Xác định nguyên nhân gây bệnh lem lép hạt lúa và biện pháp phòng trừ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Đây là đề tài cấp tỉnh do ThS. Huỳnh Thị Tâm Thúy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm. Sau đây là một số kết quả nghiên cứu của để tài đã công bố

     Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh, phát triển của lem lép hạt lúa và khả năng lây lan

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã có những ảnh hưởng đến sản xuất ngành nông nghiệp, trong đó có cây lúa, đặc biệt bệnh lem lép hạt lúa (bệnh lem lép hạt). Bệnh lem lép hạt trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gia tăng diện tích và tỷ lệ hại. Năm 2013 bệnh lem lép hạt gây hại nặng nhất, diện tích bị lem lép hạt 9.786 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.499 ha, giảm năng suất từ 40-70%. Năm 2015 bệnh cũng gây hại gia tăng về diện tích nhiễm.

Trước thực trạng này, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN, từ tháng 02/2017 đến 02/2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ trì thực hiện đề tài. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, các yếu tố ảnh hưởng và xây dựng quy trình điều tra phát hiện, quy trình phòng trừ bệnh lem lép hạt cần phải được tiến hành theo hướng tổng hợp từ nghiên cứu cơ bản (xác định nguyên nhân gây bệnh, quy luật phát sinh gây hại, các yếu tố ảnh hưởng và khả năng lây lan theo thời gian và không gian) đến các nghiên cứu ứng dụng (chủ yếu là các biện pháp canh tác và hóa học) và đề xuất được qui trình điều tra phát hiện, quy trình phòng trừ tổng hợp cho các vùng sinh thái. Từ đó có cơ sở đề ra các biện pháp quản lý, phòng trừ lem lép hạt lúa có hiệu quả, đầu tiên cần xác định rõ nguyên nhân, tác nhân gây lem lép hạt lúa.

Đối tượng nghiên cứu của là các đối tượng nấm, vi khuẩn, nhện gié gây ra bệnh lem lép hạt lúa được thu thấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Giống lúa thí nghiệm: giống Khang Dân, HT1, VT-NA2, TH5, Thiên Ưu 8, BT7, HN 6. Đề tài tập trung nghiên cứu các tác nhân do nấm, vi khuẩn, nhện gié gây ra hiện tượng lem lép hạt lúa ở vùng trọng điểm lúa trên địa bàn tỉnh; điều tra diễn biến lem lép hại lúa trong hai vụ chính (Đông Xuân, Hè Thu); xây dựng các biện pháp quản lý, phòng, trừ lem lép hạt dựa trên tập quán canh tác và điều kiện thực tế tại địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu, điều kiện khí hậu thời tiết ảnh hưởng đến bệnh lem lép hạt lúa thường tác động vào giai đoạn lúa làm đòng, giai đoạn lúa trổ thông qua nhiệt độ và mưa. Trong vụ Đông Xuân giai đoạn lúa làm đòng, trổ gặp điều kiện nhiệt độ thấp, mưa gây ngập, mưa giai đoạn lúa trổ, thời gian chiếu sáng, cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình phơi màu thụ phấn của bông lúa, bông lúa bị đen gây ra hiện tượng lem lép hạt. Trong vụ Hè Thu, nhiệt độ quá cao, mưa gây ngập giai đoạn lúa làm đòng, mưa giai đoạn lúa trổ đã ảnh hưởng đến quá trình làm đòng, phân hóa mầm hoa và thụ phấn thụ tinh của bông lúa nên đã gây ra hiện tượng lem lép hạt. Về cường độ chiếu sáng và thời gian chiếu sáng của Thừa Thiên Huế vào các giai đoạn làm đòng, trổ tương đối phù hợp cho cây lúa, nhưng ngày mưa ít nắng ảnh hưởng đến việc phơi mao, thụ phấn của bông lúa.

Trong năm 2011, vụ Đông Xuân, đợt rét đậm rét hại vào giữa và cuối tháng 3 gây ảnh hưởng đến giai đoạn phân hóa làm đòng (chủ yếu trên giống dài ngày, một số diện tích trà sớm giai đoạn lúa trổ phơi mao gặp mưa rét, lúa trổ không thụ phấn thụ tinh, nông dân không phun phòng bệnh lem lép được nên bông lúa bị lem lép; năm 2012, gây ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn thụ tinh làm tăng tỷ lệ lem lép hạt; năm 2013, đầu tháng 4/2013 (vụ Đông Xuân) không khí lạnh tăng cường từ ngày 06-12/4/2013 trùng với giai đoạn lúa trổ trà đầu nên đã ảnh hưởng đến sự thụ phấn thụ tinh, nông dân không phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt lúa nên gây ra hiện tượng lem lép hạt. Đặc biệt trong vụ Hè Thu, tháng 06/2013, khu vực Thừa Thiên Huế có 5 đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất lên đến > 38oC ảnh hưởng đến giai đoạn lúa làm đòng; năm 2015, thời tiết đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa đang trổ phơi màu và nông dân không phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt được nên đã gây ra hiện tượng lem lép hạt.

