Cảnh giác nguy cơ bệnh dại

Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo

Chi hội Truyền Nhiễm – HIV/AIDS

Bệnh dại là một bệnh do nhiễm virus dại ở hệ thần kinh trung ương. Bệnh có tiên lượng rất nặng, tử vong gần 100%. Bệnh có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Bệnh dại là bệnh của động vật máu nóng, có xương sống, người chỉ là vật chủ tình cờ. Bệnh lây truyền chủ yếu truyền qua nước bọt động vật bị nhiễm bệnh theo vết cắn vào cơ thể. Có khi truyền qua bụi chứa phân dơi có virus. Động vật mắc bệnh có thể truyền virus 5-7 ngày trước khi có triệu chứng lâm sàng và kéo dài cho đến chết. Virus chủ yếu truyền qua vết cắn, cào. Virus không thể xuyên qua da lành, nhưng có thể xuyên qua niêm mạc. Ngoài ra dại có thể truyền qua đường ghép cơ quan (ghép giác mạc, thận..).

Dịch tễ bệnh dại ở người phản ánh bệnh dại của động vật ở địa phương. Ở những quốc gia đang phát triển như châu Phi, châu Á kể cả Việt Nam, đa số các trường hợp mắc bệnh dại là do chó và mèo cắn chiếm 90%, nhất là ở vùng thành thị, chó nhà là nguồn lây bệnh chính yếu. Còn ở những khu vực chó đã được tiêm chủng, hầu hết người mắc bệnh liên quan phơi nhiễm với động vật hoang dã. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Cùng với đó, trung bình hằng năm, có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 40 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).

Những tháng cuối năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội vừa có báo cáo về 1 ca tử vong do bệnh dại tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây là trường hợp dại trên người, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng điển hình, xét nghiệm khẳng định virus dại trong dịch não tủy. Nguồn lây nghi do tiếp xúc trong quá trình giết mổ chó tại địa phương.

Bệnh nhân là N.V.T. (nam, 52 tuổi) có địa chỉ nêu trên, đi làm thợ xây và sống trong địa bàn xã, không đi đâu xa trong năm nay. Trong vòng 2 tháng gần đây, bệnh nhân tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn (2 con chó đều khỏe mạnh, được nuôi trên 5 tháng trong thôn, không được tiêm phòng), không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó. Chiều ngày 16/10/2022 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không đo nhiệt độ), mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở. 3 giờ sáng ngày 18/10/2022, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại BVĐK huyện Mê Linh khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng kích thích, nói nhảm, không hợp tác.

Ngày 19/10/2022, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước nên được chẩn đoán nghi ngờ dại, chuyển vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai. Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Bệnh nhân tử vong 19h20 phút cùng ngày. Sáng 20/10/2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời kết quả dương tính với virus dại.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG của bệnh dại gồm 2 thể: thể kích động và thể liệt.

Thể kích động: chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn tiền triệu

Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 4 ngày, với các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ ngày càng tăng. Có thể có buồn nôn, nôn, đau họng và ho khan. Triệu chứng gợi ý đến dại giá trị nhất là dị cảm và giật cơ tại chỗ hay quanh vùng nghi có virus xâm nhập (50 – 80 %).

Giai đoạn viêm não

Giai đoạn này thường được báo hiệu bởi những thời kỳ vận động quá mức, kích động và bất an. Lú lẫn, ảo giác, cứng cơ dạng màng não, tư thế ưỡn cong người, co giật, liệt khu trú dần dần xuất hiện. Các thời kỳ lú lẫn thường xen kẽ với những thời kỳ hòan tòan minh mẫn, nhưng khi bệnh tiến triển, thời kỳ minh mẫn càng lúc càng ngắn dần và sau cùng bệnh nhân rơi vào hôn mê. Đây là một diễn biến khá đặc trưng của bệnh. Tăng cảm giác đưa đến sự nhạy quá mức với các kích thích như ánh sáng chói, tiếng động ồn ào, đụng chạm…

Khám thực thể: bệnh nhân sốt cao, có thể đến 400C. Kèm theo các dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật như đồng tử dãn một cách bất thường, tăng tiết nước mắt, nước bọt, mồ hôi, hạ huyết áp theo tư thế. Các triệu chứng liệt vận động ở cao, tăng phản xạ gân xương và Babinsky (+) là những dấu hiệu thường gặp. Liệt dây thanh âm cũng là triệu chứng khá đặc thù.

