Đái tháo đường tuýp 2 – Các biến chứng thường gặp

Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2, thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi chuyển biến nặng. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh đái tháo đường sẽ dễ mắc những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

       Biến chứng tim mạch

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.

     Biến chứng thận: đái tháo đường tuýp 2 gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc đái tháo đường tuýp 2 hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

     Biến chứng thần kinh: Tổn thương dây thần kinh là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và tăng huyết áp. Biểu hiện như: tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, sụp mi, lác trong, liệt mặt,… Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa,…

     Biến chứng về thị giác: Hầu hết những người mắc đái tháo đường tuýp 2 sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.

     Nguy cơ nhiễm trùng: Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền,… Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.

     Các biến chứng trong thời kỳ mang thai: Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến sản khoa cho trẻ và mẹ; nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh; trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai hơn các trẻ khác.

Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác của cơ thể như: xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da,…

       2. Biến chứng cấp tính

     Hạ đường huyết: xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3,6mmol/l. Nguyên nhân có thể là dùng quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu. Dấu hiệu là bệnh nhân đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê, thậm chí tử vong.

     Hôn mê: Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

     Nhiễm toan ceton: là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ axit, đây là kết quả của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời với bệnh. Mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.

TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email