Giảm sức nghe ở tuổi teen có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dùng tai nghe nhạc ở tần suất lớn, dài kỳ và mới đây các chuyên gia ĐH New York Mỹ (NYU) còn phát hiện thấy, hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây giảm thính lực tiềm ẩn ở nhóm tuổi này.
Theo nghiên cứu, hút thuốc lá thụ động, gọi tắt là SHS (passive smoking hay secondhand smoke) nghĩa là, người không hút thuốc sống chung với người hút thuốc và hít phải khói thuốc của người hút phả ra, nguy hiểm không khác gì người nghiện thuốc, nhất là trẻ nhỏ, người già và phụ nữ có thai. Tiêu biểu như tạo ra các vấn đề bất an về hành vi, bệnh phổi và bệnh viêm tai. Kết luận của NYU được rút ra từ nghiên cứu ở 1.533 trẻ, tuổi trung bình từ 12-19, nhóm người này được kiểm tra sức khỏe thể chất, đặc biệt là kiểm tra sức nghe, thử máu để biết nồng độ cotinine, một loại sản phẩm phụ khi phơi nhiễm nicotine.
Kết quả, 12% trẻ phơi nhiễm SHS bị giảm thính lực ở một tai so với 8% ở nhóm không phơi nhiễm khói thuốc. Trong thực tế có tới 80% số trẻ bị suy giảm thính lực vì SHS lại không được khám và điều trị hịp thời nên bệnh suy giảm thính lực ngày càng trầm trọng. Dr. Josepha Difranza, chuyên gia tai mũi họng, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay, từ lâu mối nguy hại vì khói thuốc lá đã được khoa học cảnh báo, nhưng ảnh hưởng gây giảm thính lực thì ít được quan tâm.
Vì lý do trên, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người nên tránh xa khói thuốc, nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, không nên hút thuốc lá trong môi trường kín, đặc biệt trong những gia đình có người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
Theo Nông nghiệp Việt nam