Hiện trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là quá trình khai thác đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có yếu tố khoan và nổ mìn.
Như chúng ta đã biết, khoan nổ mìn là khâu công nghệ đầu tiên trong dây chuyền khai thác đá, có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng các khâu công nghệ kế tiếp và giá thành của sản phẩm cuối cùng. Tính chất cơ lý của đất đá như độ cứng, độ nứt nẻ,…điều kiện địa chất thủy văn và địa hình phức tạp của khu mỏ là những nguyên nhân làm ảnh hưởng năng suất làm việc của máy khoan. Quá trình khoan nổ mìn bao gồm hai nguyên công: phá vở đất đá bằng dụng cụ khoan và đưa phoi khoan ra khỏi nổ mìn.
Các mỏ đá ở Thừa Thiên Huế chủ yếu khoan bằng máy khoan BK5 có cần khoan đường kính 105 mm và máy khoan dùng búa khoan bằng tay chạy bằng máy nén khí có cần khoan đường kính 38 mm hoạt động theo nguyên tắc đập, máy nén khí di động cung cấp cho búa khoan cầm tay, mỗi búa có áp suất từ 4-6 at và tiêu hao khí nén là 2- 4 m3/phút. Công xuất của máy khoảng 5 m3/phút. Trong quá trình khoan nổ mìn nó tạo ra một lượng bụi, khí S02 và N02 rất lớn làm gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Trong quy trình khai thác đá, sau khoan nổ mìn là đến hoạt động nổ mìn để phá đá. Xuất phát từ những đặc điểm về cấu tạo và tính chất cơ lý của đá là nằm thành những núi riêng biệt, ít pha tạp các loại đất đá khác, có cấu tạo dạng vỉa hoặc dạng khối, nứt nẻ nhiều, có độ cứng trung bình và lớn…cũng như những đặc điểm về yêu cầu của đá nguyên khai là kích thước của cục đá lớn nhất không được lớn hơn kích thước cho phép của cửa hàm nhai trong máy nghiền. Số lượng sản phẩm chế biến từ đá nguyên khai nhiều và có kích thước nhỏ, mà công nghệ nổ mìn trên các mỏ đá có những đặc điểm khác với công tác nổ mìn trên các mỏ lộ thiên khai thác các khoáng sản khác.
Trong khai thác đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế hầu hết các mỏ đá phải dùng thuốc nổ công nghiệp nitrat amôni để phá đá. Chất nổ được cất giữ trong kho theo thiết kế của ngành quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Quá trình nổ mìn là quá trình tác động của một lượng lớn thuốc nổ tác động vào vỉa đá làm cho đá vỡ ra và theo ý muốn của người khai thác. Trong quá trình này tạo ra lượng bụi và khí N02 rất lớn, có thể nói hoạt động nổ mìn gây ra ô nhiễm môi trường lớn nhất ở khu vực khai thác và vùng lân cận. Ngoài ra, nó còn tạo ra tiếng động và mức độ rung chuyển rất lớn.
TS. Bùi Thắng