Biện pháp thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của triều Nguyễn

Để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, triều Nguyễn đã cho cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu thờ và trồng cây tại quần đảo này. Đây là bằng chứng pháp lý của một nước có chủ quyền và đã thực thi chủ quyền trên các vùng lãnh thổ của mình là một chủ trương đúng đắn của triều đình Huế được triển khai từ năm 1833.

Sách Đại Nam thực lục cho biết: “ Năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14 (1833) mùa thu tháng tám vua dụ Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường [mắc cạn] bị hại. Nay nên dự bị thuyền này, đến sang năm sẽ có người đến đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, tránh khỏi được mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời ” [1].

Vào năm Ất Mùi (1835), nhà vua cho dựng miếu thờ, xây bình phong và lập bia chủ quyền, Hoàng Sa trở thành lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chính sử triều Nguyễn đã xác nhận sự kiện quan trọng này như sau: “ Bãi Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có bia khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng yên), chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông tây nam đều là đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc giáp với một hòn toàn đá san hô, sừng sửng nổi lên, chu vi 430 trượng, cao 1 trượng 3 thước ngang với cồn cát (gọi là Bàn Than Thạch). Năm ngoái vua toan dựng miếu, lập bia ở chỗ ấy bỗng vì sao không làm được. Đến đây mới sai Cai đội thuỷ quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến đấy dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước xây cái bình phong. Mười lăm ngày làm xong rồi về”[2].

Qua hai tư liệu dẫn trên của chính sử triều Nguyễn cho thấy quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa hoàn toàn thuộc về chủ quyền Việt Nam nằm trong hải phận của tỉnh Quảng Ngãi.

Tài liệu Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông (soạn năm 1877) cho biết ngôi miếu cổ ấy lợp ngói và chung quanh ngôi miếu được quân đội nhà Nguyễn đem các các hạt giống từ đất liền ra vãi: “ Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biển ngạch khắc mấy chữ Vạn lý ba bình [muôn dặm sóng êm]. Không biết dựng từ thời nào. Các quân nhân đến đây thường đưa những quả Phương Nam mà vãi ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để làm dấu mà nhận. Từ khi quân đội Hoàng Sa bãi, gần đây không ai hỏi đến miếu ấy nữa” [3].

Qua tài liệu trên cho chúng ta thấy sự tái xác nhận chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa dưới triều vua Minh Mạng, còn thực ra trên đảo đã có giếng nước uống, cây cối tốt tươi, có toà miếu cổ, có bia khắc bốn chữ Vạn lý ba bình, cầu mong “biển yên sóng lặng”. Điều đó nói lên tầm quan trọng về chủ quyền của người Việt lâu đời ở đây. Hoàng Sa- Trường Sa không phải là nơi vô danh không có dấu chân người mà đã có tên đất, tên người, tên núi, có giếng nước dùng sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư của thời trước đó tạo lập nên[4].

Ngoài bia đá được dựng lên cùng miếu thờ để khẳng định chủ quyền theo thông lệ của nhà nước, triều đình Huế còn cho cắm 10 cột mốc bằng gỗ để xác định chủ quyền. Việc hệ trọng này triều đình giao cho Suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật mang ra cắm ở Hoàng Sa vào năm 1836 có kích thước quy định như sau: “ Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước (khoảng 2 mét), rộng 5 tấc (0,2 mét), dày 1 tấc; mặt bài khắc dòng chữ: Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để nhớ ” [5].

Đó là một khẳng định chủ quyền rất thông minh và mang ý nghĩa thiêng liêng dưới triều Minh Mạng.

Triều Nguyễn rất chú trọng đến việc khai thác, xây dựng, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa nên nhà vua giao cho Bộ Công phối hợp với vệ Giám thành, thuỷ quân và chính quyền địa phương hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định để huy động dân binh tham gia với cộng đồng trách nhiệm rất cao. Chế độ lương bổng, cấp phát, thưởng phạt đối với quan chức, binh lính và dân binh thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa cũng rất nghiêm túc. Trong Châu bản triều Nguyễn thể hiện khá nhất quán về tính chất quan trọng của Hoàng Sa-Trường Sa và những người được triều đình giao thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo này.

Ngày 18 tháng 7 năm Minh mạng 16 (1835), nhà vua ban Dụ: “ Chuyến đi Hoàng Sa lần này công vụ hoàn tất. Riêng Cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có Chỉ giao cho Bộ Công trị tội. Nay phạt 80 trượng cho phục chức Cai đội. Các tên Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất, phạt mỗi tên 80 trượng. Các tên hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu “ phi long ngân tiền”; binh thợ, dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo thưởng mỗi tên một quan tiền[6]. Việc thưởng phạt này liên quan đến sự kiện triều đình Huế cho dựng miếu, lập bia tại Hoàng Sa năm Ất Mùi (1835).

Trong tờ Dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua cũng có ý nhắc nhở về trách nhiệm của những quan chức tham gia nhiệm vụ tại Hoàng Sa:

“ Trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có chỉ phạt trượng. Còn dân binh đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương, dân phu mỗi tên hai quan tiền” [7].

Đối với các quan nhận lệnh đi Hoàng Sa nhưng vì do thiên tai, dù không hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng được triều đình ban thưởng. Đó là trường hợp Phạm Văn Biện năm 1839, do năm này bị bão sóng đánh chìm thuyền bè, dù về Kinh trình diện có muộn nhưng tất cả đều được thưởng theo thứ bậc khác nhau [8].

Trái lại là trường hợp Nguyễn Hoán, vào năm 1845, Ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Hoán được triều đình phái đi đến Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tự tiện quấy rối các làng… Hoán phải chịu tội lưu đến ba bậc[9].

Dưới triều Nguyễn, sau khi vua Gia Long hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước vào năm 1802, năm sau đã tái xác lập chủ quyền lãnh thổ ở quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Đến thời vua Minh Mạng, sau khi thống nhất về hành chính trong cả nước (1832), nhà vua chú trọng đến Hoàng Sa- Trường Sa về phương diện thống nhất về thảo mộc và tâm linh, tạo nên hồn thiêng sông núi, gắn kết giữa hải đảo với đất liền, giữa kinh đô với xã tắc trên mọi miền của Tổ quốc.Từ đây, tên tuổi của người lính Hoàng Sa Phạm Nữu Nhật và nhiều danh tính và chức vụ khác làm nhiệm vụ Hoàng Sa gắn liền với quần đảo này và lưu danh muôn đời trong sử sách.

Bài học về xây dựng hệ thống phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở các tỉnh miền Trung của triều Nguyễn có thành công và cũng có nhiều hạn chế. Các nguyên nhân về sự thành bại của triều Nguyễn không những đã để lại cho chúng ta một di sản quý báu về biển mà còn củng cố được niềm tin về chủ quyền thiêng liêng vùng biển đảo mà triều Nguyễn và các triều đại trước đó đã đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu để tạo lập nên.

PGS.TS Đỗ Bang

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email