Hội nghề cá nâng cao hiệu quả hoạt động trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Năm 2014, Hội Nghề cá Thừa Thiên Huế (HNC) được hỗ trợ triển khai các dự án và giúp chi hội nghề cá cơ sở xây dựng mạng lưới bảo vệ các khu bãi giống, bãi đẻ, giúp hội viên bám sát hoạt động và sản xuất hiệu quả. Nhờ đó ngày càng có nhiều chi hội hoạt động có hiệu quả góp phần bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trước thực trạng nguồn tài nguyên thủy hải sản có nguy cơ suy kiệt, Hội nghề cá tỉnh cùng với các chi hội nghề cá cơ sở có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chúng tôi về Điền Hải một trong những địa phương có chi hội nghề cá hoạt động mạnh. Ngư dân ở đây không chỉ tham gia tuần tra, bảo vệ chống các phương tiện đánh bắt theo hình thức hủy diệt như dùng kích điện…mà còn tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo những người dân thôn 8 xã Điền Hải “những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản có xu hướng cạn kiệt. Sản lượng đánh bắt ngày một giảm đi. Thông qua các lớp tập huấn, ngư dân ở đây dần nhận thức được nguyên nhân khiến nguồn lợi suy giảm. Từ đó, họ có nhiều hoạt động chung tay bảo vệ nguồn lợi. Việc thành lập Khu bảo vệ thuỷ sản Cồn Cát xã Điền Hải, huyện Phong Điền như một điều tất yếu. Sau khi thành lâp, 66 hộ ngư dân thôn 8, xã Điền Hải chấp hành nghiêm túc những quy định về đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang. Ngoài ra, chi hội nghề cá Điền Hải còn được Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản hướng dẫn về phương pháp bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có thả một lượng lớn cá dìa giống vào môi trường tự nhiên.

Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo vệ thuỷ sản tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ… phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của cá dìa. Kết quả sau mỗi vụ thu hoạch, cộng đồng ngư dân địa phương quanh Khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát đã thu lợi được vài trăm triệu đồng.

Ngư dân xã Điền Hải còn đứng ra thành lập đội tự quản bảo vệ bình yên và môi trường cho phá Tam Giang, xử lý nhiều trường hợp thuyền khai thác hủy diệt thuỷ sản từ nơi khác đến hoạt động trên phá Tam Giang. Chi hội cũng có kế hoạch nâng cấp các thuyền tuần tra, bởi với công suất thấp như hiện nay, các thuyền tuần tra truy quét đạt hiệu quả chưa cao.

Rời xã Điền Hải, chúng tôi băng qua đập Cửa Lát đến với thôn Ngư Mỹ Thạnh. Là thôn có hơn 95% số hộ sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy – hải sản, tuy nhiên, hiệu quả đánh bắt chưa cao do hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thêm vào đó, dịch bệnh hoành hành nên thường xuyên gặp rủi ro. Trước thực tế đó, Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế cùng UBND xã Quảng Lợi với sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội Thừa Thiên Huế thành lập Chi hội Nghề cá thôn Ngư Mỹ Thạnh. Ban đầu, chi hội chỉ có 89 hộ tham gia, đến nay hầu hết các hộ làm nghề ngư trong thôn đều tham gia vào chi hội. Sau khi tham gia chi hội, bà con đã có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm.

Anh Trần Dũng, một hội viên trong chi hội tâm sự: “Từ khi tham gia vào chi hội, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về việc tái tạo và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thủy sản. Từ đó, chúng tôi loại bỏ dần những phương tiện đánh bắt theo hình thức hủy diệt, thay dổi mắt lưới lừ cho phù hợp…”. Bên cạnh đó, Chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh cũng làm tốt việc bảo vệ diện tích mặt nước của vùng đầm phá Tam Giang, không sử dụng các phương tiện khai thác hủy diệt. Ông Phan Văn Ty, Chủ tịch Chi hội cho biết: “Trước đây, nhiều người dân ở địa phương khác thường xuyên đi rà điện, cào lươn trái phép ở khu vực. Thế nhưng, chi hội đã tổ chức tuần tra, thường xuyên giám sát. Vì thế, hiện nay, không còn cảnh ngang nhiên đánh bắt trái phép như trước nữa”.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Lương Hiền cho biết: Ở các xã triển khai khu bảo vệ thủy sản đã đưa vào hương ước của làng, như việc cấm bắt cá trong chuôm cá, không được đánh bắt cá con, không dùng xung điện đánh bắt cá, thời điểm nào được phép đánh bắt, lưới kích cỡ thế nào để không gây hại đến nguồn thủy sản tương lai. Các hoạt động khai thác động vật và thực vật thủy sinh bị cấm hoàn toàn, tạo điều kiện cho thực vật thủy sinh phát triển tốt, vừa làm nơi trú ẩn an toàn vừa tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá và cải thiện môi trường nước, hình thành các bãi giống, bãi đẻ ổn định trong tự nhiên. Tại các khu bảo vệ, các loài tôm, cá, cua có môi trường thuận lợi sinh sản, sinh trưởng an toàn… sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá chung quanh, ngư dân được phép khai thác.

Hiện nay, HNC có 75 Chi Hội nghề cá (CHNC) cơ sở, trong đó có 13 CHNC khai thác biển, 50 CHNC vừa nuôi trồng vừa Khai thác thủy sản đầm phá, 01 Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, 01 Hiệp Hội tôm chua Huế và 10 CHNC Nuôi trồng thủy sản.

Hoàng Loan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email