Virus Zika và bệnh do virus Zika

Virus Zika gây ra bệnh được gọi là sốt Zika, có biểu hiện lâm sàng như phát ban dát sần (maculopapular rash) khắp cơ thể, sốt, đau khớp, và khó chịu. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, virus Zika lại được cho là ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở thai nhi, virus còn hiện diện rộng khắp trên thế giới, chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi, và có thể lây lan qua đường tình dục, do đó virus Zika trở thành một tác nhân gây bệnh mới nổi quan trọng tác động trên phạm vi toàn cầu.

I. Các tính chẤt cỦA viruS

1.1. Cấu trúc hạt virus

Cấu trúc của hạt virus Zika giống như các virus thuộc họ Flaviviridae khác. Capsid có đối xứng khối, lõi bên trong là RNA một sợi, bao quanh bởi một màng lipid kép chứa các protein vỏ E và M. Hạt virus có đường kính khoảng 40 nm.

Lõi RNA của virus Zika dài 10.794bp với hai vùng không mã hóa được gọi là 5 ‘NCR và 3′ NCR (non-coding regions). Khung đọc mở của virus Zika đọc như sau: 5′-C-prM-E-NS1-NS2A-NS2B-NS3-NS4A-NS4B-NS5-3’ và mã hóa cho một polyprotein và sau đó nó được cắt thành capsid (C ), màng tiền thân (prM), vỏ (E), và các protein không cấu trúc (NS). Các protein E tạo nên bề mặt hạt virus và tham gia vào quá trình sao chép bằng cách gắn lên trên thụ thể của các tế bào cảm thụ. NS1, NS3, và NS5 là những protein kích thước lớn và có tính bảo tồn cao trong khi protein NS2A, NS2B, NS4A và NS4B là những protein nhỏ hơn và kỵ nước. Vùng 3 ‘NCR có 428 nucleotide có thể đóng vai trò dịch mã, đóng gói RNA, tạo vòng, ổn định hệ gen. 3 ‘NCR tạo thành một cấu trúc vòng lặp và 5’ NCR cho phép dịch mã thông qua một mũ nucleotide methyl hóa hoặc một protein gắn kết gen.

Hình 2. Cấu trúc gien của các virus thuộc họ Flaviviridae

Nguồn: Chambers T, Hahn C, Galler R, Rice C. (1990) Flavivirus genome organization, expression, and replication.Annual Reviews of Microbiology

1.2. Sức đề kháng của virus

Do có cấu trúc bao ngoài có bản chất là lipid nên virus nhạy cảm với ether, các dung môi hữu cơ và natri desoxycholat. Nó dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ, ngay cả ở nhiệt độ 40C. Virus trong huyết thanh bệnh nhân giữ ở -700C hay dưới dạng đông khô ở 50C có thể tồn tại được 8 – 10 năm. Virus bị phá hủy bởi tia cực tím trong vòng vài phút. Virus bất hoạt bởi focmol và mất hết tính chất sinh miễn dịch.

1.3. Cấu trúc kháng nguyên của virus

Virus Zika có kháng nguyên kết hợp bổ thể là kháng nguyên hạt virus và kháng nguyên ngưng kết hồng cầu trên bao ngoài.

1.4. Sự nhân lên của virus Zika

Các tổ chức của muỗi Aedes aegypti hoặc các loại muỗi Aedes trưởng thành khác có cảm nhiễm cao với virus Zika do muỗi là túc chủ tự nhiên của virus Zika.

Ii. khẢ năng gây bỆnh cho ngưỜi

2.1. Dịch tễ học

– Ổ chứa virus Zika trong tự nhiên là các loài động vật linh trưởng, có thể ở một vài loài gặm nhấm và muỗi Aedes.

– Côn trùng tiết túc môi giới là các loài muỗi Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti, muỗi này thường đẻ trứng ở chỗ nước trong và sạch. Muỗi Aedes có thể bị nhiễm virus khi đốt động vật hay bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm virus huyết, virus vào nhân lên ở ống tiêu hóa trong cơ thể muỗi và cư trú ở tuyến nước bọt để lan truyền cho người và động vật.