Giai đoạn rối loạn chức năng cuống não

Giai đọan này xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau giai đoạn viêm não. Liệt các dây thần kinh sọ não gây nên các triệu chứng nhìn đôi, liệt mặt, viêm thần kinh thị và đặc biệt là khó nuốt. Kết hợp hiện tượng tăng tiết nước bọt với khó nuốt tạo nên hình ảnh sùi bọt mép điển hình của dại.

Sợ nước, co thắt không tự ý và gây đau dữ dội của cơ hoành, các cơ hô hấp phụ, cơ hầu, cơ thanh quản khi nuốt nước, thường gặp đến 50% trường hợp dại. Tổn thương nhân amydale ở hành não biểu hiện với cương cứng dương vật và xuất tinh tự nhiên. Bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, và khi trung tâm hô hấp bị tổn thương, bệnh nhân sẽ tử vong vì ngưng thở. Thời gian trung bình từ khi xuất hiện các dấu hiệu của giai đoạn cuống não đến khi chết là 4 ngày. Lâu nhất là 20 ngày.

Bệnh có tiên lượng rất nặng. Tử vong gần 100%. Trong y văn chỉ thông báo có 6 trường hợp hồi phục trên toàn thế giới trong những năm qua.

Thể liệt: Thường gặp thể liệt tuần tiến dạng Landry – Guillain Barré. Thể liệt thường gặp ở những bệnh nhân mắc dại từ dơi (Nam Mỹ), sau đó có tiêm vắc-xin. Thể này cũng thường gặp ở Đông Nam Á.

XỬ TRÍ KHI BỊ ĐỘNG VẬT CẮN: Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc-xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.

Săn sóc vết thương tại chỗ: Rất quan trọng trong phòng bệnh dại. Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i-ốt  để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Miễn dịch thụ động với huyết thanh kháng dại

Huyết thanh có thể được điều chế từ ngựa hay từ người. Globulin miễn dịch có nguồn gốc người tốt hơn của ngựa vì hiếm khi gây bệnh huyết thanh. Liều dùng: 20 đơn vị huyết thanh người hoặc 40 đơn vị huyết thanh ngựa, chia làm hai phần. Một nửa tiêm trực tiếp vào quanh vết thương, nhất là khi các vết thương có nguy cơ cao như vùng mặt, cổ, chi trên. Phần còn lại tiêm mông.

Miễn dịch chủ động với vắc-xin phòng dại 

Có hai loại vắc-xin sau:

– Vắc-xin dại sản xuất từ tế bào não chuột con (vắc-xin Fuenzalida)

– Vắc-xin dại sản xuất từ tế bào thận khỉ (vắc-xin Verorab)

Vắc-xin Verorab: Tiêm vắc-xin sau khi bị phơi nhiễm: Tiêm 5 liều vắc-xin bệnh dại: một liều ngay lập tức, những liều sau vào ngày 3, ngày 7, ngày 14 và ngày thứ 28.

Chỉ định dùng vắc-xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng. Chỉ định điều trị dự phòng bệnh bệnh dại sau phơi nhiễm đối với những người chưa được tiêm phòng bệnh dại theo bảng tóm tắt dưới đây:

TÓM TẮT CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG BỆNH DẠI

 

Phân độ vết thương

 

Tình trạng

vết thương

 

                                    

      Tình trạng động vật

(Kể cả động vật đã được
tiêm phòng dại)

 

Điều trị dự phòng

 

Tại thời điểm  cắn người Trong vòng 10 ngày
Độ 1 Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành Không điều trị
Độ 2 Vết xước, vết cào,  liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc Bình thường Bình thường Tiêm vắc-xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích Tiêm vắc-xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật Tiêm vắc-xin dại ngay và đủ liều
Độ 3 Vết cắn/cào chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương Bình thường Bình thường Tiêm vắc-xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích Tiêm vắc-xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại ngay
– Vết cắn/cào sâu, nhiều vết

– Vết cắn/cào gần thần kinh trung ương như đầu,  mặt,  cổ

– Vết cắn/cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục

– Bình thường

– Có triệu chứng dại

– Không theo dõi được con vật

Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại ngay.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

  1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
  2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
  3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
  4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email