Sáng ngày 31/1/2020 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố việc bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Sau khi được phát hiện từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chủng virus Corona này đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ số lượng hơn 1.600.000 trường hợp bị lây nhiễm, hơn 95.000 trường hợp tử vong trong 209 quốc gia và lãnh thổ, trong đó, Việt Nam đã ghi nhận 255 trường hợp bị lây nhiễm (nguồn số liệu từ BYT, tính đến hết ngày 09/04/2020).
Trong khi dịch COVID-19 tiếp tục có mặt và lan rộng, các cộng đồng cần hành động quyết liệt để ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và hỗ trợ các biện pháp kiểm soát.
Đứng về phía góc nhìn của chuyên gia về lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng, một số lời khuyên sau đây được khuyến cáo đến từng người dân để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và của gia đình như sau:
– Rửa tay thường xuyên và thật kỹ để làm sạch tay của bạn bằng các loại dung dịch có cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước. Việc này sẽ diệt được virus có thể có trên tay bạn.
– Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Tay chạm vào nhiều bề mặt và có thể nhiễm virus. Sau khi bị nhiễm bẩn, tay có thể truyền virus sang mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Từ đó, virus có thể xâm nhập vào cơ thể bạn và có thể khiến bạn bị bệnh.
Khuyến cáo về chăm rửa tay và đừng sờ vào mặt, dù rất đơn giản nhưng thật ra tạo thói quen này không phải là dễ dàng. Khó khăn gặp phải ở đây là phải nhớ lúc ra ngoài lúc nào cũng phải rửa tay và giữ tay luôn sạch trong vô vàng những hoạt động từ đi chợ, đi làm, hoặc lỡ tiếp xúc các bề mặt nhiễm bẩn … Vì vậy, việc thay đổi và xác lập những thói quen mới trong thời điểm này khá quan trọng.
– Duy trì sự giãn cách xã hội (social distancing). Theo WHO, duy trì khoảng cách ít nhất 1m giữa bạn và bất cứ ai, đặc biệt là người đang ho hoặc hắt hơi. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo khoảng cách này là 2m. Khi một người nào đó ho hoặc hắt hơi, họ sẽ phun những giọt bắn (giọt chất lỏng nhỏ) từ mũi hoặc miệng có thể chứa virus. Nếu bạn ở quá gần, bạn có thể hít vào những giọt bắn chứa cả virus Corona chủng mới nếu người ho bị bệnh.
– Thực hành vệ sinh đường hô hấp. Tuân thủ tốt vệ sinh đường hô hấp có nghĩa là che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Sau đó vứt bỏ giấy đã sử dụng ngay lập tức tại đúng nơi quy định. Đó là cách hạn chế giọt bắn chứa virus, không những virus gây bệnh COVID-19 mà cả cảm lạnh hay cúm khác. Ngoài ra, mang khẩu trang khi ra ngoài kể cả khi làm việc là một biện pháp được khuyến cáo tại Việt Nam. Mặc dù các bằng chứng khoa học chưa chứng minh sự khác biệt có ý nghĩa một cách rõ ràng giữa việc mang khẩu trang trong phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, mang khẩu trang y tế đối với người nhiễm bệnh có thể hạn chế phát tán virus ra môi trường bên ngoài. Đối với người khoẻ mạnh, ngay cả mang khẩu trang vải bình thường cũng góp phần hạn chế sự xâm nhập của virus gây bệnh. Một điều cần lưu ý, tránh tư tưởng quá tự tin ở những người mang khẩu trang mà bỏ qua các biện pháp quan trọng khác như rửa tay và tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
– Nếu ai có các triệu chứng như sốt, ho và khó thở, hãy đi khám sớm và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Trung thực khai báo yếu tố dịch tễ không những bảo vệ sức khoẻ bản thân mà còn cho cộng đồng, đồng thời tuân thủ cách ly 14 ngày theo quy định nếu bạn trở về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người bệnh.
– Khai báo y tế và thực hiện theo những lời khuyên từ phía nhân viên y tế, đặc biệt từ địa phương cộng đồng nơi mình cư trú. Luôn cập nhật tình hình mới nhất về dịch bệnh COVID-19, thực hiện những khuyến cáo về bảo vệ sức khoẻ đưa ra từ nhân viên y tế, hoặc từ chính quyền địa phương, vì chính họ là những người hiểu rõ nhất về việc nên làm trong thời điểm hiện tại tại địa bàn.
