huế là tỉnh có điều kiện địa lý tự nhiên khá phức tạp. Sự phong phú và đa dạng về cấu trúc địa chất đã tạo nên sự giàu có về khoáng sản đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: đá vôi, đá xây dựng, cát, cuội sỏi, … có tiềm năng khá lớn. Nguồn tài nguyên này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
TS. Bùi Thắng