Sáng tạo thiết bị ứng dụng tia laser để xác định phương tuyến và mặt phẳng

Để xác định phương tuyến và mặt phẳng trên thực địa phục vụ cho việc thi công xây dựng, đo đạc…tuy có nhiều biện pháp cũng như nhiều thiết bị hỗ trợ nhưng giá thành rất cao, người dùng phải qua đào tạo. Các phương án thô sơ như ngắm bằng mắt, dùng cân bằng ống nước, đo bằng thước thì kết quả thường không chính xác. Nhằm tạo ra một thiết bị giúp xác định phương tuyến và mặt phẳng, nhóm tác giả Phạm Thùy Linh và Trần Văn Hiếu, học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, thành phố Huế đã sáng tạo ra “Thiết bị ứng dụng tia laser trong xác định phương tuyến và mặt phẳng”.

 

Em Phan Thùy Linh tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi lần thứ X, năm 2017

Thiết bị được cấu tạo gồm hai phần chính:

Chân máy được chế tạo từ ống sắt mạ kẽm. Ống trong trượt trên ống ngoài nhằm đảm bảo chiều cao có thể thay đổi cho người đứng thao tác máy. Để hãm chiều cao chân máy khi điều chỉnh, nhóm ngiên cứu đã thiết kế các ốc hãm tại các khớp có tác dụng hãm khi đã xác định tầm cao vừa đủ để thao tác.

Đầu máy được cấu tạo từ các thiết bị như sau: Ốc cân bằng máy,đèn tia laser xác định phương,tia laser định điểm đặt máy,tấm thép cố định, tấm thép quay quanh trục, hệ đỡ trục quay đén laser.

Mô hình thiết bị ứng dụng tia laser để xác định phương tuyến và mặt phẳng

Sử dụng tia laser chiếu sáng đặt trên bàn xoay 360 độ có chia thước đo độ đặt song song với mặt đất để lấy phương tuyến cần đo. Căn cứ vào phương tuyến gốc, ta có thể triển khai các phương tuyến khác như 30 độ, 45 độ, 60 độ…so với phương tuyến gốc. Trong xác định mặt phẳng, ta điều chỉnh cho tia laser nằm song song với mặt đất và quay quét phạm vi cần xác định mặt phẳng với một chiều cao không đổi được xác định từ thước đo. Việc điều chỉnh quay của đèn và tấm thép số dùng hệ điều khiển từ xa để thuận tiện cho người thao tác.

Dựa vào các đặc điểm, tính chất của tia laser để tạo ra một thiết bị xác định phương tuyến và mặt phẳng với nhiều ưu điểm: có độ chính xác cao, phạm vi xác định rộng, dễ sử dụng, giá thành thấp, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực là một sáng tạo rất có ý nghĩa của hai học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân.

 

Trần Giải

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email