Tác giả: Trần Thị Thanh Tâm
CSRD phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khóa tập huấn cho gần 100 người dân ở 05 xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Kim, Quảng Nhâm và Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bà Phan Thị Thu Hồng – Phó Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế tham gia giảng dạy tại khóa tập huấn về nuôi trồng thủy sản bền vững.
Những kiến thức cơ bản về Nuôi trồng thủy sản bền vững đã được chia sẻ. Đồng thời, 10 nhóm cộng đồng cũng được hình thành tại khóa tập huấn, tương đương với 10 mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản sẽ được CSRD hỗ trợ xây dựng và tiến hành hoạt động trong thời gian tới. Mỗi mô hình sinh kế được hỗ trợ 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng), các nhóm sẽ chủ động xây dựng mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản dựa trên điều kiện tự nhiên, tài nguyên và nhân lực của nhóm với sự tham gia của cả nam và nữ. Những mô hình sinh kế trên 30 triệu đồng nhóm cộng đồng sẽ chủ động đối ứng thêm.
Các thành viên trong nhóm tiến hành thảo luận và lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp.
Mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản bền vững bước đầu giúp người dân cải thiện hoạt động sinh kế tại địa phương, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững. Ngoài ra, hoạt động còn tăng cường vai trò của cộng đồng đặc biệt là phụ nữ trong việc bảo vệ tài nguyên nước ở trong lưu vực sông A Sáp – A Lưới. Trong thời gian tới, CSRD tiếp tục phối hợp cùng Chi cục Thủy sản T.T.Huế tiến hành các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng và theo sát các nhóm trong việc vận hành mô hình sinh kế.
Kết quả bước đầu của khóa tập huấn, các nhóm đã xác định các mô hình nuôi trồng sẽ tiến hành trong thời gian tới. Theo đó, (1) xã Hồng Thượng tiến hành xây dựng 2 mô hình nuôi cá Trắm cỏ trong lòng hồ thủy điện A Lưới; (2) xã Hồng Thái hình thành 1 mô hình nuôi cá Trắm trong ao và 1 mô hình nuôi cá Trắm trong lòng hồ thủy điện; (3) xã Quảng Nhâm sẽ có 2 mô hình nuôi cá Trắm trong ao; (4) xã Sơn Thủy tiến hành nuôi cá Trắm, rô phi trong ao tại xã; (5) xã Hồng Kim tiến hành nuôi cá Trắm trong ao hồ tại xã. Đa phần các nhóm đều lựa chọn nuôi cá Trắm cỏ, được biết đây là giống cá dễ nuôi, giá trị kinh tế cao. Mặt khác, cá Trắm ít công chăm sóc, ít bệnh và tận dụng được nguồn cỏ tự nhiêu tại địa phương, không cần đầu tư nguồn thức ăn công nghiệp quá nhiều. Thị trường tiêu thụ của cá Trắm cỏ cũng rất tiềm năng và ổn định, theo chia sẻ của người dân: “Cá Trắm A Lưới rất được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn so với cá Trắm được nuôi ở các vùng miền xuôi”. Đây là 1 lợi thế lớn cho các nhóm và mô hình sinh kế có thể phát triển và vận hành ổn định trong thời gian tới.
Trình bày mô hình sinh kế mà nhóm lựa chọn thực hiện sau này.
Qua hoạt động tập huấn, CSRD đã ghi nhận rất nhiều mong muốn từ các nhóm cộng đồng trong việc tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân liên quan đến nuôi trồng thủy sản bền vững.
Chị Hồ Thị Nôn – xã Quảng Nhâm chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có hồ nuôi cá, tôi cũng tiến hành thả nuôi nhưng hiệu quả chưa cao. Bản thân tôi chưa biết cách chăm sóc, cho ăn hay quy trình kỹ thuật nuôi như thế nào, cứ có hồ là thả cá đến khi cá chết hay nuôi lâu không lớn cũng không biết làm sao. Được học về các kỹ thuật nuôi như thế này không chỉ giúp việc nuôi cá trong ao của nhà tôi được cải thiện mà cũng giúp ích rất nhiều khi cùng nhóm nuôi cá sau này”.