Trong năm 2016, vụ Đông Xuân, tháng 4/2016 chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên thời tiết có năng mưa xen kẽ, có mưa rào và dông rải rác nên đã ảnh hưởng đến quá trình trổ phơi màu của bông lúa và nông dân không phun phòng bệnh lem lép hạt và đạo ôn cổ bông được nên bệnh gây hại nặng trên 7 ha. Cuối tháng 8/2016 có mưa vừa và mưa to đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lép lép hạt phát triển gây hại nặng 151 ha. Trong năm 2017, trong tháng 7 do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu bão số 2 và số 4 đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông trùng với giai đoạn lúa làm đòng chuẩn bị trổ và trổ, diện tích bị thiệt hại 30-70% là 174,85ha lúa; diện tích bị thiệt hại trên 70% là 432,5ha lúa đã làm tăng tỷ lệ lem lép hạt. Trong năm 2018, tháng 4 chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tặng cường đã gây mưa, mưa rào và dông; giữa đến cuối tháng 7 ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới nối với con bão số 3 nên có mưa vừa, có nơi mưa to làm ảnh hưởng đến diện tích lúa trổ phơi màu và nông dân không phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt được nên đã gây lem lép hạt nặng, diện tích nhiễm nặng 126 ha.

Bệnh lem lép hạt lúa phát sinh gây hại tại cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, trên cả 2 vùng sinh thái. Vụ Hè Thu, bệnh lem lép hạt lúa gây hại nặng hơn so với vụ Đông Xuân. Vụ Đông Xuân sau khi lúa trổ xong khoảng 1 tuần bắt đầu phát hiện hạt lúa bị lem, vụ Hè Thu giai đoạn lúa trổ đã phát hiện hạt lúa bị lem. Đối với lép hạt lúa, sau khi lúa trổ khoảng 2 tuần, lúa vào giai đoạn chín sữa mới phát hiện hạt lép do tự nhiên, do đặc tính giống và do sinh vật gây hại. Tổng số hạt/bông, tỷ lệ hạt lép, tỷ lệ hạt lem, tỷ lệ hạt lem lép, tỷ lệ hạt lem lững, tỷ lệ hạt chắc thay đổi tùy theo khu vực điều tra, theo giống. Trong vụ Đông Xuân tỷ lệ hạt lép, tỷ lệ hạt lem, tỷ lệ hạt lem lép, tỷ lệ hạt lem lững thấp hơn trong vụ Hè Thu.

     Thử nghiệm các biện pháp phòng, trừ lem lép hạt lúa có hiệu quả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác nhân gây bệnh lem lép hạt lúa: Vụ Đông Xuân do các loại nấm: Fusarium sp, Alternaria sp, Curvularia spp, Bipolaris oryzea và nấm Pyricularia oryzae gây ra bệnh đạo ôn cổ bông. Vụ Hè Thu do nấm Curvularia spp. và Sarocladium oryzea gây ra; ngoài ra hiện tượng lem lép hạt trên các giống HT1, Khang dân, HN6, BT7 còn do nhện gié gây ra. Vì vậy, nhóm tác giả đã đề xuất các biện pháp phòng, trừ lem lép hạt lúa có hiệu quả. Đó là thử nghiệm ảnh hưởng của liều lượng phân đạm và ka li đến bệnh lem lép hạt lúa, thử nghiệm biện pháp hóa học phòng trừ bệnh lem lép hạt trên đồng ruộng và xây dựng mô hình thử nghiệm biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh lem lép hạt lúa vụ Hè Thu 2018.

Để thực hiện các biện pháp phòng trừ, đối với Vụ Đông Xuân, vùng đồng bằng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chọn công thức 80kg P2O5 + 120 kg N/ha + 90K2O /ha, vùng ven đầm phá chọn công thức 80kg P2O5 + 120 kg N/ha + 80 K2O /ha; vụ Hè Thu vùng đồng bằng chọn công thức 80kg P2O5 + 110 kg N/ha + 80 K2O /ha, vùng ven đầm phá chọn công thức 80kg P2O5 + 120 kg N/ha + 60 K2O/ha. Khi thử nghiệm biện pháp hóa học phòng trừ, cần chọn công thức sử dụng thuốc Anvil 5SC xử lý nồng độ 0,167% để phun phòng bệnh lem lép hạt vào giai đoạn vào giai đoạn trổ vè thưa 3-5% và sau khi trổ xong (sau lần 1: 7 ngày). Đối với những vùng lúa thường có bệnh bạc lá vi khuẩn, đốm sọc vi khuẩn gây hại thì sử dụng hỗn hợp thuốc (Anvil 5SC 0,167% +Visen 20SC 0,075%).

Vụ Đông Xuân do nhện gié gây hại mật độ và tỷ lệ hại thấp nên không xử lý thuốc trừ nhện gié. Vụ Hè Thu, chọn thuốc Nisorun 5EC xử lý ở nồng độ 0,10% để phòng trừ bệnh lem lép hạt do nhện gié gây ra vào giai đoạn lúa bắt đầu làm đòng và giai đoạn lúa chuẩn bị trổ. Mô hình thử nghiệm biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh lem lép hạt có bệnh lem lép hạt gây hại thấp hơn ruộng đối chứng. Năng suất tăng hơn ruộng đối chứng trong vụ Đông Xuân 2,0-8,0 tạ/ha, vụ Hè Thu 1,0-2,0 tạ/ha. Hiệu quả kinh kế của ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng trong vụ Đông Xuân 4.137.000 -6.878.000 đồng, vụ Hè Thu 3.009.000-4.504.400 đồng.

VỸ KHANG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email