Bài 1: Bài học lịch sử nhắc ta không thể lơ là (11/03/2013)

Cuộc chiến đấu trên vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã tròn 25 năm. Những ngày này 25 năm trước, 64 chiến sĩ hải quân đã lấy máu mình bảo vệ biển trời Tổ quốc. Nhắc lại sự kiện này để nhắc nhở những người Việt Nam hiện nay phải luôn cảnh giác cao độ với việc Trung Quốc luôn thường trực âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Đầu năm 1988, Trung Quốc đã huy động lực lượng hải quân đặt dưới sự chỉ huy của 1 bộ tư lệnh đặc biệt mới được thành lập với mưu đồ đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Lực lượng này gồm 4 tàu tiến đến khu vực Tây Bắc quần đảo Trường Sa để khiêu khích tàu vận tải của Việt Nam đang vận chuyển lương thực, thực phẩm từ đất liền ra đảo. Núp dưới luận điệu phản công để tự vệ, Trung Quốc đã cho hải quân tiến về Trường Sa. Họ đã sử dụng liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 có trang bị tên lửa và pháo 100 ly. Trước sự kiện này Chính phủ Việt Nam đã gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh cũng như Liên hợp quốc vào các ngày 16, 17, 23-3-1988. Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc dừng lại hành động vũ trang, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng. Nhưng Trung Quốc đã bất chấp sự phản đối của Việt Nam và họ khước từ thương lượng, tiếp tục điều thêm lực lượng, tìm cách chiếm đóng các điểm mà họ đã đưa quân đến xâm chiếm. Ngày 13-4-1988 Quốc hội Trung Quốc đã ra nghị quyết sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tam Sa, Nam Sa) vào tỉnh Hải Nam. Chúng ta cũng đã có công hàm phản đối hành động này của Trung Quốc vào ngày 14-4-1988 nhưng Trung Quốc đã phớt lờ sự phản đối này và tiếp tục chiếm đóng các đảo này từ đó đến nay. Trong sự kiện này, chúng ta không thể nào quên được cuộc chiến đấu không cân sức khi lực lượng của chúng ta rất mỏng đối đầu với lực lượng hải quân của Trung Quốc được trang bị rất hiện đại, được chuẩn bị chu đáo. Dù không cân sức nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, các chiến sĩ của chúng ta vẫn kiên quyết giữ đảo, dù đã phải hy sinh. Chúng ta không bao giờ quên điều đó. Qua sự kiện này, chúng ta phải nhìn lại quá trình Trung Quốc đã tiến xuống Biển Đông như thế nào thông qua việc họ từng bước đặt chân lên 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Tại sao họ sử dụng lực lượng quân đội vào thời điểm đó? Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng những cuộc lấn biển của Trung Quốc đều thực hiện vào những thời điểm Việt Nam chưa được phòng bị. Chẳng hạn năm 1946, lợi dụng Việt Nam đang đối phó sự trở lại của thực dân Pháp, Trung Quốc đã sử dụng một hạm đội gồm 4 chiến hạm chở 59 binh sĩ lấy cớ giải giáp quân Nhật rồi ra chiếm các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa. Hay sự kiện diễn ra vào tháng 4 năm 1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình của quá trình chuyển giao một số điều theo Hiệp định Giơnevơ để đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm. Năm 1974 cũng lợi dụng tình hình Nam – Bắc Việt Nam chưa thống nhất, Trung Quốc đã tiến hành chiếm đảo phía Tây hoàn thành chiến dịch chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 

Đá Cô Lin sừng sững giữa ngàn khơi ảnh: Mai Thắng

Nhắc lại tất cả những sự kiện trên để thấy được Trung Quốc đã từng bước lấn tới tạo thành nhịp cầu để tiến xuống Biển Đông bằng lực lượng quân sự. Họ luôn tìm những hoàn cảnh lịch sử có lợi cho họ. Trước khi họ tổ chức các chiến dịch bằng vũ trang đó, không phải họ lặng lẽ làm mà họ đã có động thái về mặt dư luận như tuyên bố, tố cáo chủ quyền Trung Quốc bị vi phạm… Họ luôn tung ra những luận điệu gian dối để đánh lừa dư luận quốc tế dần từng bước thực hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông của họ. Hiện nay Trung Quốc đã chiếm đóng 7 điểm trên quần đảo Trường Sa tạo thành thế cài răng lược với các bên có mặt trên quần đảo Trường Sa. Từ sự kiện này, câu hỏi được đặt ra là có khả năng họ có thể dùng vũ lực quân sự trong tương lai để làm những điều tương tự xảy ra trong lịch sử? Khó đoán biết được lúc nào họ có hành động như vậy nhưng mưu đồ chiếm trọn Biển Đông cũng đã được Trung Quốc vạch ra qua bản đồ “lưỡi bò” và họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Hiện nay, Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn ở Biển Đông phá hoại thềm lục địa của Việt Nam…là động thái chuẩn bị cho khả năng thích ứng hoàn cảnh sau này. Động thái này của Trung Quốc cũng nhằm thăm dò phản ứng của các nước liên quan để điều chỉnh chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Tóm lại, Trung Quốc luôn áp dụng kế sách dương đông kích tây, “rung cây dọa khỉ” để chọn thời điểm làm những bước tiến như họ đã làm trong lịch sử. Vậy bài học chủ quyền từ những câu chuyện lịch sử ấy là gì? Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất chính là sức mạnh sự đoàn kết dân tộc. Tôi tin rằng trong điều kiện hiện nay, Trung Quốc còn dè chừng các nước có quyền lợi ở Biển Đông cũng như sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế nên khó có những hành vi trắng trợn như từng làm trong lịch sử. Tuy nhiên, về lâu dài Trung Quốc muốn thực hiện tư tưởng bá chủ Biển Đông, muốn trở thành cường quốc biển, siêu cường quốc của thế giới vì vậy, âm mưu lấn biển là luôn thường trực. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan mà phải chuẩn bị sức mạnh để đập tan âm mưu thâm độc của họ. Nếu lơ là, chủ quan, không giữ được biển trời, được toàn vẹn lãnh thổ là có tội với tổ tiên, với lịch sử.
Đại đoàn kết
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email