Tác giả: BS. Phan Quận
Một số nguyên nhân làm tăng cholesterol máu mà chúng ta cần biết một khi khảo sát cholesterol máu, để đưa ra các nhận định và lời khuyên đối với bệnh nhân.
1.Vấn đề căng thẳng
Căng thẳng kéo dài gây ra một số vấn đề sức khỏe, kể cả tăng cholesterol máu. Nghiên cứu cho thấy nó làm nguy cơ cholesterol LDL (“xấu”) tăng cao và giảm mức cholesterol HDL (“tốt”). Lý do là vì các hormone gây căng thẳng, như cortisol và adrenaline tăng lên, từ đó kích hoạt những thay đổi có thể dẫn đến lượng đường trong máu và hiện tượng viêm cao hơn. Qua thời gian, điều này có thể khiến gan của bạn bơm ra nhiều cholesterol và triglycerides trong máu.
2.Cà phê không lọc
Thói quen uống cà phê kiểu Pháp, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cà phê espresso có thể gây rắc rối cho cholesterol máu của bạn. Những loại cà phê này không sử dụng bộ lọc, vì vậy các hợp chất dầu trong hạt cà phê được gọi là diterpenes sẽ thấm vào cốc của bạn. Các loại dầu này có thể làm tăng LDL cholesterol. Mặc dù một hoặc hai ly mỗi ngày là được, nhưng các chuyên gia khuyên bạn không nên uống quá bốn ly cà phê chưa lọc mỗi ngày.
3.Thuốc
Một số loại thuốc có thể có ảnh hưởng không mong đợi đến lượng cholesterol của bạn. Chúng gồm một số loại thuốc tránh thai, retinoid, corticosteroid, thuốc kháng virut và thuốc chống co giật. Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và các dạng cũ hơn của thuốc chẹn beta, cũng có thể làm tăng cholesterol của bạn. Nói với bác sĩ của bạn về bất kỳ loại thuốc nào bạn sử dụng. Bạn có thể cần một liều khác hoặc một loại thuốc khác hoàn toàn.
4.Vấn đề về tuyến giáp
Cơ thể của bạn sử dụng hormone tuyến giáp để giúp loại bỏ cholesterol thừa mà nó không cần. Vì vậy, khi bạn có tuyến giáp kém hoạt động, hoặc suy giáp, mức cholesterol toàn phần và LDL của bạn sẽ tăng lên. Nói với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng suy giáp, chẳng hạn như mệt mỏi, da khô, yếu cơ và đau nhức. Xét nghiệm máu có thể sàng lọc tình trạng bệnh.
5.Đái tháo đường typ 2
Bệnh đái tháo đường typ 2 gây tăng cao lượng đường máu. Khi có quá nhiều đường, nó có thể gắn vào protein, như các phân tử cholesterol. Điều này làm cho cholesterol có hại hơn. Ví dụ, người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 có xu hướng có các tiểu thể LDL nhỏ hơn và dày đặc, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chúng cũng có lượng cholesterol HDL bảo vệ thấp hơn. Cholesterol này cũng có thể không hoạt động để loại bỏ cholesterol “xấu”.
6.Mãn kinh
Hormone giới tính estrogen ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol máu của bạn. Khi estrogen giảm sau thời kỳ mãn kinh, lượng cholesterol máu của bạn sẽ tăng lên. Nghiên cứu cho thấy rằng mức LDL và tổng mức cholesterol tăng xung quanh và sau kỳ kinh cuối cùng của bạn. Tệ hơn nữa, phụ nữ tăng trung bình từ 8 đến 10 cân sau khi mãn kinh. Họ cũng ngừng tập thể dục nhiều, có thể làm tăng nguy cơ cholesterol máu cao.
7.Ngồi nhiều
Dù là ở bàn làm việc hay trên ghế trường kỷ, việc ngồi hàng giờ liên tục đều có hại cho sức khỏe của bạn. Nó có liên quan đến béo phì, bệnh tim và cholesterol máu cao. Khi bạn ngồi quá lâu, có loại enzym biến LDL cholesterol có hại thành HDL cholesterol tốt sẽ giảm 95%. Để bảo vệ trái tim của bạn, hãy thường xuyên nghỉ ngơi. Hãy đứng dậy vf di chuyển ít nhất 30 phút/lần và nếu có thể, hãy đi bộ 5 phút mỗi giờ.
8.Vấn đề về gan
Gan của bạn tạo ra, xử lý và phân hủy cholesterol. Khi gan của bạn không hoạt động bình thường, nó có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol của bạn. Một trong những tình trạng phổ biến nhất là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), xảy ra khi lượng mỡ thừa được tích trữ trong gan. Nó ảnh hưởng đến gần 1/4 số người lớn. Dạng nặng hơn được gọi là NASH (viêm gan nhiễm mỡ không do rượu). Nó làm cho gan viêm và có sẹo, dẫn đến xơ gan.
9.Uống quá nhiều rượu
Cùng với việc xử lý cholesterol, gan của bạn cũng phân hủy rượu. Vì vậy, khi bạn uống quá nhiều có thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong cơ thể. Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông uống rượu nhiều – khoảng 4,5 ly trở lên cùng một lúc – có mức cholesterol xấu cao hơn so với những người không uống. Điều này cũng đúng với những người đôi khi say sưa. Nếu bạn uống, hãy giữ ở mức vừa phải – không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.
10.Thai nghén
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể bạn dùng cholesterol để giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển. Đó là lý do tại sao mức cholesterol của bạn có thể tăng lên đến 50% trong thai kỳ thứ hai và thứ ba. Chúng có thể tăng cao trong khoảng một tháng sau khi sinh. Mức tăng đột biến tạm thời này thường không gây hại cho mẹ hoặc con. Nhưng nếu bạn đã từng có cholesterol máu cao, bác sĩ sẽ phải theo dõi về nồng độ cholesterol của bạn.
11.Vấn đề về thận
Cholesterol ảnh hưởng đến cách hoạt động của thận. Nghiên cứu cho thấy cholesterol cao có thể gây hại cho chức năng thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Mặt khác, các vấn đề về thận có thể làm tăng mức cholesterol của bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng hội chứng thận hư, một dạng rối loạn thận, làm tăng mức LDL và cholesterol toàn phần của bạn. Bệnh thận mãn tính cũng làm giảm mức HDL của bạn.
12.Chế độ ăn nhiều đường
Chất béo bão hòa thường được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim. Nhưng quá nhiều đường cũng là một thủ phạm. Chế độ ăn nhiều đồ ngọt khiến gan của bạn tạo ra nhiều LDL cholesterol và triglycerides, và ít cholesterol HDL hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng những người có 10% hoặc nhiều hơn lượng calo của họ từ đường bổ sung có nguy cơ có mức HDL thấp gấp 3 lần so với những người có ít hơn một nửa lượng đó.
Tài liệu tham khảo:
Surprising Causes of High Cholesterol
WebMD Daily
Medically Reviewed by Brunilda Nazario, MD on June 28, 2021