Ông Martin Taylor, Chủ tịch Tập đoàn Syngenta AG Thụy Sĩ- Cty đa quốc gia hàng đầu về thuốc nông dược, hạt giống và công nghệ sinh học có trụ sở chính tại Thụy Sĩ với hơn 26.000 nhân viên ở 90 quốc gia, đã sang thăm và làm việc tại VN.
Buổi toạ đàm giữa Tập đoàn Syngenta với Bộ NN-PTNT đã tập trung vào chủ đề chính: Hợp tác công tư hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững bao gồm 3 lĩnh vực chính: Hợp tác đầu tư nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong điều kiện nền SX nhỏ của VN; hợp tác chuyển giao TBKT cho nông dân qua hệ thống khuyến nông; hợp tác phát triển SX và chuỗi giá trị trong nông nghiệp bằng phương thức tiếp cận giải pháp tổng thể lên cây trồng…
Trước đó, làm việc với ban lãnh đạo của Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) – một đối tác chiến lược của Syngenta tại VN, ông Martin Taylor đánh giá cao các kết quả hợp tác của AGPPS với Syngenta tại VN đã góp phần nâng tầm hợp tác 2 bên lên đối tác chiến lược. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGPPS đã giới thiệu chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị trong SXNN của AGPPS thông qua chương trình đầu tư, thu mua và chế biến lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.
Ông Martin Taylor đã đi thăm “khu vườn trẻ thơ Kizciti” – một công trình có sự đóng góp của AGPPS để tạo ra một sân chơi cho trẻ em, góp phần giáo dục và nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng về nông nghiệp và nông thôn. Tại đây, qua câu chuyện về “Hạt ngọc trời” – hạt gạo sản sinh từ các nhà máy chế biến gạo của AGPPS – các em được biết hạt gạo thơm ngon ra đời như thế nào.
Ông Martin Taylor cũng đến thăm mô hình SX lúa và giao lưu với nông dân trồng lúa ở ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo, Tiền Giang. Tại đây, nông dân Phạm Minh Quyền cho biết, sau 6 vụ tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng” từ vụ ĐX 2009 đến nay, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể.Trước đây, năng suất chỉ đạt khoảng 7,5 – 8 tấn/ha (vụ ĐX) và 6 – 6,5 tấn/ha (vụ HT) nhưng sau khi tham gia chương trình năng suất lúa đã tăng lên đạt được 9,2 tấn/ha (ĐX 2011-2012) và 7,5 tấn/ha (HT 2012). Bên cạnh đó, ông còn tiết giảm được lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm số lần phun thuốc BVTV, ý thức tốt hơn việc bảo vệ môi trường.
Ông Martin Taylor còn đến thăm mô hình khảo nghiệm giải pháp tổng thể canh tác cây dưa hấu trong đó có giải pháp mới về SX cây giống ghép ở huyện Thủ Thừa, Long An. Tại những điểm này ông Martin Taylor đã trực tiếp được chứng kiến những sản phẩm và những giải pháp KHKT tiên tiến của Syngenta được giới thiệu chuyển giao và ứng dụng ở VN nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập.
Qua các hoạt động tại mô hình ông Martin Taylor cũng thấy được sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của lực lượng nhân viên thị trường 2 Cty AGPPS và Syngenta, chính họ là những người đã góp phần tạo ra cầu nối giữa giải pháp KHKT và thực tiễn SX, giữa những nhà khoa học và nông dân và trên hết là mang tiềm năng cây trồng vào cuộc sống.
Tại Hà Nội, ông Martin Taylor đã đi thăm dự án rau sạch thuộc chương trình hỗ trợ của Qũy Syngenta Phát triển nông nghiệp bền vững (SFSA). Đây là qũy hoạt động phi lợi nhuận của Syngenta góp phần trợ giúp nông dân nghèo ở các nước đang phát triển trong việc SXNN để nâng cao khả năng thương mại các sản phẩm nông sản của họ, từ đó sẽ từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, ông đã cùng tham dự một buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật các giải pháp tích hợp SX ngô lai NK ngay trên ruộng ngô của nông dân xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Tại đây ông đã chứng kiến đội ngũ nhân viên của mình kết hợp với các nhà quản lý và cán bộ khuyến nông thực hiện các mô hình trình diễn để giới thiệu và hướng dẫn nông dân từ khâu chọn giống, xử lý hạt giống, làm cỏ, bón phân và sử dụng thuốc BVTV nhằm nâng cao năng suất của cây ngô lai.
