Khi dịch bệnh COVID-19 đang lan tràn khá mạnh ở Trung Quốc cùng một số nước khác, trong đó có Việt Nam. Qua các kênh truyền thông và hướng dẫn dự phòng của Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng các dung dịch khử trùng tay trong dự phòng COVID-19 tăng cao, nhiều cơ sở y tế, trường học và ngay cả hộ gia đình cũng tự pha chế dung dịch khử trùng tay theo hướng dẫn của WHO để cung cấp cho mọi người. Dung dịch khử trùng tay này rất thích hợp khi khan hiếm như tình trạng hiện nay, hoặc khó tiếp cận nước sạch để thực hành rửa tay dẫu rằng rửa tay với nước và xà phòng vẫn là quan trọng nhất.
Dưới đây là công thức pha chế dung dịch khử trùng tay của WHO dựa trên chứng cứ nghiên cứu, theo tiêu chuẩn EN1500.
1. Nguyên liệu và dụng cụ:
Để pha 10 lít dung dịch khử trùng tay theo hướng dẫn của WHO cần có lượng và loại nguyên liệu sau:
– Cồn 96% (cồn Ethanol): 8333 ml
– Glyxerin 98%: 145ml
– Oxy già 3%: 417ml
– Nước cất hoặc nước đun sôi để nguội
– Hương liệu có thể là tinh dầu tràm, sả, chanh
– Bình hoặc thùng 20 lít, dụng cụ đong, khuấy trộn và chai lọ hoặc bình xịt chuyên dụng (10ml, 50ml, 100ml, 200ml, 250ml, 500ml…tùy theo yêu cầu) để chiết.
Các lưu ý về nguyên liệu, dụng cụ
- Các loại hóa chất, dụng cụ có thể mua tại các cơ sơ bán vật tư y tế, riêng glyxerin nên chọn mua loại chiết xuất thực vật tại các cơ sở bán nguyên liệu thực phẩm/ mỹ phẩm.
- Cồn nguyên liệu phải đúng nồng độ, nếu thấp thì phải thay đổi công thức pha chế theo hướng dẫn khác.
- Các dụng cụ dùng để pha chế cần được rửa sạch bằng xà phòng. Nếu các dụng cụ có khả năng chịu nhiệt, có thể luộc qua hoặc tráng bằng nước sôi.
2. Cách pha chế:
Đong đủ lượng cồn, thêm glyxerin, oxy già theo số lượng hướng dẫn, thêm hương liệu và thêm nước cho đủ 10 lít (10.000ml). Trộn đều bằng cách khuấy hoặc lắc, sau đó chiết vào các chai nhỏ để sử dụng.
Trong quá trình thực hiện nên đeo găng tay để tránh kích ứng da. Tránh để dung dịch bắn vào mắt.
3. Tác dụng:
Tác dụng nhanh, khử trùng rộng (cả nấm, vi khuẩn và virus, trừ các virus đường ruột) và hạn chế ít nhất nguy cơ kháng khuẩn cũng như tác động có hại cho da tay.
4. Cách sử dụng:
Mỗi lần khử trùng tay, bơm xịt khoảng 2-3ml dung dịch vào tay và sau đó thực hiện các thao tác rửa tay theo hướng dẫn của Bộ y tế là lòng bàn tay, kẽ ngón tay, mu bàn tay, đầu ngón tay, ngón cái là đạt.
Người sử dụng cần lựa chọn các loại dung dịch khử trùng tay được pha chế đúng quy định để bảo đảm an toàn do tác dụng kích ứng da, khô da, nứt da…
5. Những chú ý khi pha chế:
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi pha chế, chúng ta cần:
- Đảm bảo đúng tỉ lệ cồn với nồng độ cồn nguyên liệu là 96% và các nguyên liệu khác. Dung dịch sau khi pha chế xong phải đạt độ cồn từ 75-85%. Nồng độ cồn thấp sẽ không đảm bảo hiệu quả, nồng độ cao quá dễ bay hơi, khô da, dễ cháy,…
- Không nên tự ý thay đổi thêm bớt nguyên liệu.
- Sau 72h pha chế và chiết vào bình nhỏ mới sử dụng để đảm bảo các vi khuẩn còn lại trong dung dịch khi pha chế (nếu có) được tiêu diệt hết.
- Pha chế nơi thoáng mát, tránh nguồn nhiệt và tĩnh điện dễ bắt cháy, nổ.
- Pha chế nhanh và đậy kín ngay để tránh bay hơi làm giảm nồng độ cồn.
- Có nhãn hướng dẫn sử dụng, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, cảnh báo, nơi sản xuất…theo quy định của ngành y tế
PGS.TS. Trần Đình Bình
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
1. WHO (2009). Guide to Alcohol Rub Local Production 2009.
2. Bộ môn Vi sinh (2016). Giáo trình Vi sinh y học, NXB Đại học Huế