Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XIV đã nhận định: “Thừa Thiên Huế là địa bàn có thiết chế về khoa học – công nghệ khá hoàn chỉnh với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành; có đội ngũ cán bộ khoa học đứng hàng thứ ba của cả nước…, là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trong những trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước”.
Thừa Thiên Huế có khoảng 50 tổ chức nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc các thành phần kinh tế, trong đó 10 trường đại học, 3 khoa trực thuộc, 7 trường cao đẳng và 1 trường đại học ngoài công lập và nhiều tổ chức ngoài nhà nước. Thừa Thiên Huế còn có một hệ thống các tổ chức KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực gồm các học viện, viện, phân viện nghiên cứu, các trung tâm, chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN trung ương, vùng, miền với đội ngũ trên 20.000 trí thức KH&CN. Trong đó, Đại học Huế bao gồm 7 trường đại học thành viên, 3 khoa và 5 trung tâm trực thuộc, 6 trung tâm đào tạo và phục vụ đào tạo với đội ngũ cán bộ giảng dạy gồm 200 giáo sư, phó giáo sư, 432 tiến sĩ, hơn 800 thạc sĩ, đã và đang tạo dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và các tổ chức trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò của đại học vùng, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; hệ thống ngành, nghề đào tạo không ngừng phát triển với 93 ngành đào tạo cử nhân, 64 ngành đào tạo thạc sĩ và 24 ngành đào tạo tiến sĩ. So với nhiều địa phương khác trong cả nước, nguồn nhân lực Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực y khoa, khám chữa bệnh ở trình độ cao, đặc biệt có một số chuyên khoa hàng đầu của cả nước. Trường đại học Y Dược Huế với 5 giáo sư tiến sĩ, 45 phó giáo sư tiến sĩ, 46 tiến sĩ, 188 thạc sĩ là cơ sở để tạo nguồn nhân lực y tế lớn của cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện chức năng khám chữa bệnh cao nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bệnh viện hiện có hơn 2016 cán bộ viên chức, trong đó cán bộ đại học và sau đại học là 419, bao gồm 3 thầy thuốc nhân dân, 36 thầy thuốc ưu tú, 22 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và 224 thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 20 năm xây dựng và phát triển, là đơn vị đi đầu trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức khoa học và công nghệ; tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và phổ biến kiến thức cho quần chúng; thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Trình độ nhận thức, ứng dụng KH&CN ngày càng được nâng cao. Hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN không ngừng được kiện toàn, từng bước phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động. Đầu tư nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng. Nhiều đơn vị được trang bị, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.
Năng lực nghiên cứu và triển khai của các tổ chức KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay khá mạnh. Với mạng lưới các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và triển khai, trong đó có nhiều trường đại học và các viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu; 136 phòng thí nghiệm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm; hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN không ngừng được kiện toàn, từng bước phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động. Đầu tư nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng. Nhiều đơn vị được trang bị, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.
Thừa Thiên Huế có đủ khả năng vươn lên trở thành một trung tâm KH&CN quốc gia. Trong hơn 25 năm đổi mới, KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước.
Thực tiễn đã khẳng định rằng: KH&CN là một nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nó là điều kiện để mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường.
Sự quyết tâm của toàn đảng, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện bằng Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Một câu hỏi lớn đặt ra cho đội ngũ trí thức KH&CN làm gì để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước trong bối cảnh nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế – xã hội chưa cao, Công tác quản lý KH&CN chậm đổi mới, Một số cán bộ khoa học chưa dồn hết tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu, chưa trăn trở với những vấn đề bức xúc về KH&CN do thực tiễn đặt ra. Đầu tư từ ngân sách cho hoạt động KH&CN còn thấp. Thiếu các chính sách khuyến khích phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Tọa đàm “Đội ngũ trí thức làm gì để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ” là chuổi hoạt động chào mừng ngày khoa học và công nghệ Việt nam, cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến một số thành tựu KH&CN nổi bật, diễn đàn gặp gỡ và trao đổi của các nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ trí thức KH&CN và xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà nói chung và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước nói riêng.
Trong quá trình chuẩn bị cho buổi tọa đàm, ban tổ chức đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng sâu rộng của đội ngũ trí thức, đội ngũ các nhà khoa học của Thừa Thiên Huế. Vì thời gian của hội nghị có hạn, ban tổ chức chỉ chọn 6 tham luận cho tọa đàm này.
Có thể nói, Tọa đàm này đã được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương, các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và của lực lượng trí thức KH&CN. Với sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nội dung phong phú của các tham luận và các ý kiến, tọa đàm đã đem lại sự phấn chấn, sự đoàn kết quyết tâm nỗ lực của đội ngũ trí thức KH&CN cùng của toàn đảng, hệ thống chính trị phát huy tiềm năng và thế mạnh để xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành trung tâm KH&CN của cả nước theo tinh thần nghị quyết của hội nghị lần thứ năm của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 khóa XIV.
Mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước với hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y dược…, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh” là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng trong đó đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng vai trò đặc biệt hết sức quan trọng.
GS, TS Trần Hữu Dàng