Trao đổi với nông dân tại đây ông rất vui mừng khi thấy người dân đã đánh giá cao các hoạt động trợ giúp và chuyển giao kỹ thuật của Syngenta cũng như các giải pháp trọn gói về cây ngô lai của Syngenta đã giúp họ tăng năng suất, thu nhập tăng thêm khoảng 6.000.000 đồng/ha.
Bình dị như hạt bắp, củ khoai, những nông dân xã Vân Nam tâm sự với ông Martin Taylor về những khó khăn trong việc chuyển giao KHKT đối với các giống ngô mới do Syngenta lai tạo. Hơn 100 hộ dân trong xã đã được cán bộ kỹ thuật Syngenta chia làm 3 nhóm cùng thực địa trên ruộng ngô để trao đổi kinh nghiệm SX và thực hiện việc chuyển giao KHKT trên cơ sở những khúc mắc của nông dân.
“Tôi mong muốn VN sớm có các chính sách phát triển cây biến đổi gen để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Ở Philippines sử dụng ngô biến đổi gen rất tốt nên năng suất, sản lượng ngô ở đó tăng lên rất lớn, gấp nhiều lần so với ở đây. Với điều kiện đất đai, con người hiện có, tôi tin nếu VN sử dụng ngô biến đổi gen thì sẽ không phải nhập khẩu ngô nữa”, ông Martin Taylor khẳng định. |
Bà Trần Thị Ngà, thôn Vĩnh Lộc, xã Vân Nam cho biết: “Giống ngô NK4300 thực sự ưu việt đối với đồng đất nơi đây. Bởi lẽ hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nhiều nên điều kiện SX của người dân gặp không ít khó khăn. Việc lựa chọn cây trồng cho phù hợp là điều tiên quyết với người dân. Và rồi giống ngô NK4300 đã bén duyên với đồng đất Vân Nam nên đã có hàng trăm hộ dân trong xã chuyên SX mỗi năm 2 vụ ngô và 1 vụ đỗ”.
Được biết bà Ngà có 8 sào ruộng thì 6 sào chuyên SX giống ngô NK4300. Theo bà năng suất mỗi vụ đạt 220 – 250 kg hạt khô/sào và năng suất này vượt trội hơn hẳn các giống ngô khác. Bà cho biết: “Bón phân là khâu quan trọng đối với trồng ngô NK4300. Vì thế, để có được năng suất cao thì đòi hỏi quá trình SX phải bón phân 4 lần, trong đó bón lót là khâu quan trọng nhất”.
Ông Martin Taylor đã yêu cầu các cộng sự tại VN cùng nông dân thực hiện cho bằng được quy trình SX và các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt nhất để tránh sự xâm hại của sâu bệnh. Cũng theo ông, các sản phẩm của Syngenta được hầu hết các Cty có uy tín trên thế giới đặt hàng và được đông đảo người dân sử dụng. Cty luôn luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất để người dân thực sự yên tâm và SX một cách bền vững nhất.
Ngày 16/11, Bộ NN-PTNT có công văn số 2911/QĐ-BNN-KHCN đồng ý cho Cty TNHH Syngenta VN khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen mới là MIR 162. Đây là giống bắp kháng sâu gây hại bộ vảy (miệng nhai). Nội dung khảo nghiệm là làm rõ các vấn đề ảnh hưởng của bắp biến đổi gen MIR 162 đối với các sinh vật chủ đích và không chủ đích với môi trường và hệ sinh thái nơi khảo nghiệm, thu thập số liệu phục vụ xác định ảnh hưởng của bắp MIR 162 đối với đa dạng sinh học trong 2 vụ liên tiếp.
Theo Nông nghiệp Việt Nam