Sự lan truyền của virus Zika trong tự nhiên giống như các loại virus thuộc họ Flaviviridae. Sự lan truyền này bao gồm muỗi và một loạt động vật có vú. Nhiều loài muỗi thuộc giống Aedes là véc tơ truyền như Ae. africanus, Ae. aegypti, Ae. vitattus, Ae. furcifer, Ae. apicoargenteus, và Ae. Luciocephalus là vật chủ trung gian lan truyền virus Zika. “Lan truyền ngang” là thuật ngữ nói đến khả năng lan truyền virus từ muỗi sang các động vật có vú. Ngược lại, “lan truyền dọc” là các quần thể muỗi truyền virus cho các thế hệ sau của chúng. Nghiên cứu cho thấy rằng thời gian ủ bệnh của virus Zika trong muỗi là khoảng 10 ngày.

Mới đây, các nhà khoa học ở Brazil công bố, họ đã tìm thấy virus trong tuyến nước bọt của Culex quinquefasciatus (gọi tắt là Culex), loài muỗi có mật độ đông gấp 20 lần loài Aedes aegypti. Loài Culex tồn tại trong vùng khí hậu ôn hòa hơn và có thể sinh sôi cả trong mùa đông. Đặc biệt, trong khi muỗi Aedes aegypti thường trú ẩn ở những nơi ẩm thấp và ở trong nhà thì Culex lại sống trong các bụi cây, điều này khiến chúng ta khó có thể tiêu diệt chúng bằng việc phun thuốc. Mặc dù muỗi Culex chủ yếu chích máu của các loài chim nhưng đôi khi chúng cũng đốt người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Như vậy người và vài loại khỉ ở một vài vùng và muỗi hợp lại thành vòng nhiễm virus, nhờ đó mà virus Zika tồn tại trong tự nhiên.

Nhiều báo cáo về bệnh do virus Zika có thể lây qua dịch tiết nước bọt, dịch nhầy ở mũi… Đặc biệt, virus Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Tuy nhiên, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến.

– Đối tượng dễ mắc bệnh: Bệnh do virus Zika có tính cảm thụ cao, bất kỳ ai sống trong vùng có muỗi Aedes và từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm.

2.2. Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh ngắn, khởi phát với các triệu chứng như: sốt, đau đầu và sau đó phát ban dát sần (maculopapular rash) bao phủ một phần cơ thể ở ngày hôm sau. Ngoài ra, trong cơn sốt thường kèm với đau lưng và một cảm giác chung của người bệnh là thấy khó chịu. Ngoài ra, kèm với biểu hiện sốt có thể đau khớp, đau đầu nhưng không phát ban. Bệnh nhân cũng có thể với biểu hiện sốt còn có thêm các triệu chứng khác như đau bụng và chóng mặt, tiêu chảy và biếng ăn nhưng không có dấu hiệu phát ban, có thể kèm dấu hiệu viêm kết mạc. Bệnh có tính chất lành tính, trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng đều nhẹ và thường tự hết trong một tuần mà không cần nhập viện hoặc không có nguy cơ bị biến chứng nặng. Các triệu chứng lâm sàng chung khó phân biệt với sốt xuất huyết, nếu chẩn đoán phân biệt với sốt xuất huyết cần dựa vào xét nghiệm.

Nguồn: Independent

2.3. Tiên lượng bệnh

Bệnh có tính chất lành tính, trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng đều nhẹ và thường tự hết trong một tuần mà không cần nhập viện hoặc không có nguy cơ bị biến chứng nặng.sốt siêu vi sẽ tự khỏi trong vòng 3-7 ngày và người mắc bệnh do virus Zika cũng có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, virus Zika lại được cho là ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở thai nhi nếu người phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Ngoài ra, nhiều thống kê cho rằng virus Zika có thể cũng liên quan tới hội chứng Guillain-Barre, một hội chứng thần kinh có thể gây liệt.

III. CHẨN ĐOÁN VIRUS HỌC

3.1. Chẩn đoán trực tiếp

3.1.1. Phân lập virus

Bệnh phẩm là máu, huyết thanh, huyết tương, nước bọt hay các dịch khác của bệnh nhân. Phân lập virus Zika tương tự như đối với virus Dengue gây sốt xuất huyết bằng kỹ thuật tiêm vào các tổ chức của muỗi trưởng thành, hoặc cấy vào các loại nuôi cấy tế bào có nguồn gốc từ muỗi như C6/36, AP-61, TRA-284SF. Sau đó phát hiện sự hiện diện của virus Zika trong cơ thể muỗi và trong các tế bào nuôi bằng kỹ thuật mễn dịch huỳnh quang trực tiếp.

