Giáo dục kiến thức mộng thịt

Mộng thịt là khối tăng sản xơ mạch của kết mạc nhãn cầu ở góc trong hoặc góc ngoài mắt từ rìa hướng vào trung tâm giác mạc. Từ mộng thịt tương đương với Pterygium, một thuật ngữ được Walton đề xuất năm 1875 và theo tiếng Hy Lạp cổ nó có nghĩa là cánh nhỏ (Pterue).

Mộng thịt thường gặp ở những vùng khí hậu nóng ẩm, nhiều ánh sáng mặt trời, gió bụi, đông dân và các công việc ngoài trời. Những người da màu ít có nguy cơ bị mộng thịt hơn những người da bị rám nắng, vùng gần xích đạo bị nhiều hơn. Nếu không mang kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ tăng nguy cơ bị mộng thịt.

Hiện có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây bệnh mộng thịt, trong đó có thuyết về vi chấn thương, về tia cực tím, về sự rối loạn tế bào mầm ở vùng rìa … song chưa có giả thuyết nào tỏ ra thuyết phục hoàn toàn. Những nghiên cứu sinh học phân tử gần đây cho rằng gen p53 có liên quan đến việc hình thành khối u cũng như hình thành mộng.

Nước ta nằm trong vùng dịch tễ của bệnh mộng thịt với nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 1996 cho thấy bệnh mộng thịt chiếm tỷ lệ 5,24% trong tổng dân số điều tra. Tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ người bị mộng thịt là 6% (1987), và 4,96% (1996) trên tổng số điều tra cộng đồng dân cư là 4.312 người.

Mộng thịt tiến triển ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, sinh hoạt của bệnh nhân, như gây kích thích , chảy nước mắt, đỏ mắt, giảm thị lực thậm chí dính mi cầu hạn chế vận nhãn, có thể gây mù lòa do mộng thịt che khuất trục quang học.

Mộng nguyên phát thường tiến triển rất chậm trong hàng chục năm, cũng có thể rất nhanh trong vòng vài tháng. Quá trình hình thành mộng thường trải qua 2 giai đoạn:

– Giai đoạn kết mạc: thường kéo dài đôi khi cả cuộc đời mà không chuyển sang giai đoạn sau với những biểu hiện đơn thuần ở kết mạc:

+ Phù kết mạc rìa

+ Xung huyết nhẹ kết mạc khe mi

+ Giãn mạch kết mạc

+ Mào cạnh rìa (co kéo kết mạc nhãn cầu về phía rìa)

+ Bệnh nhân thường có những triệu chứng kích thích nhẹ kiểu dị vật, đặc biệt khi đi gió, nắng.

– Giai đoạn giác mạc: biểu hiện sự xâm lấn của kết mạc nhãn cầu vào giác mạc hình thành mộng điển hình

Điều trị nội khoa không có hiệu quả về thực thể đối với mộng thịt, chỉ làm giảm triệu chứng trong những đợt viêm kích thích mà phẫu thuật là cần thiết.

Hiện nay, ở nước ta chủ yếu phẫu thuật mộng thịt bằng phương pháp cắt mộng ghép kết mạc tự thân cho tỷ lệ tái phát thấp từ 5 – 10% tùy theo các tác giả, và tùy theo thời gian nghiên cứu. Phẫu thuật ghép kết mạc tự thân là một dạng của ghép bề mặt ngoài nhãn cầu nhờ một mảnh ghép kết mạc rời lấy từ kết mạc nhãn cầu phía thái dương trên và khâu đính vào củng mạc ở vị trí vừa cắt bỏ mộng thịt.

Ghép KMTT không có cuống Ghép KMTT có cuống

(hình ABCD tịnh tiến thành hình A’B’C’D’) (hình AEBCD xoay thành hình AE’B’C’D’)

Các biện pháp phòng bệnh bao gồm:

– Tránh tiếp xúc với các môi trường kích thích như gió, bụi, khói, cát…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

– Dùng kính, mũ, nón khi ra ngoài để cản bớt ánh nắng và tránh tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đức Anh (1995) “Thoái hóa biểu mô” Bệnh học mi mắt kết giác mạc NXB Y học, Tập 8, Tr 141-142.

2. Bộ môn mắt trường Đại học Y Hà Nội (2005) Mộng thịt Bài giảng nhãn khoa bán phần trước NXB Y học, Tr 83-91.

3. Hoàng Minh Châu (2001) “ Ghép kết mạc rìa tự thân điều trị mộng tái phát” Kỷ yếu khoa học ngành Mắt 2001-2002.

4. Jack J. Kanski (2010) “ Degenerations” Clinical Ophalmology pp82-94.

Donald TAN, Sao-Bing LEE, Jessica Marie ABANO (2006) “Pterygium”, Clinical Opthalmology-An Asian Perspective, 3(2), pp. 207-216.

BSCKII. Dương Nguyễn Thanh Sơn

Chi Hội Nhãn khoa Thừa Thiên Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email