Xin cấp phép xây dựng là một hoạt động pháp lý mà bất cứ công trình nào trước khi xây dựng đều phải tiến hành và hoàn thành nó. Nó là điều kiện để người dân được xây dựng công trình trên mảnh đất có quyền sở hửu của mình. Tuy nhiên, tưởng chừng đơn giản nhưng ngay cả người dân và kiến trúc sư mới ra trường nếu không nắm được đều có thể vấp phải những sai sót khiến cho thủ tục trở nên rắc rối và chậm tiến độ.
Phối cảnh mặt đứng ví dụ cho nhà ở riêng lẽ khu vực Nội thành
Đô thị Huế ngoài những đặc điểm như các đô thị khác trên lảnh thỗ Việt Nam, còn có những đặc thù riêng biệt. Với quỹ kiến trúc di sản được Unesco công nhận, khiến cho việc bảo tồn là điều bắt buột. Chính vì vậy cư dân sinh sống trong Nội thành mỗi khi tiến hành xây dựng hay cải tạo công trình, ngoài những yêu cầu chung của việc cấp phép công trình còn cần tuân thủ thêm các quy định khác. Trong phạm vi bài viết sẽ đưa đến những thông tin hữu ích nhằm giúp người dân có những thông tin và kinh nghiệm để có thể xin cấp phép một cách hiệu quả.
Trước tiên, các công trình nhà ở riêng lẽ ở tại đô thị đều phải tuân thủ theo quy định chung theo thông tư 15/2016/TT-BXD về việc hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng, nó có nội dung thủ tục như sau:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu)
2. Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:
a) Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
b) Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 – 1/200;
c) Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.
Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế quy định này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.
4. Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu quy định, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.
5. Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Tiếp đến, các công trình nhà ở riêng lẽ tại Nội Thành còn tuân thủ theo quy định của QĐ 1086/QĐ- UBND về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Điều lệ (Quy định) quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết Khu Kinh thành, thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế, với các nội dung chính như sau:
A. Quy định chung cho các tuyến đường không là đường giáp với khu vực Hoàng Thành và tường thành ngoài, gồm các đường Đoàn Thị Điểm; Lê Huân; Đặng Thái Thân; Ông Ích Khiêm; Xuân 68;Lương Ngọc Quyến; Tôn Thất Thiệp) và khu dân cư khu vực Lục Bộ; Khu vực Tam Tòa.
1. Mật độ xây dựng:
Diện tích khu đất (m2) | ≤70 | 100 | 150 | 200 | 300 | 500 | ≥1000 |
Mật độ xây dựng ( %) | 100 | 80 | 70 | 60 | 50 | 40 | 30 |
2. Chiều cao công trình tối đa là 11m; mái ngói, độ dốc mái là 50% (cạnh nằm gấp đôi cạnh đứng). Trong đó cho phép nhà làm lệch tầng, phía trước 2 tầng (tầng 1 cao 3m9; tầng 2 cao 3m6), phía sau 3 tầng (tổng chiều cao không vượt quá 11m)
3. Chiều cao nền nhà so với vĩa hè:
– Đối với công trình có chỉ giới trùng với chỉ giới đường đỏ (Mai Thúc Loan; Nguyễn Trãi; Đinh Thiên Hoàng..) + 150mm so với vĩa hè.
– Đối với công trình có chỉ giới lùi so với chỉ giới đường đỏ (Các đường nhỏ, và hẻm) +450mm so với vĩa hè.
4. Quy định độ vươn ban công và mái (ra khỏi chỉ giới đường đỏ)
a, Trường hợp nhà xây có chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ (làm hết đât): Ban công được vươn ra quá chỉ giới đường đỏ (không được che chắn tạo thành buồng, phòng hay lô gia)
+ Đối với đường có lộ giới > 15m là 1,4m
+ Đối với đường có lộ giới từ 12 đến 15m là 1,2m
+ Đối với đường có lộ giới từ 07 đến 12m là 0,9m
+ Đối với đường nội bộ ( có lộ giới nhỏ hơn 07m) không được vươn ra quá chỉ giới đường đỏ
b, Trường hợp nhà có chỉ giới xây dựng lùi vào so với chỉ giới đường đỏ: Ban công không vượt quá 1,4m so với chỉ giới xây dựng và không được che chắn tạo thành buồng, phòng hay lô gia.
c. Phần ngầm dưới mặt đất (móng): Không được vượt quá chỉ giới đường đỏ.
B. Quy định chung cho các tuyến đường là đường giáp với khu vực Hoàng Thành và tương thành, gồm các đường Đoàn Thị Điểm; Lê Huân; Đặng Thái Thân; Ông Ích Khiêm; Khu vực Lục Bộ; Khu vực Tam Tòa.
+ Chỉ giới xây dựng: lùi 6.0 m so với chỉ giới đường đỏ
+ Tuân thủ các quy định như trên (mục A).
C. Do Nội thành với rất nhiều tuyến đường còn có đặc điểm khác so với hai quy định chung trên. Vì vậy trước khi xin phép xây dựng, để tránh những sai sót, người dân nên đến phòng quản lý đô thị Thành Phố xin thông tin và hướng dẫn quy hoạch của khu đất tại thời điểm đó.
“An cư mới lạc nghiệp” điều đó cho thấy việc xin phép nhà ở luôn là nhu cầu bức thiết của đại bộ phận cư dân trong đô thị. Nhiều người dân luôn cảm thấy khó khăn và e ngại khi tiến hành các thủ tục pháp lý, vì vậy bài viết hi vọng đóng góp phần nào về thông tin trong các quy định và thủ tục về cấp phép đối với ngôi nhà ở khu vực Nội thành cho người dân cũng như các kiến trúc sư quan tâm.
Ths.KTS Võ Tuấn Anh
Khoa kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế