NGHIÊN CỨU GIẢM ĐAU ĐA MÔ THỨC SAU CÁC PHẪU THUẬT LỚN TRONG Ổ BỤNG

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Y dược

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 24/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: Nguyễn Văn Minh, Trần Thị Thu Lành, Phan Thắng, Phạm Thị Minh Thư, Trần Xuân Thịnh, Bùi Thị Thương, Lê Văn Long, Nguyễn Hữu Trí, Bùi Thị Thuý Nga

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Bộ môn Gây mê hồi sức và Cấp cứu, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 06 Ngô Quyền, Thành phố Huế

Tính mới của giải pháp

Nghiên cứu này chỉ ra giảm đau đa mô thức rất hiệu quả sau các phẫu thuật lớn trong ổ bụng. Nghiên cứu đã chỉ ra lựa chọn chỉ định phác đồ giảm đau tốt nhất tuỳ theo tình trạng của bệnh nhân và mô tả quy trình thực hiện cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất trong kiểm soát đau cho các bệnh nhân sau phẫu thuật. Điểm mới và tính sáng tạo là đã áp dụng giảm đau đa mô thức và áp dụng bơm tiêm điện có tích hợp phần mềm vi tính để cá nhân hoá việc dùng thuốc điều trị đau theo nhu cầu của bệnh nhân, nhưng có sự kiểm soát của nhân viên y tế qua việc cài đặt giới hạn liều trên máy. - Nghiên cứu cho thấy sau các phẫu thuật lớn trong ổ bụng qua nội soi vẫn có mức độ đau nặng, cần có chỉ định điều trị đầy đủ. - Ưu tiên chọn giảm đau đa mô thức có gây tê ngoài màng cứng ngực do bệnh nhân tự kiểm soát kết hợp paracetamol sau các phẫu thuật ổ bụng mở. Khi qua thăm khám và chuẩn bị trước phẫu thuật phát hiện bệnh nhân có những chống chỉ định đặt catheter ngoài màng cứng hoặc thất bại khi đặt thì ứng dụng giảm đau kết hợp paracetamol, ketorolac và morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát là lựa chọn. - Lựa chọn giảm đau đa mô thức sử dụng kết hợp paracetamol + ketorolac và morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát sau các phẫu thuật lớn trong ổ bụng qua nội soi.

Tính sáng tạo

- Nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình về giảm đau cho các bệnh nhân sau phẫu thuật và đã được phê duyệt, có thể ứng dụng thực hiện cho các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. + Giảm đau đường ngoài màng cứng ngực bằng bupivacain - fentanyl do bệnh nhân tự kiểm soát kết hợp paracetamol tĩnh mạch. + Giảm đau bằng paracetamol và ketorolac kết hợp morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát sau phẫu thuật bụng mở và nội soi. + Giảm đau bằng paracetamol kết hợp morphin tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát sau phẫu thuật bụng nội soi. - Kết quả nghiên cứu đã được báo cáo tại Hội nghị Gây mê hồi sức toàn quốc, nên đã được phổ biến rộng rãi cho các đồng nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn trên toàn quốc. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu trên sẽ nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, tăng cường hồi phục sớm sau mổ và giảm thiểu các biến chứng điều trị. - Kết quả cả nghiên cứu là nguồn cơ sở khoa học đáng tin cậy trong nghiên cứu khoa học cũng như trong việc giảng dạy cho các sinh viên và học viên Y Khoa. - Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Bệnh viện Trung ương Huế và Bện viện Trường Đại học Y - Dược Huế.

Hiệu quả kinh tế xã hội

- Về giáo dục và đào tạo: Nghiên cứu đã đào tạo 01 Bác sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành Gây mê hồi sức thực hiện luận văn và đã báo cáo tốt nghiệp. Kết quả của đề tài nghiên cứu được đăng trong 2 bài báo trên tạp chí khoa học uy tín trong nước. - Nghiên cứu đã ứng dụng có hiệu quả tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ năm 2023. - Về mặt kinh tế - xã hội và y tế Tuyên bố Montreal nêu rằng được điều trị đau như là một quyền cơ bản của con người. Đau sau phẫu thuật không được điều trị đầy đủ gây ra các rối loạn tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, miễn dịch làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật, góp phần làm tăng tỷ lệ các biến chứng, thậm chí là tử vong sau phẫu thuật. Đau cấp tính sau phẫu thuật nếu không được quan tâm, điều trị hiệu quả có thể tiến triển thành đau mạn tính, bệnh nhân phải chịu đựng đau đớn dai dẳng ngay cả khi tổn thương ban đầu liên quan phẫu thuật đã được giải quyết hoàn toàn. Nghiên cứu thực hiện và đã chuẩn hoá được những quy trình thực hiện giảm đau cho từng đối tượng bệnh nhân. + Chuẩn hoá về mặt chỉ định và quy trình thực hiện giảm đau cho từng đối tượng bệnh nhân phẫu thuật. + Bệnh nhân không còn cảm giác sợ phẫu thuật, nâng cao chất lượng hồi phục sớm cho bệnh nhân, giảm thiểu các biến chứng do đau nên sẽ rút ngắn thời gian nằm viện và chi phí điều trị. + Những chỉ định và phương thức giảm đau, quy trình thực hiện và kết quả đạt được đã được phổ biến cho cộng đồng qua phóng sự đã được đăng trên truyền hình của địa phương. Từ đó giúp người dân hiểu được, tránh những cảm giác e dè hay sợ phẫu thuật vì đau nên sẽ mạnh dạn đến nhập viện trong giai đoạn sớm hơn, góp phần hạn chế được các trường hợp đến quá muộn không còn chỉ định phẫu thuật với nhiều biến chứng nghiêm trọng gây ra.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email