Festival nghề truyền thống Huế 2013: hứa hẹn nhiều kỳ thú và hấp dẫn

Festival nghề truyền thống Huế 2013 là kỳ thứ 5 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” được tổ chức tại TP Huế từ ngày 27/4 đến 1/5/2013 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề với phát triển du lịch với nhiều hoạt động bất ngờ, kỳ thú thu hút du khách và người dân địa phương.

Theo Ban tổ chức, khác với những năm trước, chủ đề tập trung ở 2 đến 3 nghề tiêu biểu, Festival nghề truyền thống Huế 2013 sẽ tôn vinh một lúc nhiều nghề, chủ yếu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Nhiều nghệ nhân ở các làng nghề tại Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Bình Dương… được tuyển chọn kỹ càng với các nghề như dệt, gốm sứ, pháp lam Huế, mộc mỹ nghệ, sơn mài, mây tre đan, thêu, tranh mộc bản, hoa giấy… chắc chắn sẽ đem đến nhiều thú vị.

Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề sẽ được tổ chức bên bờ sông Hương với những hoạt động nghề sống động. Các nghệ nhân sẽ giới thiệu sản phẩm, giao lưu với khách tham quan và thao diễn sản xuất, sáng tạo.

Festival nghề còn trưng bày các cổ vật, tinh hoa bàn tay người thợ thủ công hàng trăm năm trước ở một Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên xuất hiện tại Huế của nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn với những hiện vật có giá trị quý hiếm.

Hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với du lịch, tiềm năng và những trở lực phát triển” với sự tham gia tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nghệ nhân nhằm đánh giá sâu tiềm năng, thực trạng, những trở lực và triển vọng cho sự phát triển của nghề – làng nghề truyền thống của vùng đất vốn là xứ kinh kỳ xưa.

Đặc biệt, Festival năm 2013 còn có sự xuất hiện của trưng bày “Di sản trong quá trình biến chuyển” – chuyến lưu diễn của triển lãm Métamorphoses từ Pháp nhằm giới thiệu thêm 5 kỹ thuật khéo léo về ngành dệt may của Pháp và các sáng tạo mang hơi thở đương đại.

Một loạt các sự kiện nổi bật cùng song hành như “Sự thần kỳ” với sự có mặt của Nhà tạo mẫu Minh Hạnh cùng sự tham gia của Francoise Hoffmann (Pháp), Patis Tesoro (Philippin), Kinor Yang (Hồng Kông); “Triển lãm tre” của Pháp; Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm của 20 nghệ nhân, nhà thiết kế, sáng tác như: dệt tay, in khung, đan nghệ thuật 3 chiều, vẽ hiện thực trên vải, thêu tay, nhuộm vải…

Nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật ẩm thực Huế, trò chơi dân gian và các hoạt động hưởng ứng sẽ được diễn ra trong 5 ngày Festival sẽ làm du khách lưu luyến về cảnh sắc và con người Huế.

Chương trình khai mạc đầy màu sắc và ấn tượng hứa hẹn sẽ cho khán giả nhiều thú vị bất ngờ. Riêng chương trình bế mạc lần đầu tiên sẽ không diễn ra trên một sân khấu như thông thường mà sẽ là hoạt động đường phố đậm đà bản sắc với lễ rước tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề diễn ra trên đường Lê Lợi từ đoạn Công viên 03/2 đến Bảo tàng Hồ Chí Minh.

ĐINH VĂN CHUNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email