Sáng nay (26/3), tại sân vận động Tự do, thành phố Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh long trọng tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 – 26/3/2015).
Dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, Phó Tư lệnh quan khu 4; đồng chí Khăm-bun Đuông -Pa-Nha, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; đại diện Ban liên lạc Câu lạc bộ Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên B4 – B5 tại Quân khu 4.
Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Phùng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cán bộ tiền khởi nghĩa, các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động; đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố Huế.
Trong bài diễn văn ôn lại lịch sử 40 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế và quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong 40 năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nêu rõ: Cách đây vừa tròn 40 năm – trong những ngày tháng Ba lịch sử, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Trong khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân Thừa Thiên Huế đã chủ động, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, nhất tề đứng lên, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các lực lượng chủ lực và các mũi tiến công, đánh địch trên toàn chiến trường Trị – Thiên mà trọng tâm là thành phố Huế. Chỉ trong 22 ngày đêm, quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng với lực lượng của Quân đoàn II, Quân khu Trị Thiên, các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng tấn công địch từ bên ngoài, nổi dậy từ bên trong, tạo thành các mũi giáp công, đập tan hệ thống quân sự trọng yếu, tấm lá chắn mạnh nhất của quân Ngụy ở phía Bắc, giành quyền làm chủ.
Để có được niềm vui của ngày hôm nay, cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 100 nghìn người có công cách mạng, trong đó có gần 19.000 liệt sỹ, 13.000 thương bệnh binh; 1.242 bà Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 22 Anh hùng lực lượng vũ trang; gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; 30 nghìn người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
40 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, đất nước nở hoa độc lập, Thừa Thiên Huế đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân hơn 10% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực “du lịch, dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp”; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm có lợi thế so sánh, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đến nay, du lịch, dịch vụ chiếm 55,3% GDP của tỉnh, công nghiệp – xây dựng chiếm 34,1%, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 10,6%. Tổng thu ngân sách năm 2014 gần 5.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt.
Tự hào, phấn khởi với những thành tựu đã đạt được, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí; linh hoạt, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó, tập trung tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh; lấy dịch vụ – du lịch làm hạt nhân phát triển; phát triển công nghiệp làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thi
Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệmPhát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Quang Nghị, nhấn mạnh: Chiến thắng ngày 26/3 giải phóng Thừa Thiên Huế, đây là thắng lợi hết sức to lớn, rực rỡ, là sự kiện lịch sử vẻ vang nhất của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế trong suốt 21 năm ròng rã kháng chiến chống Mỹ, góp phần cùng cả nước thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Từ khi đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vượt lên những khó khăn, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chống chọi với thiên tai, vừa tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong tỉnh. Đặc biệt, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến vượt bậc, có tính toàn diện, đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thành phố Huế vinh dự là thành phố đầu tiên của Việt Nam được trao danh hiệu “Thành phố văn hóa của ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và Đảng viên được nâng lên, đoàn kết trong Đảng được tăng cường, dân chủ hóa xã hội được mở rộng, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu.
Đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định: Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm cao của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu, là kết quả của cuộc đấu tranh đầy cam go giữa thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, cải tạo và phát triển, giữa năng động, sáng tạo với trì trệ, bảo thủ. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự giúp đỡ, hợp tác của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Để tiếp tục đưa tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, xứng tầm là trung tâm lớn của khu vực miền Trung và của cả nước, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Phạm Quang Nghị chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang của dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, biến Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam thành sức mạnh tinh thần và vật chất, quyết tâm thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2015; tổ chức thắng lợi Đại hội Đảng các cấp; quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng-an ninh.
Đinh Văn Chung