Đã qua 100 năm nhưng cuộc vận động khởi nghĩa Trung Kỳ cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để làm sáng tỏ. Từ tên gọi cuộc khởi nghĩa, tính chất của cuộc khởi nghĩa, tổ chức lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, vai trò người lãnh đạo và nhân vật chủ chốt trong đó có vua Duy Tân, lực lượng tham gia trong đó có vai trò quần chúng nhân dân và yếu tố người nước ngoài đến nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa đều là những vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Bài viết này cố gắng phân tích tư liệu để làm rõ nguyên nhân thất bại của cuộc vận động khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916.
Cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916 là một cuộc vận động khởi nghĩa lớn được nhiều sĩ phu yêu nước trên khắp các tỉnh Trung Kỳ hưởng ứng tham gia, trong đó có vua Duy Tân và một số quan chức của triều đình. Tuy thất bại nhưng đã để lại một dấu ấn đậm nét, sâu sắc trong dòng chảy lịch sử dân tộc, một niềm tự hào chính đáng của nhân dân và hoàng tộc nhà Nguyễn. Qua nghiên cứu có thể đưa ra các nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa như sau:
– Về vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916 do Việt Nam Quang Phục hội lãnh đạo và tổ chức, nhưng trên thực tế chưa tìm thấy một văn bản nào hoặc một nhân vật quan trọng của Hội mang tính chủ trương và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Hội trưởng Việt Nam Quang phục hội là Cường Để, người gắn bó với cách mạng Việt Nam và hoàng tộc nhà Nguyễn nhưng không thấy bóng dáng của vị Hội trưởng này trước, trong và sau khi vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Phó Hội trưởng – Tổng lý là Phan Bội Châu, người được Hội phân công phụ trách Trung Kỳ nhưng trong suốt thời gian này cụ Phan đang ở Trung Quốc và bị giam tại nhà tù ở Quảng Đông. Khi ở trong ngục, Phan Bội Châu có nghe tin buồn, đã viết: Vua Duy Tân cách mạng bị thất bại và Nam Xương tiên sinh tuẫn tiết (Nam Xương là danh hiệu của Thái Phiên)(1). Điều đáng lưu ý, lúc cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ nổ ra vào năm 1916, thì cũng là năm tổ chức Việt Nam Quang phục hội chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình sau hơn 4 năm hoạt động và bị đàn áp dã man nhất là sau cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ vào tháng 5 năm 1916. Công bằng mà nhận xét, cuộc vận động khởi Trung Kỳ vào năm 1916 tuy không có vai trò lãnh đạo của tổ chức Việt Nam Quang phục hội cấp Tổng bộ Trung ương Hội, nhưng các đảng viên của Hội ở Trung Kỳ rất tích cực liên kết các tầng lớp yêu nước trong đó có vua Duy Tân để tạo nên một cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Trung Kỳ kể từ sau phong trào Cần Vương (1885-1896).
Hai nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa là Trần Cao Vân và Thái Phiên thì chỉ có Thái Phiên là người của Việt Nam Quang Phục hội. Do vậy, nên cuộc khởi nghĩa dù hết sức quan trọng nhưng không được sự chỉ đạo từ Tổng vụ Bộ của Trung ương Hội nên Thái Phiên cùng một số hội viên khác không đủ tầm và khả năng tổ chức phối hợp chặt chẽ để thực hiện một cuộc khởi nghĩa có quy mô toàn miền và liên kết với các hội thành viên cùng các tổ chức yêu nước khác ở Bắc và Nam Kỳ.
Việc định ra Quốc kỳ “ ngũ tinh” nền vàng 5 ngôi sao đỏ và Quân kỳ nền đỏ 5 ngôi sao trằng (2) là yếu tố mới so với các cuộc khởi nghĩa trước đó. Tuy nhiên, vào thời điểm khởi nghĩa những người lãnh đạo tuy đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn không huy động được dân chúng nổi dậy và cũng không có đội quân chủ lực được đào tạo trong hoàn cảnh mới mà chủ yếu dựa vào 2.500 lính mộ sắp bị đưa sang Pháp và đội lính bảo vệ hoàng cung cùng sự hứa hẹn của viên sĩ quan người Đức ở đồn Mang Cá sẽ gây binh biến khi cuộc khởi nghĩa nổ ra. Lực lượng đó vừa yếu, vừa ô hợp lại thiếu sự chỉ huy thống nhất nên không thể tạo được lợi thế cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Trong khi đó, quân Pháp tại Huế và bộ máy cai trị thực dân ở các tỉnh Trung Kỳ còn rất mạnh. Việc sử dụng đội quân lính mộ là một thời cơ nhưng thời cơ này chưa chin muồi trên các phương diện chính trị, quân sự và quần chúng nên dẫn đến thất bại.
Tương quan lực lượng chênh lệch và thời điểm khởi nghĩa chưa đủ chin cũng là nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa.
Thành phần tham gia lãnh đạo và lực lượng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa có một điểm chung là lòng yêu nước nhưng hoàn cảnh xuất thân và vai trò tổ chức chính trị lại khác nhau. Ngoài những người thuộc Việt Nam Quang Phục hội như Thái Phiên, Khóa Bảo, Phạm Hữu Khánh, Phan Thành Tài, Đỗ Tự, Lê Ngung… còn các thành viên khác không đồng nhất về thành phần xuất thân và quan điểm đấu tranh.
