Mổ thành công cấy tim nhân tạo bán phần lần đầu tiên tại Việt Nam

Sau hơn nửa tháng phẫu thuật ghép tim nhân tạo bán phần (heartware), anh Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, quê xã Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy, Quảng Bình) đã hoàn toàn bình phục. Đó là tin vui do bác sĩ Đặng Thế Uyên – trưởng khoa gây mê hồi sức tim mạch của Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Huế – cho biết vào sáng 23-6. Bác sĩ Uyên nói với diễn biến tốt như hiện nay, anh Biên có thể xuất viện trong vài tuần tới.

Làm chủ kỹ thuật hiện đại

Ngày 6/6, lần đầu tiên ở Việt Nam, êkip y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế với sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Saint Vincent (Úc) đã thực hiện ghép tim nhân tạo cho ngư dân Hoàng Quốc Biên bị mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật kéo dài năm giờ. GS,TS Bùi Đức Phú – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, người chủ trì ca ghép tim nhân tạo – cho biết khoảng 50 người tham gia ca ghép tim nhân tạo bán phần gồm các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể…

Về kỹ thuật ghép tim nhân tạo bán phần, GS,TS Bùi Đức Phú cho biết một thiết bị nhân tạo được gắn kết vào tim người bệnh nhằm hỗ trợ chức năng cho một phần quả tim (tâm thất trái hoặc tâm thất phải) đang bị suy yếu, giãn cơ tim giai đoạn cuối. Khác với việc ghép tim nhân tạo toàn phần là phải cắt bỏ quả tim bệnh nhân rồi cấy vào đó một quả tim nhân tạo có đủ chức năng của một quả tim, tim nhân tạo bán phần có nguồn điện cung cấp từ bên ngoài, tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong quả tim nhân tạo. Nó hỗ trợ sức đẩy dòng máu, bơm máu lưu chuyển qua các kháng lực trong hệ tuần hoàn của người bệnh.

Nhiều cơ hội cho bệnh nhân tim

Theo GS,TS Bùi Đức Phú, sau khi cấy tim nhân tạo bán phần, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ chế độ bệnh lý tim mạch, đặc biệt tuân thủ liệu pháp kháng đông (uống thuốc chống đông máu) như người có van tim nhân tạo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể hoạt động, làm việc gần như bình thường. Đã có bệnh nhân sống bảy năm bằng quả tim nhân tạo heartware này với chất lượng cuộc sống tốt hơn. Về chi phí ghép tim, GS,TS Bùi Đức cho biết: “Hiện chúng tôi chưa tính được chi phí cho mỗi ca ghép tim nhân tạo. Tuy nhiên ước tính ban đầu cho thấy chi phí rất cao. Trường hợp bệnh nhân Biên được ghép tim nhân tạo bán phần nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Bộ Khoa học – công nghệ đầu tư và Bộ Y tế cho phép, do đó được miễn chi phí phẫu thuật. Trong tương lai gần, Nhà nước sẽ có chính sách để phát triển nhiều hơn các ca cấy ghép tim nhân tạo về mặt số lượng, lúc đó giá thành sẽ giảm và bệnh nhân Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ kỹ thuật hiện đại này”. Hiện ở Hoa Kỳ có tới hàng nghìn ca ghép tim nhân tạo mỗi năm. Nhật Bản là quốc gia phát triển kỹ thuật này nhất ở châu Á với gần 200 ca/năm. Tuy nhiên ở Đông Nam Á kỹ thuật này còn rất ít, trong năm 2013 Singapore ghép 12 ca, còn Malaysia bốn ca.

Bác sĩ Uyên cũng cho biết thêm nguồn điện để chạy quả tim nhân tạo được cung cấp từ bên ngoài (nối trực tiếp vào người bệnh nhân) nên sau khi xuất viện, bệnh nhân phải làm chủ được bộ điều khiển nhân tạo này để kích hoạt quả tim “sống”. “Bộ điều khiển được nhập từ nước ngoài, chỉ có ngôn ngữ tiếng Anh, do đó bệnh viện phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn bệnh nhân thao tác thành thạo trước khi xuất viện” – bác sĩ Uyên nói.

Anh Hoàng Quốc Biên tâm sự: “Tui bị bệnh tim hơn mười năm trước, nhưng nhà nghèo không có tiền phẫu thuật mà chỉ mua thuốc về điều trị ngoại trú. Hôm nghe bác sĩ báo mình được chọn phẫu thuật trong chương trình ghép tim nhân tạo, tui vừa mừng vừa lo. Mừng vì đó là cơ hội sống cuối cùng, nhưng lo vì có thể ca mổ không thành công, tui sẽ không còn cơ hội sống mà các con tui còn quá nhỏ. Giờ thì tui đã được cứu sống và tiếp tục hi vọng”.

Phương Nguyễn

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email