Phát huy nguồn vốn tri thức phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới

Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức đã trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

 

Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, vai trò của trí thức là vô cùng quan trọng. Đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hăng hái hoạt động khoa học và tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, nhưng đội ngũ trí thức với tính chất đặc thù lao động của mình có vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Không có đội ngũ trí thức đủ mạnh thì không thể tiến hành CNH, HĐH đất nước , không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vai trò của trí thức của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và đặc biệt là đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với qua trình CNH,HĐH và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, điều này đã được thực tiễn khẳng định. Đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đứng thứ nhất khu vực miền Trung – Tây nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng, chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên và đa dạng về ngành nghề đào tạo. Hiện nay, Thừa Thiên Huế có trên 250 giáo sư, phó giáo sư, 500 tiến sĩ, hơn 1.000 thạc sĩ, hơn 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú… Trí thức Thừa Thiên Huế giàu lòng yêu quê hương, đất nước, cần cù, thông minh, có hoài bão, tinh thần vượt khó, ham học hỏi, say mê tìm tòi, nghiên cứu và giàu sáng tạo…và trách nhiệm.

Những đóng góp của trí thức KHCN cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh

Khẳng định rằng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua đều có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ khoa học và công nghệ của tỉnh. Khoa học và công nghệ luôn được khẳng định có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội; là nền tảng vững chắc, động lực then chốt phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đối với tỉnh ta, khoa học công nghệ còn được xem là một giải pháp đột phá cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức. Cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, của các đơn vị, doanh nghiệp và sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học trong thời gian qua nên hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, cơ bản đáp ứng được một phần đòi hỏi thiết yếu của thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và chất lượng, đóng vai trò nòng cốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực. Tỉnh đánh giá cao vai trò và nỗ lực tập hợp, đoàn kết phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Cùng với việc tôn vinh các trí thức có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong các hoạt động xây dựng và phát triển tổ chức, nghiên cứu, sáng chế, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống để nhằm kịp thời tri ân và ghi nhận sự cống hiến, đóng góp và đồng thời khích lệ tiếp tục cống hiến cho tỉnh, chúng ta cũng cần trân trọng biểu dương và chúc mừng tất cả những tổ chức, cá nhân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều điều kiện để hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng KHCN tại cơ quan, đơn vị, xí nghiệp được duy trì và không ngừng phát triển; đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, của đất nước.

Hiện nay, đất nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đang đứng trước yêu cầu phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức, càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tri thức, của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phải đặc biệt chú trọng kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học với các cơ sở sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã…Để sự nghiệp KH&CN của tỉnh nhà phát triển và không bị tụt hậu thì nhất định vai trò của đội ngũ trí thức cần được phát huy và cần được nhận thức một cách đầy đủ trong qua trình phát triển.

Để tập hợp, phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, của các nhà khoa học và công nghệ đầu đàn, vừa có trình độ cao trong tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu, vừa tâm huyết với đất nước, với tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với sở KH&CN và các trường Đại học, viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu nhằm đổi mới phương thức tập hợp, đổi mới mạnh phương thức hoạt động, vừa phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, vừa phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy vâỵ, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng vẫn còn không ít bất cập. Công trình sáng tạo của đội ngũ trí thức so với tiềm năng hiện có là chưa tương xứng, trong một số lĩnh vực, nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn với phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều đề tài khoa học sử dụng ngân sách nhà nước nghiên cứu chưa được ứng dụng vào thực tiễn.

Những vấn đề thực tiễn của tỉnh đang đặt ra và yêu cầu đội ngũ trí thức KHCN đối với tỉnh

Có thể nói rằng, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ.

Chúng ta tự hào vì hiện nay Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức mạnh nhất ở miền Trung, là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới với mục tiêu là phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, hoạt động của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong thời gian tới thiết nghĩ cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị; tập trung tư duy đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh, nhất là những chuyên gia đầu ngành trong việc nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện xã hội, giúp tỉnh xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Thứ hai, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ ba, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thật tỉnh cần tổ chức các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và truyền bá tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; sáng tạo ra nhiều công trình có giá trị trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

Trong thời gian tới, cần tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ trí thức KH&CN có điều kiện hoạt động, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển, xây dựng Huế ngày càng giàu đẹp hơn.

Trí Huế

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email