Tác giả: Nguyễn Đính
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Theo dự báo mới nhất của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6-8/2023 nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng năm nay nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Tại Thừa Thiên Huế, từ tháng 6-8, mỗi tháng có khả năng xảy ra 2-3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, không loại trừ khả năng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt và nắng nóng lịch sử, cần đề phòng các đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tục trong tháng 6 và 7 sắp tới. Nắng nóng làm cơ thể con người bị sốc nhiệt (heatstroke) mà dân gian thường gọi là say nắng, say nóng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó chúng ta cần hiểu được trong điều kiện, hoàn cảnh nào dễ bị say nóng, say nắng để phòng tránh và xử trí khi có người say nắng, say nóng.
Nguyên nhân và biểu hiện say nắng, say nóng
Say nắng khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ vai gáy. Dưới tác động liên tục của ánh nắng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Say nóng là tình trạng mất nước toàn cơ thể kèm theo tình trạng rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà ánh nắng và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, phòng kín…) hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)…
Một đặc điểm chung của say nóng, say nắng đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn đến tình trạng đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn đến gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh…
Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút… và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
Cách xử trí say nắng, say nóng
Khi gặp người bị say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế:
– Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
– Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
– Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác.
– Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa say nắng, say nóng: Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức vào khung giờ nắng nóng cao điểm trong ngày. Trang bị đầy đủ trang bị chống nắng, chống nóng khi làm việc, nhất là các công xưởng, hầm lò,… Lưu ý cần uống nhiều nước hơn trong mùa hè, tối thiểu từ 2-3 lít/ngày. Nước đóng vai trò điều chỉnh hệ thống làm mát cơ thể, đặc biệt là khi làm việc nặng nhọc hay tập thể dục vào ngày hè oi bức.
Một số bài thuốc dân gian và thực phẩm phòng chống say nắng, say nóng
Kinh nghiệm dân gian có một số bài thuốc xử trí trường hợp say nắng, say nóng rất hiệu quả:
– Khi người bệnh bị cảm nắng lại sốt cao không có mồ hôi thì sử dụng hương nhu 20g, gừng tươi 6g, nước 500ml, đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng, còn bã đắp lên hai bên thái dương và gan bàn chân, đắp chăn cho ra mồ hôi, vỏ đậu xanh, sắc lấy nước đặc cho uống rất công hiệu.
– Nếu cảm nắng bị ngất xỉu: Lấy mè đen (vừng đen) rang gần cháy, để nguội tán bột, mỗi lần uống 10 – 12g hòa với nước.
– Bị trúng nắng nhức đầu, xây xẩm mặt mày: Lấy rau má giã vắt nước cốt cho vài hạt muối rồi uống, còn bã đắp thái dương và gan bàn chân.
– Trường hợp vừa nôn vừa tiêu chảy: Dùng lá sen tươi giã nát vắt nước cốt cho vài hạt muối rồi uống.
– Các trường hợp say nắng nhẹ: Bí đao 60g, lá sen 1 tàu, gạo tẻ 80g, nấu thành cháo cho ít đường và ăn khi còn ấm, ngày hai lần. Hoặc dùng bột cúc hoa 15g, đường vừa đủ nấu gạo thành cháo, rồi cho bột cúc hoa và đường vào đun sôi thêm một lát, ăn nóng.
Những thực phẩm giúp giải nhiệt, phòng chống say nắng:
– Nước dừa: Nước dừa được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều dinh dưỡng như magie, kali, muối, đường tự nhiên. Những thành phần này vừa bớt háo nước vừa giải nhiệt nên chống nóng rất tốt. Uống trực tiếp nước dừa tươi không thêm đường, ngày 1-2 cốc có tác dụng giải nhiệt, phòng và chữa say nắng, khát nước hiệu quả.
– Mướp đắng: Mướp đắng là trái cây có tính mát, vị đắng, có thể giúp giải nhiệt rất tốt, giảm bớt mệt nhọc.
– Nước chanh: Chanh giàu hàm lượng vitamin C. Uống nước chanh sẽ loại bỏ được chóng mặt, buồn nôn thường diễn ra vào ngày hè oi ả.
– Dưa hấu có nhiều dinh dưỡng cho sức khỏe như gluco, fructose, citruline, axit propionic, alanine, axit glutamic, arginine, axit phosphoric, axit malic, muối, carotene, vitamin C… đều tốt cho chống say nắng.
– Đậu xanh: Khi làm việc tay chân nặng nhọc hay đi ngoài đường về đẫm mồ hôi thì nên uống một cốc nước đậu xanh sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể say nắng.
– Dưa chuột: Y học cổ truyền có viết rằng dưa chuột có tính mát và đắng nên có thể giúp hạ nhiệt, thúc đẩy tiểu tiện và hạ thấp nồng độ cholesterol trong cơ thể.
– Bí ngô: Trong quả bí ngô có chứa nhiều chất beta- carotene, thành phần giúp bảo vệ sức khỏe của da. Ngoài ra, theo Đông y thì bí ngô giúp hạ nhiệt và chống say nắng tốt.