Poxviridae Và Bệnh Đậu Mùa Khỉ

Tác giả: PGS.TS Trần Đình Bình

Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế

Năm 1979, thế giới đã công bố thanh toán bệnh đậu mùa và nhiều quốc gia đã dừng việc chủng đậu từ những năm 1980, từ đó đến nay chỉ có vài báo cáo lẻ tẻ các ca nghi nhiễm đậu mùa và có khi báo cáo bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia châu Phi. Ở Việt nam từ những năm 1980 đến nay chưa có báo cáo nào liên quan đến bệnh đậu mùa hay đậu mùa khỉ. Gần đây, từ những ca báo cáo đầu tiên ở Anh, sau đó lan ra nhiều nước trên thế giới, ít nhất cho đến nay đã có hơn 20 quốc gia báo cáo các ca nhiễm đậu mùa khỉ, gần chúng ta nhất là Cambodia và Indonesia đều đã có báo cáo các ca bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ là do virus nhóm đậu (Poxviridae) gây ra, những virus trong nhóm này có thể gây bệnh cho người và động vật, các virus gây bệnh đậu cho động vật như dê, cừu, bò (cowpox) hay virus gây bệnh đậu khỉ (monkeypox), chúng chỉ gây bệnh cho động vật. Người không phải là ký chủ tự nhiên của các virus đậu động vật, tuy nhiên người có thể lây và mắc bệnh đậu động vật chỉ khi người tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương đậu ở động vật.

1. Đặc điểm virus học

Virus có độ lớn từ 200 – 300nm có hình khối dài như viên gạch, vỏ ngoài cùng là lipoprotein bao phủ lớp protein bề mặt có chứa các vật thể bên hình bầu dục. Trong cùng là lõi của virus phần này chứa DNA chuỗi đôi.

Virus nhóm đậu phát triển được ở màng niệu đệm của phôi gà, trên tổ chức nuôi cấy tế bào thận khỉ. Virus xâm nhập nhanh vào tế bào, ở trong bào tương, lõi của virus chứa một yếu tố hoạt hoá sao chép đặc hiệu và nhiều enzym cần thiết cho quá trình sao mã của virus.

Trong giai đoạn đầu protein sớm được tạo thành, chúng phá vỡ lõi để phóng thích DNA của virus. DNA của virus được sao chép trong các hạt vùi trong bào tương (hạt vùi Guanieri). Khi các protein mới của virus được tổng hợp, quá trình tổ hợp thành hạt virus mới được hình thành cạnh các hạt vùi, có khoảng 10.000 hạt virus mới được hình thành trong mỗi tế bào bị nhiễm. Sự phóng thích các virus mới làm cho tế bào bị phá vỡ.

2. Khả năng gây bệnh

2.1. Dịch tễ học

2.1.1. Ổ chứa mầm bệnh:

Chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Do virus gây bệnh được phát hiện ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng thí nghiệm nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì khỉ không phải là ổ chứa để dẫn đến bùng phát dịch bệnh này. Theo WHO, nhiều khả năng loài gặm nhấm chính là nguồn lây lớn nhất nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác.

2.1.2. Đường lây nhiễm:

Bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn ga gối trải giường, quần áo, khăn mặt, dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp,…). Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần). Vì thế có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm. Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người mẹ mang thai sang thai nhi qua nhau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da. Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không. Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh cũng có khả năng nhiễm bệnh.

2.1.3. Đối tượng cảm thụ:

Chủ yếu là trẻ em, tuy nhiên người trưởng thành cũng là đối tượng có thể mắc bệnh. Người đã chủng vacxin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng là đã chủng ngừa phòng bệnh đậu mùa vì hoạt động chủng ngừa phòng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa đã trở thành bệnh ở người đầu tiên được thanh toán vào năm 1980. Ngay cả khi người đã được chủng ngừa phòng đậu mùa sẽ được bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ, vẫn cần thực hiện các biện pháp đề phòng để bảo vệ bản thân và người khác.

2.2. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

2.2.1. Thời gian ủ bệnh

Thông thường sau khi nhiễm virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, sau đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh ngắn hơn trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.

2.2.2. Thời kỳ khởi phát

Các triệu chứng nhiễm trùng do virus xuất hiện đầu tiên là: Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), ớn lạnh, mệt mỏi uể oải toàn thân, đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, có thể có hạch.

2.2.3. Thời kỳ toàn phát

Một đến 3 ngày sau khi có biểu hiện sốt, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện phát ban. Đầu tiên ban xuất hiện trên khắp mặt và cổ (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt). Sau đó ban xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%). Ban có thể xuất hiện ở miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc) hay cơ quan sinh dục…

Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ rồi mới khô lại, đóng vảy và xẹp xuống. Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi, không để lại sẹo lõm như trong đậu mùa.