Tại Việt Nam, từ ngày 1/4/2020, Chỉ thị 16 của Thủ Tướng chính phủ có đặt vấn đề về cách ly xã hội trong thời gian 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã khuyến cáo10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn từ phía Chính quyền để góp phần bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh những lời khuyên cơ bản về chăm sóc sức khoẻ bản thân và gia đình (vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, hoạt động thể lực tại nhà…), vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần trong thời gian COVID-19 cũng cần quan tâm, không những là những đối tượng phơi nhiễm cao như nhân viên y tế, hoặc bộ phận làm việc trực tiếp với đối tượng nghi nhiễm cần cách ly, mà cả những thành phần khác trong cộng đồng như trẻ em và thanh thiếu niên (UNICEF, 2020a, 2020b), đặc biệt chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật và người có thu nhập thấp…
Lúc trường học đóng cửa, cách ly xã hội được áp dụng, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người và nhiều sự kiện quan trọng bị huỷ bỏ, trẻ em và nhiều thanh thiếu niên sẽ là những đối tượng phải đối mặt với nỗi lo lắng, thất vọng và chán nản hơn so với người lớn có nhiều trải nghiệm trong giai đoạn này. Vì vậy, sự hỗ trợ từ phía gia đình luôn luôn là một giải pháp tốt trong thời điểm hiện tại. Bố mẹ cần bình tĩnh và chủ động chia sẻ thông tin cho con cái, tuy nhiên không thái quá chia sẻ nỗi lo lắng của người lớn về dịch bệnh cho trẻ, luôn kiểm chứng những thông tin mà trẻ có thể thu nhận được. Dành nhiều thời gian hơn với hoạt động với trẻ em tại nhà, lắng nghe và thấu hiểu những lo lắng của con về dịch bệnh cũng như các vấn đề khác, hướng dẫn những biện pháp bảo vệ bản thân theo khuyến cáo. Đồng thời, tìm kiếm những cách thức mới để bù đắp lại những thiếu hụt về giao tiếp bình thường với bạn bè, người xung quanh như thông qua hỗ trợ của mạng xã hội để kết nối hỏi thăm bạn bè đối với thanh thiếu niên, tổ chức những hoạt động nhỏ cho tất cả thành viên tham gia, hình thành thói quen đọc sách giảm căng thẳng, giúp đỡ con trong việc học tại nhà…
Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, Đại học Y Dược Huế vào đầu tháng 4/2020, với 2.197 đối tượng tham gia là người dân đại diện hơn 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho thấy hơn 70% người dân có mức độ từ cao rất cao liên quan đến điều chỉnh hành vi giãn cách xã hội và 90% áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của chính quyền và Bộ y tế. Việt Nam hiện là quốc gia có chiến lược phòng chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả dù điều kiện về nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, bước đầu đã được WHO và nhiều quốc gia đánh giá cao. Tuy nhiên, thành công này sẽ tiếp tục được duy trì hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng trong việc tham gia và thực hiện nghiêm túc chính sách quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tính nhân văn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chính quyền và ngành y tế Việt Nam trong thời gian sắp đến.
Thách thức và dự báo khó lường của đại dịch COVID-19 vẫn còn phía trước, chúng ta hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng đoàn kết mạnh mẽ hơn, khôi phục niềm tin của cộng đồng và xã hội, vượt qua sự khác biệt văn hóa, để cùng chung tay chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn lực phù hợp với các nhóm đích trong hoạt động dự phòng và điều trị kiểm soát dịch bệnh nhằm giảm nhanh sự lây lan dịch và tử vong cho người dân trên toàn cầu.
PGS.TS. Võ Văn Thắng, TS.BS. Nguyễn Hoàng Thuỳ Linh, Th.s. BS. Nguyễn Phúc Thành Nhân
Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, trường Đại học Y Dược Huế
Hội Y tế công cộng và Y học dự phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế
BộYTẾ. (2020). Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Retrieved from
UNICEF. (2020a). 6 cách để cha mẹ giúp con vượt qua dịch COVID-19. Retrieved from https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/6-c%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%83-cha-m%E1%BA%B9-gi%C3%BAp-con-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qua-d%E1%BB%8Bch-covid-19
UNICEF. (2020b). Cách thanh thiếu niên bảo vệ sức khỏe tinh thần trước đại dịch COVID-19. Retrieved from https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/c%C3%A1ch-thanh-thi%E1%BA%BFu-ni%C3%AAn-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-s%E1%BB%A9c-kh%E1%BB%8Fe-tinh-th%E1%BA%A7n-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19
WHO. (2020). Coronavirus disease (COVID-19) advice for the public. Retrieved from https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public?fbclid=IwAR0WADcgo2IW2L-x0e-KS2V8yZrjneSH9BA6R_q6fgX0LiVgr-b3G8cc2G8