Tác giả: Nguyễn Đính
Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 được phát động với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới.
Năm 2019, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan, đặt ra những thách thức lớn cho đất nước ta trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy tuần lễ từ ngày 15 đến 22 tháng 5 hàng năm làm Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai.
Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến mới, tiếp nối lịch sử kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê vào ngày 22 tháng 5 năm 1946. Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai cũng là dịp để chúng ta nhận thức đúng, thể hiện sự cam kết, đề cao tinh thần trách nhiệm, động viên chính quyền các cấp, các tổ chức và cộng đồng, người dân nâng cao sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng trong phòng, chống thiên tai.
Từ đó đến nay, hàng năm tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai đã được định kỳ tổ chức với các chủ đề khác nhau: năm 2019 “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, năm 2020 “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”, năm 2021 “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”, và năm 2022 có chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”.
Mục tiêu của chủ đề năm nay nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân tại cơ sở.
Trong Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai chuỗi hoạt động như: trao giải cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ hai”; khánh thành thư viện tài liệu về công tác phòng, chống thiên tai; công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh toàn quốc lần thứ nhất,…
Tại Thừa Thiên Huế, các cơ quan và địa phương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng: treo pano, băng rôn với các thông điệp tuyên truyền Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông thông qua hệ thống đài truyền hình, truyền thanh, cơ quan báo chí địa phương; tập trung triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống đuối nước trẻ em, nhất là vào dịp cuối năm học và nghỉ hè sắp tới; tổ chức khánh thành bể bơi phòng chống đuối nước trong trường học tại xã Quảng Thái và Lộc Trì; hướng dẫn già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền tới người dân về phòng, chống thiên tai tại cơ sở; phối hợp với nhiều dự án, tổ chức trong nước và quốc tế như: Hội Chữ thập đỏ, Luxembourg, Save Children, FAO, ISET,… tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 141 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; củng cố và kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; rà soát, cập nhật, ban hành kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai của cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022, đặc biệt chú ý rà soát phương án ứng phó với bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong mùa mưa bão sắp tới,…
Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai năm 2022
Khánh thành bể bơi chống đuối nước Trường TH số 1 Lộc Trì
Bể bơi Quảng Thái
Theo kết quả công bố đánh giá công tác phòng chống thiên tai toàn quốc năm 2021 tổ chức ngày 11/5 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế được Trung ương xếp đứng đầu trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác phòng, chống thiên tai. Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Sự chủ động, tích cực của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đã góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững./.