Làm giàu nhờ mô hình nuôi ong lấy mật

Ông Lưu giới thiệu kỹ thuật nuôi cho khách người nước ngoài

Nhắc đến những người thành công với mô hình nuôi ong ở Thừa Thiên Huế, không ai quên nhắc đến cái tên Trần Bá Lưu, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Thừa Thiên Huế.

Không phải là người đầu tiên nuôi ong ở Thừa Thiên Huế nhưng ông Lưu lại là người có tiếng trong vùng với việc phát triển đàn ong ngoại. Ngày trước, ông sống cùng gia đình tại vùng núi xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, Ông nội và các bác trong thôn nuôi ong lấy mật, thỉnh thoảng ông được cho thưởng thức mật ong ngọt lịm. Ông yêu thích nghề nuôi ong từ đó. Hằng ngày, ông đi theo ông nội vào rừng học cách phát hiện dấu vết đàn ong, cách bắt ong cho vào các thùng, làm chân tầng để ong làm mật và kỹ thuật nuôi nhốt tại nhà. Vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm qua thực tế, ông Lưu nắm được tường tận quy trình nuôi ong lấy mật và dần thành thục với việc nuôi ong.

Đến khi chuyển vào Huế sinh sống, ông cũng theo nghiệp nuôi ong. Ông đi các xã vùng núi bắt ong rừng về nuôi. Lúc đó, phát triển đàn ong rất khó nên ông cũng chỉ nuôi với quy mô nhỏ. Phong trào nuôi ong ngoại phát triển ông bắt tay vào nuôi ong. Năm 2009, ông được mời vào tham gia BCH Hội Nuôi ong tỉnh, từ đây ông có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển đàn ong. Tham gia nhiều hội thảo khoa học, các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong cùng với những kinh nghiệm của bản thân giúp ông ngày càng thành công với nghề.

Theo ông Lưu, nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích “ăn xổi ở thì”, không chịu khó đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công. Như 2 người đã từng theo ông học bây giờ đang đi khai thác mật ở Tây Nguyên, họ vừa chịu khó, vừa đam mê nên với 100 đàn ong, mỗi năm họ đều có lãi từ 50 triệu đến gần 200 triệu đồng. Cũng có những người theo học vài năm vẫn chưa thuần thục, như đứa cháu của ông, ông đầu tư cho nuôi 100 đàn đi các tỉnh đến phía nam, thế mà chẳng lãi được đồng nào, thậm chí còn bù lỗ.

Những năm trước, ông nuôi ong ở xã Phú Sơn (Hương Thủy) nhưng hiện trại ong của ông mới được chuyển về vùng đồi thuộc xã Thuỷ Phù, thị xã Hương Thuỷ với gần 130 đàn. Bình quân, mỗi năm ông thu được gần 2.000 lít mật nguyên chất, lãi trên 100 triệu đồng. Ông còn thường xuyên giúp đỡ kinh nghiệm và sẵn sàng cung cấp giống ong và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi ong tại địa phương ngày càng phát triển.

Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Thừa Thiên Huế. Những năm trước, những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong như: keo, tràm; nhất là sau khi Dự án “Phát triển nuôi ong cho người dân tộc thiểu số và người dân nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam” do Hội Nuôi ong Đan Mạch – DBF tài trợ trong đó có Thừa Thiên Huế. Dự án được triển khai ở xã Bình Thành và xã Bình Điền, thị xã Hương Trà không chỉ giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp hiện đại, hiểu biết về tác dụng của việc nuôi ong đối với môi trường sinh thái, mà còn mở ra hướng thoát nghèo cho người nông dân, giúp nghề nuôi ong ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị như nhiều nông sản khác.

Mới đây, bà Lotta Fabricius Kristiasen (Chủ tịch Tập đoàn Nuôi ong Đan Mạch) cùng đoàn tham quan là những thành viên của Hội Nuôi ong các nước Đan Mạch, Bỉ, Thuỷ Điển, Úc đã có chuyến thăm trại ong của ông Lưu. Sau khi nghe giới thiệu về tình hình cũng như khả năng phát triển đàn ong trên địa bàn Thừa Thiên Huế, bà Lotta hứa sẽ kêu gọi các dự án nuôi ong của Đan Mạch và các nước đầu tư cho Huế để phát triển đàn ong. Đây là một tín hiệu vui cho những người đang và có ý định gắn bó với nghề này.

Nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, quan sát diễn biến của đàn ong trong từng thời điểm để có cách chăm sóc phù hợp. Khó khăn nhất trong việc nuôi ong là làm sao giữ được đàn ong trong thời gian mưa rét để nhân giống cho vụ sau.

Hoàng Thảo Nguyên

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email