3.1.2. Phát hiện các kháng nguyên của virus Zika

Có thể phát hiện kháng nguyên hạt virus Zika hoặc RNA của virus trong nước bọt, trong máu … bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang hoặc miễn dịch liên kết enzyme (ELISA).

3.1.3 Phát hiện các đoạn RNA của virus Zika

Có thể phát hiện các đoạn RNA của virus Zika ở trong máu và trong nước bọt bằng kỹ thuật khuếch đại gen (RT- PCR: Reverse transcriptase – Polymerase chain reaction). Kỹ thuật này có độ nhạy cao ngay trong tuần lễ đầu tiên mắc bệnh giúp chẩn đoán nhanh và sớm bệnh do virus Zika.

3.2. Chẩn đoán gián tiếp

Có thể xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng virus Zika (IgM) trong huyết thanh. Kháng thể IgM kháng virus Zika thường phát hiện được khoảng 3-5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên thường xảy ra phản ứng chéo với sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản, và nhiễm virus Tây Sông Nile. Nhiễm chéo thường phổ biến ở những bệnh nhân đã từng bị nhiễm các virus thuộc họ Flaviviridae trước khi nhiễm virus Zika. Để tiến hành chẩn đoán tốt nhất, mẫu huyết thanh nên được xét nghiệm phân tích càng sớm càng tốt, rồi xét nghiệm mẫu huyết thanh lần thứ hai trong vòng 2-3 tuần sau đó để xác định chẩn đoán nếu hiệu giá kháng thể tăng hơn 4 lần ở lần xét nghiệm thứ 2.

IV. PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

4.1 Phòng bệnh

Biện pháp có hiệu quả nhất để phòng bệnh là tránh muỗi đốt và tiêu diệt muỗi Aedes aegypti bằng mọi phương pháp có thể thực hiện được. Do chưa có vacxin phòng bệnh nên việc giám sát và diệt muỗi là đường lối chính trong phòng chống nhiễm virus Zika hiện nay.

Ngoài ra, qua các nghiên cứu gần đây và thực tế cho thấy virus Zika có khả năng lây truyền qua đường tình dục, do đó cần phải thực hành tình dục an toàn.

4.2. Điều trị

Chưa có thuốc chữa đặc hiệu, chỉ chữa triệu chứng và nâng cao sức đề kháng.

Bệnh có tính chất lành tính, nên chỉ sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ, truyền dịch, cung cấp nước thường xuyên và nghỉ ngơi. Nếu bệnh nhân sốt cao, có thể sử dụng các thuốc hạ sốt nhóm Acetaminophen.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Campos GS, Bandeira AC, Sardi SI. (2015) Zika virus outbreak, Bahia, Brazil. CDC Emerging Infectious Diseases

2. Casadevall A, Pirofski L. (2003) The damage-response framework of microbial pathogenesis. PubMed.

3. Chambers T, Hahn C, Galler R, Rice C. (1990) Flavivirus genome organization, expression, and replication.Annual Reviews of Microbiology.

4. Centers for Disease Control and Prevention.(2016). “Symptoms, Diagnosis, & Treatment”. Zika Virus. DVBD, NCEZID.

5. Enserink M. (2011) Sex After A Field Trip Yields Scientific First. Science Magazine.

6. Fauci, Anthony S.; Morens, David M. (ngày 14 tháng 1 năm 2016). “Zika Virus in the Americas – Yet Another Arbovirus Threat”

7. Faye O, Freire C, Iamarino A, Faye O, de Oliveira J, Diallo M, Zanotto P, Sall A. (2014) Molecular Evolution of Zika Virus during Its Emergence in the 20th Century. PLOS Neglected Tropical Diseases

8. Hayes E. (2009) Zika Virus Outside Africa. CDC Emerging Infectious Diseases.

9. Musso D, Nhan T, Robin E, Roche C, Bierlaire D, Zisou K, Shan Yan A, Cao-Lormeau VM, Broult J. (2014) Potential for Zika virus transmission through blood transfusion demonstrated during an outbreak in French Polynesia, November 2013 to February 2014. PubMed.

10. Yan-Jang H, Higgs S, Horne K, Vanlandingham D. (2014) Flavivirus-Mosquito Interactions. PubMed.

11. Whelan, Peter I.; Hall, Julie (2008). “Zika virus disease”. Northern Territory Disease Control Bulletin, 15 (1): 19–20.

PGS.TS. Trần Đình Bình

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh viện trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email