Điều đó cho thấy sự thiếu thống nhất của những người chủ chốt trong việc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là một nhược điểm về lãnh đạo chỉ huy. Vua Duy Tân rất tin tưởng Trần Cao Vân- vốn là một lãnh tụ khới nghĩa Cần Vương ở vùng Nam Trung Kỳ trong giai đoạn cuối là điều dể hiểu và cũng là lý do để cuộc khởi nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam theo chế độ quân chủ lập hiến, khác với tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục hội là xây dựng nước Việt Nam Cộng hòa dân quốc theo Tổng thống chế. Nhà vua cũng rất nôn nóng có cuộc khởi nghĩa sớm để nhanh chóng thoát thân phận làm vua một nước nô lệ được thể hiện trong thời điểm đêm 3 tháng 5 năm 1916 bằng cuộc tấn công bất ngờ vào quân Pháp tại Huế và các tỉnh Trung Kỳ. Trên thực tế, vua Duy Tân đã xuất cung để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nhưng chờ đã qua khỏi giờ G mà tiếng súng lệnh ở kinh thành không được phát nổ và hỏa hiệu ở đèo Hải Vân cũng không được đốt sáng, báo hiệu cuộc khởi nghĩa bị thất bại trong ngày cuối cùng của thời kỳ thai nghén.
Cuộc khởi nghĩa bị lộ trước ba ngày tại Quảng Ngãi là do sơ suất về tổ chức khi một nhân vật tham gia khởi nghĩa ở đây tên Võ Cư vì tình riêng đã tiết lộ thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa cho người thân đang tòng sự tại dinh Án sát Quảng Ngãi (3) nên mọi sự chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Ngãi đã bị bóp chết lúc còn trứng nước; thế mà vua Duy Tân và những người chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa ở Huế vẫn không hay biết. Nhà vua vẫn xuất cung nên bị phát giác ngay sau đó, phải lẫn trốn, hai ngày sau bị bắt cùng với Trần Cao Vân cùng một số nhân vật quan trọng khác.
Cuộc khởi nghĩa không có đường dây nội tuyến tin cậy trong hàng ngũ của địch, mà trái lại bị phản bội do Pháp cài đặt tên mật thám Trần Quang Trứ làm Phán
sự Tòa Công sứ Pháp tại Thừa Thiên vào tổ chức khởi nghiã. Trứ được vua Duy Tân và Thái Phiên giao chỉ huy đánh vào Trấn Bình Đài (Mang Cá) (4). Đến 4 giờ sáng ngày 4 tháng 5 năm 1916. Mật thám Pháp bắt trọn các yếu nhân chỉ huy tiến đánh Tòa Khâm sứ và Trấn Bình Đài (5). Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, Công sứ Pháp giao cho Trứ theo dõi từng bước hoạt động của vua Duy Tân. Do vậy, sau khi nhà vua mới xuất cung bị Trứ phát hiện và báo cho Công sứ Pháp (6). Ngay cả tên Trùm Tồn làm nghề rao mỏ khi nghe tin vua Duy Tân ẩn náu trong một ngôi nhà ở xóm Ngủ Tây, thôn An Cựu đã tức tốc báo cho chính quyền địa phương, nên Tòa Khâm đã điều quân lính đến vây bắt nhà vua vào sáng ngày 6/5/1916.
Cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916 là một cuộc đấu tranh chính nghĩa nhưng bị thất bại vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, tổ chức non yếu, lỏng lẻo và quá nhiều sơ hở nên mật thám Pháp dễ chui vào trong tổ chức, một số người tham gia thiếu kiên định, thiếu một cuộc vận động sâu rộng trong dân chúng nên không thể huy động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa cần vương cứu nước, thậm chí có người đi báo với chính quyền khi phát hiện vua Duy Tân trên đường bôn tẩu.
Huế đầu não tập trung lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cao nhất ở Trung Kỳ như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Nguyễn Thuỵ, Lê Triết, Nguyễn Công Mậu, Đoàn Bổng… Huế cũng là nơi diễn ra hai cuộc hội nghị của bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa vào tháng 9 năm 2015 và tháng 2 năm 2016 đều do Thái Phiên triệu tập. Huế cũng là nơi tham gia nhiều lực lượng hùng hậu bao gồm: quan chức, quân đội triều đình, binh lính người Việt bị bắt đưa sang Pháp tham chiến với Đức, binh lính Pháp và Đức trong đội quân viễn chinh của Pháp được vận động làm nội ứng và cuộc nổi dậy của đông đảo dân chúng. Tuy thế nhưng cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại và bị đàn áp dã man.
Sau cuộc khởi nghĩa bất thành, vua Duy Tân không quay lại với ngai vàng và cũng không nghe lời dụ dỗ sau khi nhà vua bị bắt mà vẫn thực hiện lý tưởng chống Pháp của một vị vua yêu nước tinh thần đấu tranh bất khuất, không chịu làm nô lệ. Điều đó đã làm cho vua Duy Tân có vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc.
[1] Phan Bội Châu, Tự phán, NXB Văn hóa Thông tin, 2000, tr.210-211. Năm 1934,Phan Bội Châu có bài thơ Khóc Nam Xương, in trong sách Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1926-1940), Trần Anh Vinh- Chương Thâu sưu tầm, tuyển chọ, hiệu đính, NXB Thuận Hóa, 1987, tr.139.
[2] Phan Bội Châu, Tự phán, NXB Văn hóa Thông tin, 2000, tr.186.
[3] Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện ba vua Dục Đức Thành Thái Duy Tân, NXB Thuận Hóa, 1995, tr.291-292.
[4] Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân- Những khuôn mặt tiêu biểu, NXB Văn hóa Thông tin, 2006 ,tr.443.
[5] Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân- Những khuôn mặt tiêu biểu, NXB Văn hóa Thông tin, 2006 ,tr.448.
[6] Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, NXB Thuận Hóa, 1996, tr. 64.
PGS.TS. Đỗ Bang
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế