Tác giả: BS Phạm Văn Đức, PGS.TS Trần Xuân Chương
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXHD là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Tình sốt xuất huyết dengue tại một số nước khu vực Tây Thái Bình Dương ( WHO, Dengue Situation Update May 646, 19/5/2022)
Tại Campuchia, tính đến tuần dịch tễ học 18 của năm 2022, tổng cộng có 817 trường hợp mắc sốt SXHD và một trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong (CRF) 0,1%) đã được báo cáo. Số trường hợp được báo cáo hàng tuần vẫn thấp hơn so với cùng kỳ từ năm 2015 đến năm 2020 (Hình 1). Số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo ở tất cả các tỉnh đều thấp hơn so với xu hướng quan sát được vào năm 2021.
Hình 1
Tại Lào, trong tuần 18 và 19 của năm 2022, 145 trường hợp SXHD và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo (Hình 2). Số ca tích lũy từ đầu năm đến tuần 19 của năm 2022 là 342. Con số này thấp hơn so với 246 ca được báo cáo trong cùng kỳ năm 2021
Hình 2
Tại Trung Quốc, trong tháng 3 năm 2022, hai trường hợp mắc SXHD và không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, xu hướng số ca mắc thấp hơn so với năm trước (hình 3).
Hình 3
Tại Philippines, từ ngày 17 tháng 4 đến ngày 23 tháng 4 năm 2022, có tổng số 476 trường hợp mắc SXHD, không có báo cáo tử vong. Con số này thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2021 (n = 837). Từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 17 tháng 4 năm 2022, có 20.057 trường hợp mắc SXHD và 115 trường hợp tử vong (CFR 0,6%) được báo cáo, thấp hơn 21% so với 23.307 trường hợp được báo cáo cùng kỳ năm 2021 (hình 4).
Hình 4
Tình hình sốt xuất huyết dengue tại Việt Nam những tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến ngày 22/6/2022, Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc, 29 tử vong tại Bình Dương (7), Thành phố Hồ Chí Minh (6), Tây Ninh (5), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1). So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/05) số mắc tăng 97%, tử vong tăng 24 trường hợp. Số mắc 6 tuần đầu năm giảm so với cùng kỳ 2021, có xu hướng đi ngang từ tuần 7 và tăng cao liên tục từ tuần 14 đến nay, so với diễn biến dịch trung bình giai đoạn 2017-2021 số mắc tăng sớm khoảng 1 tháng.
Tại khu vực miền Nam số mắc trong tuần này chiếm 81% số mắc cả nước, riêng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần ghi nhận số mắc chiếm 23% số mắc cả nước, 8 tỉnh khu vực miền Nam (An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, TPHCM) chiếm 69% số mắc trong tuần của cả nước.
Khu vực miền Trung đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại Khánh Hòa. Số tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 28/29 ca tử vong (chiếm 96,6%), khu vực miền Trung (3,4%). Tỷ lệ mắc/100.000 dân của khu vực miền Nam cũng cao nhất cả nước (123,4/100.000 dân).
Hình 5. Số ca mắc và tử vong do SXHD tính đến ngày 8/5/2022
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXHD, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Riêng ghi nhận trong tuần 22 (từ ngày 27/05/2022 đến 02/06/2022), Thành phố có 1.504 ca bệnh SXHD, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXHD tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXHD. Như vậy số ca tử vong do SXHD từ đầu năm đến nay vẫn là 07 trường hợp.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến ngày 20/6 toàn tỉnh phát hiện hơn 150 ca bệnh SXHD, tình hình SXHD gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Dự phòng sốt xuất huyết dengue
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
– Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
BS Phạm Văn Đức, PGS.TS Trần Xuân Chương
Chi hội Truyền Nhiễm – HIV/AIDS Thừa Thiên Huế