2.2.4. Biến chứng

Các biến chứng thường gặp của bệnh này như sau: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu; Viêm mô não; Viêm phế quản phổi; Nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực, lú lẫn…

Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%. Các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng với một số biến chứng như trên, nếu cơ địa bệnh nhân yếu, mắc bệnh lý nền khác, hoặc suy giảm miễn dịch…thì đậu mùa khỉ vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.

3. Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ

3.1. Chẩn đoán lâm sàng

Dựa vào tiền sử dịch tễ là yếu tố quan trọng nhất, khi bệnh nhân có các triệu chứng sốt, phát ban…chỉ nên thực hiện tầm soát bệnh đậu mùa khỉ nếu có các yếu tố dịch tễ sau:

+ Đang sống chung, làm việc chung với người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

+ Vừa đi du lịch đến một đất nước/khu vực đang xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ.

+ Bị cắn hoặc cào từ động vật bị nhiễm bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

+ Ăn các loài động vật không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh.

+ Sống ở các khu vực rừng nhiệt đới, có các loài vật nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sinh sống.

3.2. Chẩn đoán xét nghiệm

– Các xét nghiệm thường quy để đánh giá nhiễm trùng như Công thức máu, CRP…

– Xét nghiệm chẩn đoán virus: Thực hiện xét nghiệm PCR mẫu chất lỏng hoặc các vết thương trên da, từ đó phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể.

– Phân lập virus trên tổ chức nuôi cấy tế bào, hoặc màng niệu đệm bào thai gà sau đó khảo sát hiệu ứng tế bào bệnh lý, xác định virus bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang.

– Có thể chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu.

4. Dự phòng và điều trị

4.1. Phòng bệnh đặc hiệu:

Hiện đã có một số loại vacxin phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vacxin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi.

Dùng vacxin đậu mùa có khả năng tránh nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên vacxin đậu mùa hiện nay không còn thực hiện. Những người đã được chủng đậu trước đây có khả năng bảo vệ đến 80%. Những người này nếu mắc bệnh thì các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, không diễn tiến nặng và ít nguy cơ để lại biến chứng, không cần can thiệp.

4.2. Phòng bệnh chung:

Là biện pháp quan trọng, hiệu quả. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bao gồm:

– Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh,…).

– Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.

– Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.

– Ở phạm vi quốc gia và quốc tế cần kết hợp chặt chẽ kiểm dịch quốc tế và chiến dịch tiêm vacxin.

4.3. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, chỉ cần các biện pháp hỗ trợ như hạ sốt, chống viêm, vitamin. Thuốc kháng sinh cần thiết để chống nhiễm trùng bội nhiễm ở vết thương. Phần lớn bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị.

Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin – VIG) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng.

Có thể sử dụng một số loại thuốc kháng virus có thể điều trị đậu mùa khỉ như: cidofovir, tecovirimat,… là các loại thuốc có hoạt tính chống lại virus đậu mùa trên khỉ. Tuy nhiên, hiện chưa có loại thuốc nào được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch để điều trị bệnh đậu khỉ. Có thể sử dụng Isathin beta thiosemicarbasone và các dẫn xuất liên hệ có tác dụng dự phòng ở những người tiếp xúc với bệnh nhân hay nguồn lây nhiễm.

Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chỉ xuất hiện tại Châu Phi nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần đây, bệnh đã lây lan đến các quốc gia Châu Âu khác. Kể từ khi Anh lần đầu tiên báo cáo một trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ được xác nhận vào ngày 7/5, gần 400 trường hợp nghi ngờ và xác nhận đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở gần hai chục quốc gia xa các nước lưu hành virus. Điều này khiến nhiều người trở nên lo lắng về tình hình bệnh. Các chuyên gia y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, cần chủ động tiêm phòng đậu mùa và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp, chủ động thăm khám nếu phát hiện các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người/động vật nhiễm bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngô Viết Quỳnh Trâm, Trần Đình Bình (chủ biên). Giáo trình Vi sinh lâm sàng. Các Virus gây bệnh: Poxviridae. Nhà xuất bản Đại học Huế, 2021. Trang 235-238.
  2. Bộ Y tế. Bệnh đậu mùa khỉ – Những giải đáp từ WHO, https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/benh-au-mua-khi-nhung-giai-ap-tu-who? 28/5/2022.
  3. WHO. Multi-country monkeypox outbreak in non-endemic countries, https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON385.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email