Thiết kế trò chơi đoán ô chữ để hỗ trợ dạy học môn vật lý

Thiết kế trò chơi đoán ô chữ để hỗ trợ dạy học môn Vật lí được tác giả ThS. Nguyễn Văn Cần Trường THCS Thủy Phương và cộng sự dày công nghiên cứu, ứng dụng dạy học và phát triển hơn 10 năm qua với hơn 100 ô chữ Vật lí từ lớp 6 đến lớp 12. Thiết kế trò chơi đoán ô chữ là giải pháp nhằm góp tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Vật lí.

Giải pháp này đã góp phần tiết kiệm thời gian và công sức của giáo viên trong việc thiết kế bài giảng dạy học, thiết kế ô chữ đố vui trong dạy học môn vật lý. Học sinh khi học tập có sử dụng trò chơi ô chữ Vật lí sẽ cảm thấy tò mò, hứng thú, đam mê, hầu hết được trải nghiệm, khám phá và kiến thức chiếm lĩnh sẽ được khắc sâu, hiểu và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thiết kế trò chơi đoán ô chữ là giải pháp nhằm góp tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Vật lí.

Tác giả ThS. Nguyễn Văn Cần cho biết: Từ năm 2007, chúng tôi đã nghiên cứu, công bố trên website kết quả nghiên cứu, khai thác Visual Basic trong Microsoft PowerPoint để thiết kế trò chơi ô chữ trong đố vui và dạy học, nhiều độc giả hết sức quan tâm, đề nghị được giúp đỡ và đặt hàng thiết kế các ô chữ cụ thể. Chúng tôi đã thiết kế và xây dựng nguồn học liệu điện tử gồm các ô chữ Vật lí để phục vụ bạn đọc và trong dạy học. Ô chữ được cho là trò chơi phổ biến bậc nhất trên thế giới được biết từ lâu. Trò chơi ô chữ gồm nhiều ô vuông để trống, người chơi điền các kí tự vào theo chiều ngang và dọc từ gợi ý của các câu cho sẵn. Tại Việt Nam, hầu hết các tờ báo dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đều có hình thức trò chơi ô chữ, trên các chương trình trò chơi mang tính giáo dục đề có sự xuất hiện các ô chữ, ví dụ như chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón Kì diệu của VTV3,… Ở sách giáo khoa Vật lí, sách bài tập Vật lí cấp trung học vẫn có sử dụng ô chữ (có 24 ô chữ). Trên phạm vi toàn quốc, cũng đã có giáo viên thiết kế một số ô chữ Vật lí, tuy nhiên, yếu tố gây nhiễu, ít gắn liền với bài học cụ thể hoặc thiếu trọng tâm. Chưa có tác giả nào ứng dụng Visual Basic trong PowerPoint để thiết kế ô chữ theo hướng ngẫu nhiên lựa chọn, chưa có cách để ghi điểm cho các đội chơi.

Khai thác trò chơi ô chữ trong tiết dạy vật lý

Giải pháp này đã ứng dụng ngôn ngữ lập trình Visual Basic nhúng trong Microsoft PowerPoint để viết câu lệnh cho ô chữ và được thực nghiệm sư phạm về tính hiệu quả của trò chơi đoán ô chữ trong dạy Vật lí. Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng ô chữ, nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng trò chơi như sau để giúp cho các giáo viên, người dùng tự thực hiên gồm 5 bước sau:

Bước 1. Xây dựng thể lệ trò chơi đoán ô chữ. Nội dung thể lệ cần ngắn gọn, đầy đủ, chặt chẽ, dễ hiểu. Nếu là đối vui để học thì cần công bố thể lệ sớm cho các đội chơi. Trong thể lệ cần nói rõ điểm số của mỗi lượt mở đúng ô chữ hàng ngang, điểm số của từ hàng dọc hoặc từ khóa, khi nào phải dừng cuộc chơi,… Thể lệ cũng nên quy định rõ đáp án là đơn nghĩa, đúng chính xác cả chính tả lẫn nội dung, hình thức.

Bước 2. Lựa chọn nội dung, chủ đề cần tuyên truyền, giáo dục. Đây là khâu quan trọng, quyết định nội dung có hấp dẫn hay không. Người thiết kế chọn từ hàng dọc hoặc từ khóa, từ hàng ngang gắn với nội dung, chủ đề của bài học, hay nội dung cần tuyên truyền, giáo dục. Từ hàng ngang, từ khóa có độ dài các kí tự không quá 18 kí tự, không đánh đố, tốt nhất là sát với chuẩn kiến thức kĩ năng của bài học tương ứng.

Bước 3. Thiết kế các câu gợi ý. Mỗi từ hàng ngang, từ khóa có 1 gợi ý để người chơi dựa vào đó mà đoán ô chữ. Gợi ý không nhất thiết phải là một định nghĩa mà chỉ nên là một cách cung cấp thông tin về nội dung, chủ đề của từ hàng ngang đó. Gợi ý có thể là câu hỏi, hình ảnh, đoạn phim hoặc một tình huống, bài toán cụ thể. Tùy thuộc vào đối tượng, tính chất của sân chơi để lựa chọn nội dung gợi ý thích hợp.

Bước 4. Thiết kế ô chữ trên phần mềm. Lựa chọn phần mềm thích hợp, sao cho đảm bảo dễ thiết kế, dễ sửa chữa, hiệu chỉnh, giao diện đẹp. Phải thiết kế sao cho thí sinh lựa chọn từ hàng ngang một cách ngẫu nhiên. Mỗi lần thí sinh chọn từ hàng ngang nào thì hàng ngang đó đổi màu hoặc nhấp nháy đồng thời xuất hiện nội dung gợi ý của từ hàng ngang đó. Nếu trả lời đúng đáp án, ô chữ sẽ được mở ra, ngược lại, ô chữ đó vẫn là bí mật nhưng màu sắc phải khác để thông báo với người chơi rằng hàng ngang đó đã được chọn. Nên thiết kế nên một trang màn hình. Cần thiết lập hiệu ứng thời gian, chuông đồng hồ, chấm điểm để trò chơi thêm sinh động, gay cấn và hấp dẫn hơn.

Bước 5. Chạy thử và sử dụng ô chữ. Để đảm bảo tổ chức trò chơi thành công, cần phải chạy thử ô chữ trên các trình duyệt PowerPoint 2003, 2010, 2016,… Việc giữ bí mật của ô chữ phải được thực hiện nghiêm túc. Người dẫn chương trình phải nắm hết nội dung của ô chữ, đặc biệt là đáp án.

Giải pháp Thiết kế trò chơi đoán ô chữ để hỗ trợ dạy học môn Vật lí đã được áp dụng thử nghiệm vào việc dạy học các chủ đề Vật lí ở tỉnh Thừa Thiên Huế, được triển khai dạy chuyên đề ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế ngày 25 tháng 10 năm 2013, có 150 người tham dự; triển khai ở các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện khác của tỉnh Thừa Thiên Huế.

150 GV, cán bộ quản lí dự giờ tiết dạy có sử dụng trò chơi ô chữ tại THCS Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế

Đây là giải pháp sáng tạo kỹ thuật được Ban tổ chức Hội thi tỉnh trao giải ba và đánh giá rất cao khả năng áp dụng. Giải pháp sáng tạo kỹ thuật này có thể ứng dụng rộng rãi cho các môn học khác ở các trường THCS, THPT, tiểu học trên địa bàn toàn quốc, góp phần thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email