Gần 4,5 tỷ đồng cho hai dự án chống chịu với lũ lụt ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1401/QĐ-UBND và Quyết định số1402/QĐ-UBND về phê duyệt 02 dự án Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ở vùng đô thị và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án nằm trong chương trình “Quản lý tài nguyên nước toàn cầu”. Với nguồn vốn là 175.000USD (tương đương gần 4,5 tỷ đồng), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội – tổ chức Phi Chính phủ địa phương tại Huế và Viện Khoa học Môi trường và Trái đất của trường Đại học Postdam – Đức – đối tác chính của dự án sẽ thực hiện các hoạt động liên quan, dự án này sẽ kéo dài từ năm 2017 – 2018.

 

Nằm ở khu vực miền Trung của Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương thường chịu những tổn thương cao do các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan. Cả chính quyền địa phương cũng như các tổ chức hoạt động vì môi trường đã nhận thấy những tác động tiêu cực này cũng như đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu. Tuy nhiên, đa số các biện pháp đều là biện pháp công trình, tính hiệu quả chưa cao, chưa được kiểm chứng về điểm mạnh và điểm yếu của giải pháp. Thực tế cho thấy cần đưa ra các giải pháp mang tính kết nối với sự tham gia, hỗ trợ từ phía cộng đồng cũng như có khả năng nhân rộng ở các địa phương khác. Dự án lần này thực hiện dựa trên phương pháp tăng cường khả năng chống chịu, tích hợp sáng kiến thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA). Đây là phương pháp tiếp cận từ dưới lên, toàn diện và cung cấp phương tiện tiềm năng để tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai (DRM) và tài nguyên.

Tăng khả năng chống chịu với lũ lụt từ khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế…

Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ cho cộng đồng trước các thiên tai, đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lở. Với lợi ích và tiềm năng rừng ngập mặn đem lại, kế hoạch giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến trồng khoảng 200 ha rừng ngập mặn và 1 triệu cây ngập mặn phân tán trong các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ao hồ nuôi trồng thủy sản, góp phần giúp người dân hạn chế, thích ứng với BĐKH.

 

Dự án sẽ chú trọng phát triển diện tích rừng ngập mặn tại khu vực đầm phá Tam Giang.

Hoạt động chính của dự án này sẽ tiến hành lượng giá giá trị của EbA ở khu vực rừng ngập mặn huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà, xác định giá trị của dịch vụ hệ sinh thái trong bối cảnh địa phương. Thực hiện EbA ở khu vực phá Tam Giang, theo đó sẽ có 26.000USD đầu tư trực tiếp cho việc trồng thêm rừng ngập mặn ở vùng ven biển tỉnh. Dự án sẽ trồng rừng ngập mặn tại 2 hoặc 3 địa điểm ở đầm phá Tam Giang thuộc 23 khu vực được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ định trong chiến lược phục hồi rừng ngập mặn, thích ứng với Biến đổi khí hậu (CCA).

Đến khu vực đô thị của thành phố Huế

Ở thành phố Huế nơi mà những tác động của biến đổi thời tiết tự nhiên đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sinh kế của người dân. Việc sử dụng các phương pháp thích ứng bằng cứng hóa, công trình hóa các kênh thoát nước vẫn chưa thực sự mang lại những hiệu quả tối ưu nhất. Giải pháp dựa vào chức năng tự nhiên của hệ sinh thái để tăng cường khả năng chống chịu của con người như tận dụng khả năng giữ nước của các khu vực ao, hồ tự nhiên, phương pháp tăng cường sức chống chịu với lũ lụt dựa vào hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là phương pháp được quan tâm bởi tính bền vững và lâu dài của nó.

Mục đích các hoạt động ở thành phố Huế là cải thiện khả năng chống chịu của cộng đồng ở những khu vực dễ bị ngập lụt ở thành phố Huế, nhóm dự án sẽ đề xuất các giải pháp dựa trên ưu tiên của cộng đồng và có khả năng được nhân rộng. Dự án sẽ đầu tư 26.000USD thí điểm vào việc cải tạo, duy trì hệ thống thoát nước, trữ nước tự nhiên ở thành phố và tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc ngăn chặn đổ chất thải vào các ao, hồ, mương, cống thoát nước, tiến hành vệ sinh, khơi thông dòng chảy.

Và mở rộng đối tượng hưởng lợi từ dự án

Một hợp phần quan trọng và sẽ được thực hiện xuyên suốt dự án là tăng cường năng lực và vai trò của các phụ nữ ở các cộng đồng khác nhau trong việc xây dựng khả năng chống chịu lũ lụt ở vùng đô thị và ven biển Thừa Thiên Huế. Các tài liệu sẽ được biên soạn và phổ biến rộng rãi nhằm giúp Hội phụ nữ các cấp nâng cao vai trò trong DRM và CCA.

Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên năm 3 và năm 4 Khoa Địa lý – Địa chất của trường Đại học Khoa học Huế tham gia vào các hoạt động dự án. Đây là cơ hội giúp các sinh viên tăng cường kiến thức và định hướng đề tài nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng các kỹ năng và tiếng Anh để hoàn thiện bản thân trong tương lai.

Dự án sẽ huy động sự tham gia và hỗ trợ từ rất nhiều các cơ quan, sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định dự án làn này với cách tiếp cận toàn diện, huy động sự tham gia của nhiều cộng đồng bên cạnh nâng cao nhận thức còn xây dựng năng lực, kỹ năng về thích ứng với các điều kiện thiên tai, khí hậu cực đoan cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Kết quả dự án sẽ cung cấp những bằng chứng xác thực, đưa ra những khuyến nghị rõ ràng về giá trị của các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái để chuyển đổi sang DRM và CCA bền vững hơn.

Thanh Tâm (CSRD)

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email